Lần đầu tiên Diễn đàn Mekong Connect được tổ chức tại An Giang

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tại buổi họp báo. Ảnh: BSA Media.

Chiều 10/12, tại Hội trường UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang và TP.HCM cùng chủ trì buổi họp báo giới thiệu về Diễn đàn Mekong Connect năm 2024. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại An Giang, một địa phương trọng điểm về kinh tế – nông nghiệp của khu vực.

Chia sẻ với BSA Media trước thềm họp báo, ông Hồ Văn Mừng, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Đây là lần đầu tiên An Giang đăng cai tổ chức diễn đàn Mekong Connect. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học về để góp ý, hiến kế cho sự phát triển của các tỉnh ABCD trong diễn đàn Mekong Connect. Đây cũng là cơ hội để An Giang quảng bá tiềm năng của mình, cũng như là cơ hội để các nhà đầu tư tìm đến tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng”.

Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.

Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.

Sự kiện được phối hợp thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).

Mekong Connect 2024 được điều phối bởi: Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA.

3 mũi nhọn của An Giang

Mở đầu buổi họp báo bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Từ diễn đàn lần đầu tiên tổ chức từ năm 2015, đến nay Mekong Connect đã là cầu nối vững chắc giữa vùng ĐBSCL và TP.HCM. Năm nay Diễn đàn chính thức có thêm hai thành viên mới là tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long. Không chỉ là hội tụ ý tưởng, sáng kiến của các chính quyền, doanh nghiệp địa phương, Diễn đàn còn tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, đề xuất ý tưởng phát triển cho toàn vùng”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, tỉnh An Giang vừa có đồng bằng trù phú được bồi đắp bởi hai con sông Tiền và sông Hậu, đồng thời là tỉnh duy nhất trong vùng có núi. An Giang 4 dân tộc Kinh – Hoa – Chăm – Kh’mer tạo ra tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh cùng với 100 km biên giới. Mục tiêu đến năm 2030, An Giang sẽ phát triển với ba mũi nhọn kinh tế: Nông nghiệp – Du lịch – Biên mậu. Trong đó, nông nghiệp An Giang sẽ phát triển theo hướng quy mô lớn, giảm phát thải, với mục tiêu đưa An Giang trở thành trung tâm lúa gạo của ĐBSCL, cũng như khai thác lợi thế về nước ngọt, phát triển thêm cá, rau màu, cây ăn trái… và tăng cường chế biến tinh, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm.

Về du lịch, An Giang sẽ khai thác du lịch và văn hóa tâm linh. An Giang đã thu hút được 7 triệu lượt khách. “Ngày 4/12/2024 vừa rồi Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây sẽ là niềm vui rất lớn cũng là cơ hội rất lớn để An Giang tiếp tục phát triển ngành du lịch văn hóa tâm linh” – bà Thúy nói.

Về kinh tế biên mậu, bà Thúy cho biết, với tuyến biên giới giáp với Vương quốc Campuchia gần 100km, tỉnh An Giang được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 30.000 hécta có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại – dịch vụ – logistics và sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA, phát biểu tại buổi họp báo.

4 thách thức mới

Đại diện đơn vị điều phối Diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA cho biết, bà có những kỉ niệm sâu sắc riêng với An Giang, với một lần đầu tiên khác là lần đầu tiên Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao được tổ chức cách đây 24 năm. “Từ năm 2000 đồng chí Sáu Hội đánh trống khai hội HVNCLC đến nay là 24 năm. Nghĩ đến Hội chợ HVNCLC là tôi nghĩ tới An Giang. Đến giờ vẫn có những bạn trẻ nhắc Hội chợ HVNCLC ở An Giang. Ngày 5/12, khi nghe chính phủ công bố thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và hãng chip lớn nhất thế giới Nvidia thì tôi cũng đọc được tin Lễ hội Vía Bà Chúa xứ công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Hai niềm vui đó tưởng như không ăn nhập gì với nhau nhưng quả thực khiến tôi rất vui” – bà Vũ Kim Hạnh nói.

Về những điểm mới của diễn đàn Mekong Connect năm nay, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, chủ đề Diễn đàn đưa ra vẫn xuyên suốt với ba lĩnh vực tập trung, đó là; kinh tế – thương mại – công nghệ, với mục tiêu vẫn là phát triển bền vững, nhưng trong một thị trường canh tranh rất mới. Có thể nói là bất định, trong đó đầu tiên là sức mua toàn cầu giảm sau Covid-19, không chỉ suy giảm ở Mỹ, châu Âu… mà ngay cả ở thị trường trong nước cũng vậy. Thứ hai, tuy giảm nhưng tiêu chuẩn xanh lại đưa ra rất cao. Đó là thách thức lớn cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói là “đã nghèo lại còn gặp eo”, tức là trong khi đang gặp khó về thị trường suy giảm thì các hàng rào kỹ thuật lại bị giương cao, làm gia tăng chi phí rất nhiều. Thứ ba, hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập. Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thế giới chứ không chỉ VIệt Nam. Ngay cả những nhà bán lẻ lớn của Mỹ Amazon cũng lao đao, cũng bị cạnh tranh gay gắt. Thứ tư là thương mại điện tử đã thay đổi hành vi người tiêu dùng ghê gớm. Người Mỹ có ngày Black Friday nổi tiếng, nhưng năm nay lại vắng vẻ, bởi vì người tiêu dùng họ đã sớm ngồi nhà chốt deal rồi.

“Bối cảnh cạnh tranh mới là thách thức nhiều hơn là cơ hội đối với hàng Việt Nam của chúng ta” – bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 50 báo, đài trung ương và địa phương.

Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, một điểm mới khác của Mekong Connect năm nay là các hoạt động tiền Mekong. “Bởi từ kinh nghiệm các năm trước, không chỉ dồn vào hai ngày chính, năm nay chúng tôi tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu từ những ngày trước khi diễn ra sự kiện chính. Chúng tôi đã tổ chức 5 buổi online để huấn luyện cho các doanh nghiệp livestream bán hàng sao cho hiệu quả và ngay sáng thứ 7 tuần này là hội thảo tiền Mekong Connect ở Vĩnh Long” – bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Diễn đàn Mekong Connect năm nay còn là nơi tập họp các doanh nghiệp khởi nghiệp (trong nông nghiệp) xuất sắc của cả nước, nơi ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh Nông Xanh 3 miền.

Đặc biệt với quan hệ sẵn có của Hội DN HVNCLC với tổ chức OTOP Thái Lan, lần này có một phái đoàn cao cấp là Chủ tịch OTOP Thái Lan, Chủ tịch một ban phát triển ngành của Hội đồng cố vấn phát triển kinh tế Hoàng gia Thái Lan, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Thái Lan và chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan cũng đến tham dự chương trình “Giao lưu khởi nghiệp” sáng 17/12.

Mekong Connect năm nay cũng có các doanh nghiệp khởi nghiệp từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… cũng đến tham dự. Chương trình do bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch quỹ đầu tư thiên thần Đông Nam Á điều hành.

Các hoạt động chính tại Mekong Connect 2024:

Ngày 1 – Khai mạc và triển lãm

Địa điểm: ĐH An Giang, số 1 Nguyễn Văn Linh, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

8h – 9h – Khai mạc triển lãm chủ đề: “Doanh nghiệp TP.HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững”.

9h – 10h30 – Giao lưu“Những câu chuyện – hành trình khởi nghiệp” của những doanh nông xanh xuất sắc đã đạt giải trong 10 năm qua của chương trình Khởi nghiệp Xanh với đội ngũ khởi nghiệp trẻ của các tỉnh thành, với các nội dung:

– “Ứng dụng tự động hóa trong hoạt động khởi nghiệp xanh” – TS Nguyễn Quân, Cố vấn diễn đàn, Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam;

– “Khởi nghiệp nông nghiệp cần định hướng phát triển bền vững như thế nào trong giai đoạn hiện nay” – Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch thường trực Hội DN HVNCLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinamit;

– “Hành trình xây dựng mô hình du lịch xanh netzero đến giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024” – Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch C2T;

– “Hành trình phát triển chuỗi sản phẩm từ tài nguyên bản địa gắn với giải quyết sinh kế cộng đồng” – Bà Nguyễn Thị Các Thủy, CEO Công ty TNHH Tây Cát;

– “Những vấn đề cần quan tâm khi doanh nghiệp khởi nghiệp muốn thực hiện xúc tiến thương mại đa kênh” – Ông Mai Thanh Thái, Đồng sáng lập Food Map.

10h30 – 12h: Giao lưu quốc tế:

– Những kinh nghiệm phát triển OTOP Thái Lan qua quá trình cố vấn cho hoàng gia để phát triển đúng hướng tổ chức OTOP.

– Kinh nghiệm kinh doanh sản phẩm OTOP khởi nghiệp trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Philippines).

– Kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế – Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Quỹ đầu tư thiên thần Đông Nam Á.

13h30 – 17h10 – Hội thảo “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới”, các tham luận:

– An Giang: Khai phóng tiềm năng kinh tế dược liệu vùng ĐBSCL (Sở Nông nghiệp & PTNT An Giang)

– TP.HCM: Phân tích tình hình phát triển ngành dược liệu VN và đề xuất chính sách với nhà nước) – Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC.

– Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xuất khẩu bằng công nghệ mới – Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco).

– Đồng Tháp: Mô hình kết nối khởi nghiệp IMO: Nông nghiệp – Môi trường – Khởi nghiệp, gắn với các hoạt động kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Đồng Tháp – Ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ.

– TP.HCM và ĐBSCL: Hai công trình kết nối tạo hiệu quả kinh tế giữa TP.HCM và đồng bằng qua Mekong Connect trong năm 2024: 1 – Đưa loại cây chống biến đổi khí hậu vào chuỗi giá trị kinh tế (hoạt động hợp tác giữa Hiệp hội HAWA TP.HCM và chuyên gia Đại học Cần Thơ). 2 – Công trình hợp tác canh tác giữa doanh nghiệp TP.HCM và chuyên gia kỹ thuật, công bố bộ tài liệu số Hướng dẫn miễn phí nông dân ĐBSCL trồng sầu riêng theo mô hình nông nghiệp bền vững với sự đồng hành của nông dân Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

– “Sinh kế thuận thiên” – Tăng cường khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long – Bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, WWF Việt Nam

– Sinh kế bền vững Lúa mùa nổi – Cơ hội nhân rộng và Thách thức từ thị trường – Ông Trương Linh Ân, Giám đốc Tập đoàn Khải Nam.

– Tái thiết kế chiến lược phân phối cho doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường biến động – Ông Phạm Trọng Chinh, chuyên gia cấp cao về Hệ thống phân phối và Trade MKT, cựu Giám đốc Khách hàng & Giám đốc Trade Marketing của Unilever Việt Nam.

17h10 – 17h45 – Tọa đàm giữa các diễn giả và khách tham dự – Điều phối thảo luận: Ông Trần Vũ Nguyên, Nhà Sáng lập và Giảng viên chính, AI Education.

Từ 17h30 – 21h (xuyên suốt) là Phiên Livestream bán hàng theo chủ đề: “Thúc đẩy thương mại bền vững dựa trên tài nguyên bản địa” cho nông sản các tỉnh ĐBSCL và các sản phẩm chế biến đặc sắc nhất của các miền.

Ngày 2 – Phiên toàn thể

Thời gian: 8h – 12h.

Địa điểm: Đại học An Giang, Số 1 Nguyễn Văn Linh, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Tọa đàm 1: “Nguồn vốn đầu tư cho liên kết bền vững”

Điều phối thảo luận: Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Điều hành Go Global Holdings.

Các diễn giả:

– Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp.

– Đại diện Quỹ đầu tư có định hướng phát triển danh mục đầu tư bền vững – Bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc Quỹ Tael Partners Việt Nam.

– Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn Clickable Impact.

– Nhà đầu tư từ Singapore – Ông Anderson Tan, Giám đốc Quỹ đầu tư Accelebator Singapore.

– Đại diện Công ty nhận vốn đầu tư xanh – Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phúc Sinh.

Tọa đàm 2: “Nguồn nhân lực cho liên kết bền vững”

Điều phối thảo luận: Ông Trần Vũ Nguyên, Nhà Sáng lập và Giảng viên chính, AI Education.

Các diễn giả:

– Đại diện Đại học An Giang (trực thuộc ĐHQG TP.HCM)

– Đại diện Tập đoàn lớn (Thiên Long) và chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự tài năng (talent development & retention) – Bà Hoàng Thị Tâm Uyên, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long

– Đại diện chương trình GEARS Việt Nam (thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc) – Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Công ty ECUE

– Đại diện Công ty cung ứng dịch vụ nhân sự: Thay đổi trong tuyển dụng giữa tình hình nhân sự nhiều biến động hiện nay – Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TalentNet

– Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc CESS: Đào tạo nhân sự cho ngành kinh tế rất hot hiện nay: nhân lực cho ngành bán dẫn.