Không chuyển đổi xanh nhanh, DN sẽ mất đơn hàng!

125
Gần đây, qua các phương tiện truyền thông có thể thấy, những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam là không có đơn hàng. Việc không có hoặc sụt giảm đơn hàng đến từ nhiều lĩnh vực, ngành hàng, nhất là thủy sản, may mặc, da giày…
Ông Nguyễn Huy – Chuyên gia đánh đánh giá về ngành hàng dịch vụ thực phẩm và chứng nhận từ công ty Intertek Việt Nam cho biết như thế, tại hội thảo: “Tiêu chuẩn phát triển bền vững xu hướng chuyển đổi xanh của thị trường”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 23/5 tại TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Huy, trong các ngành thủy sản hay may mặc, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động những chiến lược, kế hoạch phát triển xanh, phát triển bền vững từ nhiều năm nay. Do đó, trong giai đoạn khó khăn này, họ đã lần lượt vượt qua và có thành tích xuất khẩu đáng mơ ước. Chẳng hạn như Bangladesh, Ấn Độ… đã đưa vào kế hoạch phát triển xanh, phát triển bền vững từ 5 – 7 năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi theo xu hướng xanh, phát triển bền vững, thì những đơn hàng sẽ ngày một ít đi, thậm chí không có và rất khó cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về những xu hướng chuyển đổi xanh của thị trường, các tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển bền vững mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Trong đó, việc phát triển bền vững trong các ngành thực phẩm, phi thực phẩm đang là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới theo đuổi.
Trong đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển bền vững mà các doanh nghiệp cần quan tâm là vấn đề sử dụng tài nguyên môi trường tiết kiệm nhất có thể, từ nước, điện, giảm sử dụng năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu và kiểm soát. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đưa ra những mục tiêu để phát triển về bình đẳng giới trong các lĩnh vực có cả nam lẫn nữ.
“Intertek chúng tôi là nhà cung cấp hàng đầu thế giới các giải pháp an toàn và chất lượng nhất về an toàn thực phẩm, bền vững, tái chế, organic, phân tích và đưa ra những ví dụ cụ thể cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn”, ông Nguyễn Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy chia sẻ tại sự kiện
Phát triển bền vững từng bước theo lộ trình
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Viện – Trưởng phòng đánh giá và chứng nhận môi trường của Intertek, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế thực hiện phát triển một cách bền vững là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp hướng đến. Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu dài hạn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần có các giải pháp phát triển một cách bền vững riêng, nhưng cốt lõi chung của một doanh nghiệp bền vững chính là phải cân bằng được cả ba yếu tố về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Khi xuất hàng vào thị trường quốc tế người ta đánh giá hai yêu cầu chính là trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm. Nhưng hiện nay các nhãn hàng đang bổ sung thêm các yêu cầu mới trong hệ thống kiểm soát, trong đó sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, và phải hướng đến phải triển bền vững. Chẳng hạn như dòng sản phẩm về dệt may hữu cơ, dệt may tái chế….
“Bên cạnh đó là vấn đề minh bạnh, báo cáo tài chính, năng lực doanh nghiệp, xây dựng xanh, bảo vệ môi trường,… đó là những tiêu chí mà đối tác sẽ lựa chọn đơn hàng được sản xuất ở đâu, Việt Nam, Ấn Độ hay Bangladesh… nếu không thay đổi những yếu tố trên chúng ta sẽ mất đơn hàng”, Nguyễn Văn Viện nói.
Ông Viện cho rằng, từ nay đến năm 2025, nếu Việt Nam không thay đổi, các đơn hàng trong ngành dệt may, da giày… sẽ đổ về các quốc gia khác.
Đề giải quyết, nhà nước cần có cơ chế mở rộng, có một hướng để doanh nghiệp làm tốt hơn. Vấn đề này chúng ta gần như chưa có, nhất là ở các hiệp hội chưa có các chương trình phát triển xanh, bền vững.
“Với doanh nghiệp, cần xác định rõ, khách hàng của mình là ai, sau đó xem chiến lược dài hạn, trung hạn là gì, tập trung dòng hàng ra sao, đầu tư như nào… Tính đến năm 2050 doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, chi phí rất lớn. Nên cần cân nhắc xem cái nào làm trước, cái nào làm sau”, ông Viện chia sẻ.
Phát triển bền vững giúp cho doanh nghiệp giải quyết được những thách thức, có nguồn thu nhập tốt hơn, kiểm soát được quá trình quản trị doanh nghiệp, sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả và cuối cùng là đáp ứng thay đổi về những luật định trong mắt của nhà đầu tư, qua đó mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, Việt Nam là nước có những vấn đề về biến đổi khí hậu gây ra nhiều lo ngại. Do đó, việc phát triển xanh, bền vững phải có sự hỗ trợ từ nhà nước, bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn, lại phải đeo đuổi thêm một tiêu chuẩn xanh nữa thì rất khó. Tôi cho rằng, không tính những doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn xa, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, buộc doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu xa về mục tiêu xanh thì khó. Nhà nước cần hỗ trợ về vật chất, về truyền thông quảng bá, về tiêu chuẩn xanh để bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu…”
Ông Nguyễn Văn Viện chia sẻ tại hội thảo
Phương – Hiền