Khát vọng phát triển sinh kế cộng đồng

56
Bùi Ngọc Cường – Dự án Sổ gạo – Cánh đồng sẻ chia.
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8, do Trung tâm BSA, Hội DN HVNCLC tổ chức với sự đồng hành của Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau và Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập… đang tiến dần đến vòng chung kết.
Vòng chung kết diễn ra trong 2 ngày 15, 16/10 tới, sẽ xác định được ngôi vị quán quân. Mời bạn đọc cùng TGHN nhìn lại chặng đường vòng bán kết vừa mới kết thúc.
Dựa vào nguồn tài nguyên bản địa
Mặc dù trải qua một năm đầy sóng gió vì dịch bệnh Covid-19, nhưng khi được phát động vào tháng 6/2022 cuộc thi đã thu hút được đông đảo thanh niên Việt Nam hưởng ứng tham gia.  Sau hơn 3 tháng nhận bài thi, có 163 dự án đại diện cho 40 tỉnh thành đăng ký, nộp đề cương tham gia. Ở vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã chọn ra 88 dự án tốt nhất, đại diện cho 32 tỉnh, thành tham gia Vòng thi Bán kết, tổ chức tại 3 khu vực là An Giang, Hà Nội và TP.HCM.
Qua phần trình bày bài thi ở vòng bán kết, các dự án thể hiện được nỗ lực cũng như khát vọng phát triển sinh kế cộng đồng khá cao. Dự án được xây dựng dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên bản địa gắn với việc tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị kinh tế, bảo tồn, duy trì những sản phẩm bản địa. Điều này được thể hiện rõ ở các dự án thuộc khu vực miền núi phía Bắc cũng như khu vực ĐBSCL.
Khu vực đồng bằng, thành thị có nhiều sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Không ít dự án ứng dụng, kết hợp các loại dược liệu để tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Thêm vào đó, các dự án đồng bằng còn ứng dụng tốt khoa học công nghệ trong sản xuất, áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và có sự đầu tư về dây chuyền sản xuất, từ đó tạo được sự vượt trội. Đơn cử như dự án muối dược liệu NanoSalt của nhóm Trần Thị Hồng Thắm (Nghệ An). Dự án này mang đến cuộc thi sản phẩm là muối dinh dưỡng giảm mặn và muối dược liệu với khát vọng ứng dụng khoa học công nghệ, thổi luồng gió mới vào ngành diêm nghiệp tại Việt Nam. Nhóm của Thắm đã sáng tạo ra thiết bị giúp chế biến sâu từ hạt muối truyền thống thành các sản phẩm muối dược liệu tốt cho sức khỏe, có hàm lượng Natri thấp đến 50%, nhưng vẫn giữ được vị tự nhiên. Ngoài ra, sản phẩm còn bổ sung 60 vi khoáng có lợi cho sức khỏe.
Theo Thắm, hệ sinh thái các sản phẩm của NanoSalt chia thành 4 phân khúc chính gồm: Muối ăn, muối làm đẹp, muối dược liệu và muối tâm linh. Dự án phát triển sản phẩm dựa trên nguyên tắc “Tiện lợi – Tiện dụng”, hướng đến việc hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức đề kháng. Qua vòng bán kết, NanoSalt đã có được những kết nối với các dự án khác về tinh dầu và đặc biệt là những dự án khai thác nguồn dược liệu ở vùng núi.
Năm nay, cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 có sự đồng hành của 2 đơn vị mới là Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên – FYE và Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau. FYE là quỹ phi chính phủ với mục tiêu hỗ trợ phát triển thanh niên trên ba trục đồng hành là tạo trách nhiệm xã hội (tức là thanh niên tham gia vào các chương trình xã hội). Trục thứ hai là hướng nghiệp và cuối cùng là trục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học là những chương trình, dự án liên quan đến cuộc thi này. Cuộc thi phù hợp với định hướng nên Quỹ chọn đồng hành cùng Trung tâm BSA. Mục tiêu của Quỹ trong mối lương duyên này là thời gian tới, công tác hỗ trợ khởi nghiệp hay là nghiên cứu khoa học đổi mới sẽ được đầu tư chuyên sâu và rộng hơn trong thanh niên, giúp các dự án khởi nghiệp thành công.
Khát vọng vì cộng đồng
Bà Vũ Kim Anh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi cho biết, một số dự án không được đánh giá cao ở vòng sơ khảo, nhưng qua phần thi ở vòng bán kết đã nêu bật được những điểm mạnh về tính thực tế, tính khả thi cao, sự sáng tạo thông qua các sản phẩm thực tế, các hồ sơ, chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Có được điều này là nhờ các chuyên gia đã chia sẻ, hướng dẫn tại các lớp tập huấn, được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM trước khi diễn ra vòng bán kết. Tính gắn kết và tác động tích cực đến cộng đồng của các dự án cũng là một trong những điểm mạnh do liên kết với các nông hộ nhằm chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sạch an toàn, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, phụ nữ và tham gia các hoạt động từ thiện…
Hội đồng giám khảo họp – đánh giá chọn dự án vào chung kết.
Nhiều thí sinh tham gia cuộc thi, nhận định rằng, điều nhận được nhiều nhất đó chính là sự kết nối và các chương trình đào tạo, tập huấn. Nhận ra còn nhiều thiếu sót, các thí sinh không quên được những phút giây ban giám khảo đặt ra những câu hỏi với mục tiêu góp ý chân tình, hướng dẫn, nhắc nhở nhằm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan để dự án hoàn thiện hơn thay vì làm khó.
Nhận được suất vào vòng chung kết, Hà Thị Nhâm, chủ dự án “Mô hình tổ chức liên kết trồng, chế biến Sâu Hoa hồng theo chuỗi giá trị có kiểm soát” (Bắc Kạn) vẫn chưa hết run. Mong muốn của Nhâm và nhiều thí sinh khác khi tham gia cuộc thi này là được gặp nhiều chuyên gia để có được nhiều góp ý, tham vấn, từ đó hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện dự án và đưa sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng. Đứng trên sân khấu thuyết trình bài thi, dù có phần hồi hộp nhưng Hà Thị Nhâm cảm thấy hạnh phúc khi thấy các chuyên gia đón nhận sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết để Nhâm có cơ hội điều chỉnh, thay đổi để đi xa hơn. Vào chung kết, thí sinh này lại có thêm cơ hội để học hỏi, tìm kiếm kiến thức mới, nhận được sự góp ý từ nhiều vị giám khảo khó tính hơn vòng bán kết để hoàn thiện hơn. Không những thế, dự án này cùng với 30 dự án khác trên cả nước sẽ có thêm nhiều cơ hội để kết nối, tiếp cận và giới thiệu sản phẩm với hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM) vào ngày 15 và 16/10 tới.
Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau chuyên về phân bón, có sứ mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng của nền nông nghiệp Việt Nam. Hàng năm, bên cạnh mục tiêu sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phân bón dầu khí Cà Mau còn trích một phần kinh phí để triển khai các chương trình an sinh xã hội. “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” là một trong những chương trình trọng điểm mà Phân bón Cà Mau muốn hướng đến trong năm 2022 nhằm tìm kiếm, phát hiện những dự án có tính khả thi, có hiệu quả để hỗ trợ một phần về kinh phí, kiến thức để tạo nền tảng cho dự án phát triển trong tương lai, Võ Tường Huy, bộ phận truyền thông Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau chia sẻ.
Ghi nhận từ các giám khảo
Một số giám khảo cho biết, ở vòng bán kết có yếu tố phát triển sinh kế cộng đồng rất cao, gần như 100% dự án tham gia vòng bán kết này đều như vậy. Có nhiều nhóm thi khá mạnh, làm cho ban giám khảo bối rối. Ngoài chất lượng được chuẩn bị chu đáo, các đội nhóm thi được hỗ trợ rất mạnh. Đó phải kể đến tỉnh đoàn Bắc Kạn, Lạng Sơn hỗ trợ các dự án thi rất tốt, hoặc là nhóm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Thanh Hóa, Hà Giang cũng có tinh thần tập thể, hỗ trợ tốt cho các dự án kể cả trong khâu chuẩn bị, trưng bày sản phẩm và phần thi thuyết trình. Các dự án đều đã có sản phẩm, được thương mại hóa, đang trên đường đi đến thành công chứ không còn là ý tưởng. Điều này thể hiện chất lượng của cuộc thi ngày càng được nâng cao. Bản thân các chủ dự án hiểu rất rõ ràng về mục đích, mục tiêu, hướng đến chân dung khách hàng như thế nào.
Bùi Phương Thanh – Dự án Nâng cao giá trị nông sản Sơn La- Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa
Lần đầu tiên ngồi ở vị trí giám khảo vòng bán kết, TS Đặng Thanh Phương, Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên FYE cho biết rất ấn tượng với các dự án tham gia vòng bán kết. Các thí sinh mang hết tâm huyết không chỉ về khởi nghiệp mà còn mong muốn phát triển, bảo tồn, duy trì những sản phẩm bản địa. Chị còn ấn tượng với những người phụ nữ vùng núi cao như thí sinh Ván Thị Chi, chủ dự án Bảo tồn nghề thêu dệt gắn với văn hoá người Pà Thẻn (Hà Giang) hay các dự án nông nghiệp từ tài nguyên bản địa ở Sơn La, Bắc Kạn… Các chủ dự án đã có nhiều tiến bộ nhờ được gặp gỡ với chuyên gia nên giờ đã biết cách phân tích tài chính, biết được điểm hòa vốn. Câu chuyện biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật không chỉ trong sản phẩm mà còn ứng dụng trong marketing được các dự án thực hiện ngày càng bài bản.
Vòng chung kết cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 sẽ diễn ra tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM vào ngày 15 và 16/10/2022. Tại vòng thi này, có 30 dự án tham gia, đây là những dự án xuất sắc được lựa chọn từ vòng bán kết ở 3 khu vực miền Bắc, ĐBSCL và miền Trung – Tây Nguyên – Đông Nam bộ. Song song cuộc thi, có 50 đơn vị khởi nghiệp là các dự án vào chung kết và một số đơn vị khởi nghiệp của những năm trước, doanh nghiệp HVNCLC tham gia trưng bày, bán sản phẩm phục vụ khách tham quan.
Cũng là giám khảo mới, TS Nguyễn Thị Quý Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Vấn QP Việt Nam nhìn nhận rằng, cuộc thi đã tạo nên được ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều đặc biệt là có nhiều trí thức trẻ, đã đi nhiều nơi trên thế giới đã mang trí thức về để xây dựng cho quê hương. Bất luận các bạn trẻ khởi nghiệp ở đồng bằng, ở thành phố hay vùng núi cao không quản khó khăn, vất vả để học hỏi những kinh nghiệm thành công và cả những câu chuyện thất bại, để làm sao dự án phát triển tốt.
Một trong những giám khảo kỳ cựu, đồng hành cùng cuộc thi trong suốt 8 năm qua là ông Phan Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học Môi trường – Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường – Đại học Nông Lâm TP.HCM nhận xét rằng, các dự án vượt qua vòng bán kết 1 có nhiều cải thiện về cách viết và trình bày bài thi. Tính thực tế được đánh giá cao, thể hiện qua các sản phẩm, dịch vụ và cách triển khai của dự án phù hợp với từng địa phương. Đây là sự khác biệt lớn so với những mùa thi trước. Nếu ở vùng thành thị, dự án tập trung nhiều vào ứng dụng công nghệ thì tại vùng nông thôn, các dự án khởi nghiệp đã tận dụng được nguồn lực là nguồn tài nguyên bản địa, tập trung phát triển nguồn tài nguyên của quê nhà để tạo nên giá trị cao cho nông sản, dược liệu…
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 – 2022 nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa. Năm 2022, cuộc thi do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức với sự đồng hành của Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, Dự án Hàng Việt Nam – Chuẩn hội nhập đồng tổ chức.  Đồng hành cùng cuộc thi còn có nhiều doanh nghiệp hội viên Hội DN HVNCLC như Công ty Cổ phần Vinamit, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty TNHH MTV Tư vấn QP Việt Nam, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan…
Bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)