Khởi nghiệp từ những chiếc túi làm bằng tay

157
Túi xách của nhà Kim Chi Daudens
Lúc rảnh rỗi, tôi móc chiếc túi đơn giản, được bạn bè khen đẹp… Một hôm, người hàng xóm ở Saint Nazaire nói rằng phải chi có món đồ “độc – lạ” để tặng cho bạn… Tôi liền khoe chiếc túi vừa làm xong để thăm dò. “Wow”, bà ấy trầm trồ – và sẽ hài lòng nếu mua được để tặng bạn.
Từ đó, tôi làm nhiều chiếc nữa đăng lên trang cá nhân, người bạn ở Avignon hỏi mua để tặng chị sui (người Pháp)… và tôi nhận được phản hồi: “Bà sui rất thích”…
Những chiếc túi đầu tay nhẹ nhàng bước vào đời. Tôi vẫn giữ mối liên hệ với bên nhà, tại sao không đặt mua phụ kiện từ các nhóm chuyên làm đồ handmade ở Việt Nam, làm hàng handmade để bán ở phiên chợ Pháp?
Hằng năm, các phiên chợ handmade được tổ chức như thể màn trình diễn đồ nhà làm.Tuy nhiên, để được tham gia các phiên chợ phải đăng ký từ tháng 9, tháng 10. Bao giờ cũng vậy, người tiếp nhận đăng ký sẽ hỏi bạn bán gì nào?Hàng của bạn từ đâu ra? Phải là hàng do chính bạn hoặc gia đình bạn làm ra – mới được vô phiên chợ.
Tôi mang những chiếc túi làm ngày – làm đêm của mình ra trưng bày khi chợ chính thức mở cửa vào tháng 11… Những phụ nữ dạo chợ phiên thường dừng lại rất lâu ở gian hàng của tôi để ngắm những chiếc túi xách – mới thấy lần đầu – hỏi “những chiếc bóp đầm này là do bà làm ư? – Rất đẹp và độc đáo…”
“Đẹp – độc – lạ” là tiêu chí của họ và của tôi… Những cái túi xách của tôi giá cao gấp 3-4 lần so với những túi sản xuất công nghiệp, vẫn có người không ngần ngại mua hai cái một lúc, sau khi trả tiền, bà ta nói với tôi: “Vì nó quá đẹp”… Phiên chợ hôm đó, có một người đàn ông, vui vẻ viết một tấm chèque trả 70 euros để mua một chiếc làm quà tặng vợ.Còn một ông khác thấy vợ phân vân liền nói “mua cả hai, nếu em thích. Đẹp mà”…
Một điều đáng mừng hơn cả, Angélique, chủ một cửa hàng handmade muốn đặt hàng dài hạn.Không nói thì tôi cũng tự hiểu điều kiện đặt ra là những mẫu được họ lựa chọn không được bán cho ai khác. Dĩ nhiên giá cả sẽ cao khi là hàng độc quyền.
Cuối cùng, tôi đã làm ra sản phẩm để phụ nữ nước ngoài để ý tới mình. Dù chỉ là chiếc túi, tôi có thể tạo ấn tượng bất ngờ về sự tỉ mĩ, khéo tay của người Việt. Salah – ông xã tôi- biết ước nguyện đó. Tiện thể, cũng phải nói một sự cố: Hôm ấy, một vị khách xem cái bóp đầm được đan móc công phu nhất của tôi – vẻ hài lòng, nhưng tôi lại vô tình gắn nhãn mác của một nhãn hiệu nổi tiếng để trang trí… khi nhìn thấy nhãn mác, bà ấy nói “xin lỗi, tôi không dùng hàng nhái”…
Phiên chợ là tấm gương cần mẫn và sáng tạo của những người làm hàng handmade. Để làm ra một cây nến, Alice mất từ 2 đến 4 ngày, chờ đợi cho sáp kết dính và khô lại… Nến là một món không thể thiếu trên bàn tiệc trong đêm Giáng sinh. Với những chất liệu “sạch” như sáp ong, tinh dầu gỗ, tinh dầu cam, hương hoa hồng, hoa huệ, nhựa thơm, quả bách xù… Alice làm cho hương thơm, mẫu mã và kiểu dáng theo ý tưởng riêng của mình. Khi thì cho nến vào trong những chiếc cốc uống trà hay trong những cái ly, thoạt nhìn cứ như là những ly kem.

Đồ chơi làm bằng gỗ của nhà Hamon

Đối với bà Monique, bày những chiếc ly, dĩa, đèn ngủ làm bằng thủy tinh, hay gốm sứ… là niềm hãnh diện của gia đình sau khi đặt hàng thô theo mẫu mã riêng, bà gia công trang trí, vẽ họa tiết lên sản phẩm… Người ta mua các bộ dĩa, muỗng, tách để làm quà Noel cho người thân, bạn bè… Bây giờ, doanh số sụt giảm hơn phân nửa do tình hình chung, nhưng đến hẹn lại lên… Bà luôn có mặt tại các phiên chợ handmade để cảm nhận cuộc sống và chờ đợi điều bất ngờ.
Ngược lại, ông Jean-Luc bán khá chạy. Gia đình ông có một lò gốm nhỏ, sản xuất đồ dùng trong bếp như những chiếc tách uống cà phê, những chiếc tô, dĩa có thể để trong lò nướng hay những chiếc bình cắm hoa… Người mua một phần là khách quen, phần khác mua vì là họ biết sản phẩm thủ công có độ bền cao.
Ở đây bạn có thể nâng cốc nếm thử loại bia sản xuất thủ công của Pierre, gồm mạch nha (nảy mầm từ lúa mạch, lúa mì hoặc lúa mạch đen), hoa bia, men và nước. Thông thường, bên cạnh cái thùng để lên men, phải có ba cái nồi lớn dùng để xay, ủ, rửa ngũ cốc và thùng cuối cùng để đun sôi. Vì sản xuất thủ công nên gia đình của ông Pierre coi trọng vệ sinh hơn bất cứ thứ gì…
Còn cô gái trẻ Manon, với những chiếc kẹo bòn bon, những tuyệt phẩm chocolate hình cây thông hay ông già Noel, người tuyết ngộ nghĩnh, thu hút được rất nhiều khách hàng, nhất là khách “nhí”… Manon làm chocolate tại nhà và Santa Claus, Father Christmas, Saint Nicholas, Saint Nick, Kris Kringle mang những thông điệp tốt lành tới mọi nhà.

Bài và ảnh Kim Chi Daudens (theo TGHN)