Khởi nghiệp sản xuất tuần hoàn – trợ thủ nền kinh tế xanh

Hơn 3 thập niên qua, với sự gia tăng và phát triển của khoa học – công nghệ trong tất cả lĩnh vực sản xuất, bao gồm cả quá trình phân phối và kinh doanh hàng hóa hiệu quả, nền kinh tế của nhiều nước đã phát triển, đạt được những thành tựu đáng kể, đồng thời mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại của đà phát triển kinh tế, nhân loại cũng chứng kiến sự suy giảm đáng báo động về tài nguyên và môi trường: khoảng 60% tài nguyên và hệ sinh thái chính của thế giới như rừng, khoáng sản, nguồn nước và đất canh tác đã bị suy thoái hoặc sử dụng không bền vững. Nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất đã khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu các biện pháp duy trì nguồn tài nguyên dự trữ tái tạo, dẫn đến sự suy thoái và mất mát hệ sinh thái trên diện rộng. Hậu quả của tình trạng này là một số nhà làm chính sách đã cho rằng để phát triển kinh tế thì phải chấp nhận hy sinh môi trường, và ngược lại.
Trong một báo cáo xuất bản năm 2011 có tiêu đề “Hướng đến một nền kinh tế xanh” (Towards a Green Economy), chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã định nghĩa “nền kinh tế xanh là nền kinh tế giúp cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Theo báo cáo này, nền Kinh tế xanh có thể hiểu là nền kinh tế ít carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả và đáp ứng các mục tiêu xã hội. Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng thu nhập và việc làm được thúc đẩy bằng cách đầu tư công và tư nhằm giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, đồng thời ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Khái niệm về Kinh tế xanh đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nổi lên, nó cũng mở ra một xu hướng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ có trách nhiệm hơn đối với tài nguyên trái đất. Một triết lý mới trong nền kinh tế xanh là việc công nhận giá trị và đầu tư vào vốn tự nhiên, nền kinh tế xanh tập trung vào giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ các nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên không khí và tài nguyên sinh vật, tuân theo 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề xuất.
Bên cạnh khái niệm Kinh tế xanh là sản xuất theo tiến trình Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy), trong đó vật chất di chuyển trong chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ và tái chế như một nguồn đầu vào mới. Đồng thời, khi trở thành hàng hóa, vật chất được sử dụng hoặc duy trì trong thời gian lâu nhất có thể. Như vậy, khái niệm kinh tế xanh phá vỡ quan điểm trước đây, khi cho rằng phát triển kinh tế phải đánh đổi sự mất mát hoặc suy thoái hệ sinh thái tự nhiên và chấp nhận sự suy giảm, ô nhiễm môi trường, cũng như sức khỏe của con người và tài nguyên. Phát triển nền kinh tế xanh là một lựa chọn mang tính thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, dẫn đến hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên toàn cầu.
Sự hình thành của xu hướng tiêu thụ xanh (Green consumption) như một phần của nền kinh tế xanh, bao gồm tất cả các quy trình sản xuất, mua sắm và sử dụng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, ít gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa hệ sinh thái tự nhiên. Quan điểm này đã thúc đẩy và tạo cơ hội cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới, có giá trị kinh tế xanh cao hơn so với những mặt hàng tương tự nhưng có khả năng gây ô nhiễm hoặc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe.
Có nhiều khảo sát cho thấy nhóm người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường sẵn lòng trả một khoản phí cao hơn từ 10 – 20% để mua thực phẩm hữu cơ, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc các sản phẩm thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường, thậm chí sẵn lòng trả một khoản phí cao hơn từ 15 – 30% để thưởng thức những nơi ở gần với thiên nhiên. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mới cam kết duy trì liên tục sản xuất xanh – sạch và đang cố gắng giảm dần chi phí bán hàng, bao gồm cả những sản phẩm cao cấp. Sắp tới, như một chính sách sử dụng công cụ chế tài, Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu đánh thuế các mặt hàng có dấu chân carbon cao, khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm và đổi mới quy trình giảm phát thải khí nhà kính hoặc thay thế vật liệu có nguồn gốc hóa học hoặc nguyên liệu hóa thạch như nhựa plastic bằng các nguyên liệu tự nhiên (cỏ sợi, phụ phẩm thực vật…), vừa rẻ tiền, vừa nhẹ, ít độc hại. Các công đoạn sản xuất ra chúng cũng đã thúc đẩy thêm lao động nông thôn, sử dụng thời gian nhàn rỗi và tăng thu nhập cho người nghèo, giảm những hành vi tiêu cực về mặt xã hội.
Trong sản xuất nông nghiệp, với sự ứng dụng công nghệ môi trường và điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ hoàn toàn có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo để áp dụng chu trình kinh tế tuần hoàn và tạo ra các chuỗi sản phẩm trong một nền kinh tế xanh”.
Tuy nhiên, với những người trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp với nguồn vốn hạn chế, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều và chưa có những mối quan hệ rộng để đưa sản phẩm ra thị trường, không nhất thiết phải bắt đầu từ tất cả các giai đoạn, từ sản xuất ban đầu đến phân phối cho người dùng cuối cùng và quay vòng đồng vốn.
Các bạn trẻ khởi nghiệp nên kiên trì làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi khác nhau, bắt đầu từng giai đoạn sản xuất nhỏ hơn, đơn giản hơn và an toàn hơn trước khi tìm hiểu các giai đoạn mới và mở rộng dần quy mô sản xuất của mình theo tình hình, nhu cầu thực tế.
PGS. TS Lê Anh Tuấn – Đại học Cần Thơ
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)