Năm thách thức hay bài học lớn từ kế hoạch IPO kỷ lục của Grab

624
Tiêu điểm:
Năm thách thức hay bài học lớn từ kế hoạch IPO kỷ lục của Grab
Nếu thực hiện thành công vụ niêm yết lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán Nasdaq, giá trị vốn hóa của Grab sẽ có thể đạt 40 tỷ USD. Vụ niêm yết thông qua sáp nhập với công ty được thành lập với mục đích đặc biệt (SPAC) này sẽ mở ra trang sử mới cho các startup công nghệ Đông Nam Á, nhưng cũng đặt ra năm thách thức lớn hay các bài học lớn cho giới công nghệ khu vực.
Đầu tiên đó là quyền lực khống chế của CEO Anthony Tan, đồng sáng lập của Grab. Bộ ba – gồm CEO Tan, đồng sáng lập Tan Hooi Ling và Chủ tịch Ming Ma – chỉ chiếm 3,3% cổ phần của giá trị của Altimeter Growth Corp tức công ty SPAC mới thành lập. Nhưng việc nắm giữ cổ phần loại B của bộ ba sẽ giúp họ có quyền bổ phiếu đến 60,4% – theo Nikkei Asia.
Các tài liệu của Altimeter Growth Corp – công ty SPAC – nói rằng cổ phần của nhà đồng sáng lập Tan và Chủ tịch Ma “sẽ thuộc sở hữu có ích cho CEO Tan tùy thuộc vào văn bản đồng ý của hai cổ đông trong thỏa thuận kinh doanh, có nghĩa là vị CEO trở thành người ủy nhiệm và có quyền sử dụng quyền biểu quyết của cổ đông sở hữu cổ phiếu loại B”. Vô hình chung, CEO Tan có quyền lực khống chế toàn bộ Grab.
Cấu trúc sở hữu này cho phép công ty tăng tốc trong việc ra quyết định, trong khi vẫn duy trì sở hữu cổ phần của bộ ba dưới 2/3 quyền biểu quyết.
Vì thế, điểm kế đến là trách nhiệm của CEO Tan trở nên nặng nề hơn, buộc Grab phải đem lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong thời gian tới. Grab đã lỗ ròng hơn 2 tỷ USD trong ít nhất ba năm liên tiếp vừa qua, khiến số lỗ từ khi startup thành lập lên đến 10 tỷ USD.
Grab đang cố gắng cắt lỗ trong khi tăng lợi nhuận các mảng có thể kiếm lợi nhuận sớm hơn. Giám đốc tài chính Peter Oey nói trong buổi họp trực tuyến với các nhà đầu tư rằng tối ưu hóa doanh số và chi phí tiếp thế, giảm chi phí cố định và giảm chi phí nhân sự và các khoản chi phí công nghệ khác sẽ giúp startup này kiếm được lợi nhuận trong tương lai dài hạn.
Grab dự kiến sẽ bắt đầu có lợi nhuận vào năm 2023 và đạt khoảng 500 triệu USD, so với khoản lỗ 800 triệu trong năm 2020.
Mảng giao nhận sẽ trở thành mảng cốt lõi trong ba năm tới và mảng này buộc phải có lời trong năm 2021 này. CEO Tan nói rằng Grab sẽ xây dựng “một mạng lưới có chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả nhất” bằng cách đầu tư vào công nghệ bản đồ và các công nghệ khác. Ông cũng thừa nhận rằng độ phủ của dịch vụ giao nhận đồ ăn ở Đông Nam Á vẫn thấp.
Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư, Grab đã đưa ra 50 mối nguy chính của startup này. Một trong số đó là “Grab có thể bị ảnh hưởng bởi các luật lệ, quy định cấm vận thương mại và kinh tế của các nước đối với Myanmar”.
Cuối cùng, nếu thành công, thương vụ SPAC cũng đặt ra chuẩn mực mới cho các startup công nghệ ở Đông Nam Á khi gọi vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hai startup của Indonesia là Gojek và Tokopedia đang chuẩn bị sáp nhập và chuẩn bị thương vụ niêm yết theo kiểu SPAC với “giá trị tương tự hay lớn hơn của Grab” trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Nhiều startup công nghệ khác của Đông Nam Á cũng sẽ có thể đi theo mô hình SPAC mà Grab chuẩn bị thực hiện. Đầu tiên là các kỳ lân công nghệ của Indonesia như Traveloka và Bukalapak – theo các nhà phân tích. Kế đến là cả các hãng công nghệ mới và truyền thống, chẳng hạn như hãng xe Vinfast thuộc Vingroup. Hôm qua, tập đoàn này đã ra thông cáo nói SPAC hay IPO theo cách truyền thống đang được xem là các lựa chọn của tập đoàn này khi niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán Mỹ.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 54,85 – 55,25 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 120.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.738,5 USD/ounce, giảm 7,3 USD/ounce, tương đương 0,42% giá trị so với chốt phiên trước. Giá vàng đã không có nhiều thay đổi khi thị trường chứng khoán toàn cầu leo cao kỷ lục, làm giảm sự hỗ trợ từ việc đồng USD yếu và dữ liệu cho thấy lạm phát bật tăng tại Mỹ.
2/ Theo Reuters, Bamboo Airways  hiện đang có kế hoạch IPO tại Mỹ, dự kiến huy động tới 200 triệu USD, nâng vốn hóa thị trường của hãng bay này lên 4 tỷ USD. Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, hãng đang có kế hoạch chào bán 5-7% cổ phần trong đợt IPO dự kiến diễn ra vào quý 3. Được biết, hãng hiện đang làm việc với một công ty kiểm toán quốc tế cho đợt chào bán tiềm năng ở sàn chứng khoán New York. Vào tháng trước, Bamboo Airways cũng cho biết sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào quý 3 này.
Bamboo Airways đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25% lên 500 tỷ đồng trong năm nay.
3/ Theo các nhà kinh doanh gạo Ấn Độ cho biết, Việt Nam hiện đang mua rất nhiều gạo cao cấp của Ấn Độ để phục vụ nhu cầu trong nước. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Ấn Độ (ACEA), cho biết Việt Nam hiện đang mua gạo 5% tấm của Ấn Độ. Đây là loại gạo cao cấp nhất với mức giá từ 410-420 USD/tấn. Được biết, sau khi mua gạo cấp thấp 100% tấm của Ấn Độ nhằm mục đích sản xuất thức ăn chăn nuôi, giờ đây Việt Nam bắt đầu mua gạo chất lượng tốt hơn để phục vụ nhu cầu trong nước. Trong báo cáo mới phát hành, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thông tin Việt Nam mua gạo 100% tấm của Ấn Độ với giá 310 USD/tấn, giá này thấp hơn với giá gạo 100% tấm của Việt Nam hiện bán trên thị trường là 440 USD/tấn. Từ tháng 12-2020 đến tháng 1-2021, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 65.000 tấn gạo 100% tấm từ Ấn Độ, với mục đích chế biến mì gạo, bột, nấu bia và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
4/ Tính đến năm 2020, Việt Nam đã có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 8 tỷ USD (2020). Dư địa phát triển của ngành này vẫn còn nhiều, mức độ cạnh tranh cao, muốn tồn tại doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi số. Theo đó, cả năm qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 186.221 tỷ đồng (xấp xỉ 8 tỷ USD), tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mảng phi nhân thọ chiếm 55.664 tỷ đồng (+5,3%), nhân thọ đạt 130.557 tỷ đồng (+22%). Các doanh nghiệp đã chi trả 47.039 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD cho quyền lợi bảo hiểm. Như vậy, mỗi 100 người Việt thì sẽ có 11 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tới năm 2025 ước tính 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.
5/ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp (hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân và 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI). Theo kết quả này, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09, tăng 2,69 điểm so với năm 2019. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đồng Tháp, Long An và Bình Dương nhờ những thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần. Các xếp hạng này được đánh giá thông qua các chỉ số như tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương được cải thiện, chi phí không chính thức tiếp đà giảm; cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
6/ Dịch vụ xe buýt tự lái đầu tiên của Trung Quốc vừa được khởi động tại quận Vĩnh Xuyên ở thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc. Ba chiếc xe buýt tự lái này đã chính thức lăn bánh ở thành phố Trung Khánh vào đầu tuần này. Mỗi chiếc xe buýt sẽ có một nhân viên đi theo, giúp chuyển xe sang chế độ lái bằng tay trong trường hợp khẩn cấp. Người dân sẽ đặt vé thông qua các ứng dụng như Baidu Apollo Go và Baidu Maps. Được biết, tổng chiều dài của mỗi tuyến là 8,8 km, và giá vé cho mỗi lần đi là 2 nhân dân tệ (khoảng 7.000 đồng). Trước đó, một chương trình thí điểm dành cho xe buýt tự lái đã được thực hiện ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc hồi năm 2020.
7/ Doanh số mua thiết bị để sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc hiện đang tăng mạnh khi Bắc Kinh nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip nước ngoài. Tập đoàn thương mại toàn cầu SEMI đã cho biết rằng doanh số bán thiết bị ở Trung Quốc đã tăng 39% lên 18,7 tỷ USD trong khi con số trên toàn thế giới tăng 19% lên mức kỷ lục 71,2 tỷ USD. Kết quả là Trung Quốc đã vượt qua Đài Loan để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị sản xuất chip. Sự lan rộng của các dịch vụ 5G tốc độ cao và sự tăng trưởng của hoạt động mua sắm đồ điện tử trong thời gian Covid-19 đã giúp thúc đẩy các xưởng sản xuất trên khắp thế giới tăng cường đầu tư. Sự gia tăng này đã diễn ra khi SMIC và những gã khổng lồ công nghệ khác bị đưa vào “danh sách đen” của Hoa Kỳ, được thiết kế để hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Được biết SMIC đã công bố một thỏa thuận xây dựng một nhà máy liên doanh trị giá 7,6 tỷ USD ở Bắc Kinh với một quỹ đầu tư do nhà nước hậu thuẫn.
Công ty SMIC, một trong những con át chủ bài của ngành sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc
8/ Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, xuất khẩu gạo của nước này đã đạt 11,58 triệu tấn giai đoạn từ tháng 4-12/2020, tăng 80,37% về khối lượng và tăng 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Khách hàng số 1 là các quốc gia châu Phi, tiếp đến là Cận Đông, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Trên tổng số 11,58 triệu tấn gạo xuất khẩu thì có tới 8,2 triệu tấn là gạo non basmati và 70% trong số này được bán sang châu Phi (Côte d’Ivoire, Benin, Togo, Niger và Liberia). Được biết, trong năm 2020, châu Phi đã phải chịu nhiều sự cạnh tranh ngày càng tăng vọt với Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Malaisia khi nhập khẩu loại gạo 100% tấm từ Ấn Độ.
9/ Sàn giao dịch tiền số lớn nhất nước Mỹ Coinbase đã chính thức được định giá 86 tỷ USD sau khi IPO thành công trên Nasdaq vào ngày 14/4 (giờ Mỹ). Được thành lập vào năm 2012 bởi Brian Amrstrong và có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), Coinbase sở hữu 56 triệu người dùng trên toàn thế giới. Hiện nền tảng này quản lý lượng tài sản ước tính đạt 223 tỷ USD – chiếm 11,3% tổng tài sản trên thị trường tiền mã hóa. Tháng 9 năm ngoái, Coinbase chỉ mới được định giá ở mức 6 tỷ USD. Tuy nhiên ,con số này đã liên tục tăng sau những cú nhảy ngoạn mục của Bitcoin. Việc niêm yết thành công Coinbase trên sàn Nasdaq cho thấy những bước tiến đầu tiên của một nền tảng giao dịch tiền mã hóa với tư cách là một công ty công nghệ. Tính riêng trong quý I năm nay, khi Bitcoin liên tục lập đỉnh, doanh thu của Coinbase đạt 1,8 tỷ USD.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin hội nhập, từ 8 – 15/4/2021