Mekong, theo GS. Adnan Khan (1), tự nó đặt ra vấn đề hợp tác, càng quan trọng hơn khi nói đến hợp tác xuyên biên giới giữa các nước trong việc khai thác dòng Mekong huyền thoại.
1.
Dòng sông đang có nhiều biến đổi, cuộc sống sẽ như thế nào? Làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích, làm sao tích hợp các nguồn lực? Làm sao Việt Nam, Lào, Campuchia, kể cả Thái Lan cùng tích hợp các nguồn lực, điều hòa lợi ích, điều phối thông tin không chỉ trong việc khai thác dòng sông để đem lại kết quả tốt nhất mà còn đảm bảo sinh kế cho người dân để không ai thua cuộc; ai cũng là người thắng cuộc trong quá trình chung sống với dòng sông này…
Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Adnan không hề nói tới quốc gia ở thượng nguồn đang nắm thế độc tôn trên dòng sông này.
Hợp tác xuyên biên giới còn biểu hiện đa dạng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường và các yếu tố an ninh phi truyền thống khác, trong khi đó, các nước chưa đưa ra được phương án kinh tế nào tốt hơn là khai thác thủy điện, bán điện…, PGS. Nguyễn Phú Son (2) góp ý.
Giờ đây, ai đủ sức đưa ra phương án tối ưu khắc phục những bất cập đang biến các nước thành mong manh trước thiên và nhân tai? Kenn Especkerman-True (3) hỏi.
Chỉ có thể là cộng đồng ASEAN. Cộng đồng này là cơ chế tốt nhất để tạo đồng thuận trong việc quản trị nguồn nước trên sông Mekong tốt hơn, ông Son nói.
Mở rộng quan hệ hợp tác thay vì chỉ nhìn ở xung đột lợi ích trên dòng sông. Coi trọng sáng kiến và vai trò của ASEAN trong hợp tác xuyên biên giới, ông Adnan đồng ý cách tiếp cận này.
2.
Ông Adnan chú ý một chủ đề “nhánh”: Thông tin cho thấy, việc ngăn chặn buôn lậu chỉ là một phần thôi bởi vùng biên có sự chênh lệch nguồn lợi. Theo tôi, hai bên cùng chuẩn hóa hàng hóa, tăng cường những kênh bán hàng chính thức, điều chỉnh các loại thuế, để buôn lậu không có nguồn lợi quá lớn nữa.
Tôi nhận thấy Việt Nam muốn chuyển dịch lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng, muốn chuyển sang sản xuất những sản phẩm chất lượng cao chứ không phải là chỉ sản xuất những sản phẩm nông nghiệp bình dân và giá thấp, TS Matthew Phillips (4) nói. Vì vậy, Campuchia trở thành đối tác, họ sẽ phải gia tăng sản xuất để cung cấp? Những người làm nông nghiệp ở Campuchia thì cho rằng đối với họ thì sản xuất thâm canh là một thách thức, cần phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các nước.
3.
Việt Nam đi lên một bước thì Campuchia sẽ thế chân vào, nối tiếp chỗ của Việt Nam. Việt Nam có thể hỗ trợ cho Campuchia chuyển đổi không?, Matthew đặt vấn đề.
Việt Nam cũng đang chuyển đổi và thực tế đã có những trợ giúp kỹ thuật, chia sẻ nguồn giống ưu thế và đầu tư vào những nơi mà Việt Nam có thể chia sẻ năng lượng, chế biến kịp thời, mua bán hàng hóa nông phẩm từ các tỉnh dọc biên ở ĐBSCL.
Khi xây dựng đập Xayabury, Lào nói rằng bạn “mong manh”, phải dựa vào thủy điện để tăng trưởng. Sau Xayabury, dân ĐBSCL nín thở xem dự án Sambor ở Kratié, Campuchia, dài 18 cây số trên dòng chính, sẽ dẫn dắt số phận hẩm hiu đi tới đâu?!
Và, dù muốn hay không ĐBSCL hứng chịu hậu quả khi tài nguyên nước, nguồn thủy sản cạn kiệt, cơn đói phù sa, nạn sạt lở lan rộng, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Làn sóng tỵ nạn môi trường ngày càng phức tạp là những hệ lụy khi các quốc gia thượng nguồn cắt khúc Mekong bằng những đập thủy điện.
Việt Nam cũng phải giảm diện tích trồng lúa, thay đổi vị trí ba trụ cột kinh tế ở vùng ĐBSCL: Thủy sản, trái cây và lúa gạo và bảo vệ nguồn tài nguyên nước từ Mekong theo hướng an toàn – bền vững…
4.
Lào, Campuchia đang tận dụng tuyến cao tốc từ Vân Nam tới Vientiane, việc kết nối giao thông đang gợi mở cơ hội mới rút ngắn được khoảng cách đưa hàng hóa tới chuỗi cung ứng, thay vì chở hàng từ đồng bằng ra tới biên giới phía bắc xuất sang Trung Quốc thì từ đây có thể thiết lập hệ thống kết nối logistics xuyên biên giới để vừa giảm chi phí vừa làm cho các giềng mối giao thương nhộn nhịp hơn. Ông Son cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam vươn tới một nhánh khác trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi hợp tác kinh tế tốt thì sẽ tạo tiền đề cho hợp tác quản lý sông Mekong tốt hơn. Có thể hợp tác nhánh bên trái chuỗi giá trị – chế biến – gia tăng giá trị sản phẩm nông sản với Campuchia; đối với Lào thì gia tăng hợp tác về thương mại.
Hoàng Lan(theo TGHN)
————–
(1) Cựu giám đốc Nghiên cứu và Chính sách tại Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế (IGC) tại London School of Economics (LSE) và là đồng chủ trì Ủy ban LSE-Oxford về Sự mong manh, Tăng trưởng và Phát triển các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua Sáng kiến Giảm thiểu tình trạng mong manh.
(2) Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Cần Thơ.
(3) Giám đốc vùng phụ trách Kinh tế và Chính sách thương mại khu vực Đông Nam Á tại Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh, đặt câu hỏi.
(4) Nghiên cứu viên cấp cao tại Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực ASEAN.