Ngành than Indonesia đang đẩy mạnh hoạt động thu mua các công ty khai thác mỏ ở Úc và Bắc Mỹ, do có nhiều lợi thế hơn. Các mỏ than phương Tây được đánh giá là “tài sản chất lượng cao”, có khả năng tiếp cận nguồn tài chính tốt hơn, có thể đưa than sang Indonesia do các quy định về khí hậu “dễ thở hơn” tại đây.
Chú trọng than nhiệt lượng cao
Tháng 8-2024, Golden Energy and Resources, do Sinar Mas Group của Indonesia kiểm soát, đã chi 1,65 tỉ đô la Mỹ để mua cổ phần đa số tại hãng Illawarra Coal Holdings từ công ty khai thác South32 của Úc. Đây là thương vụ thứ hai giúp hãng mở rộng thêm tài sản than luyện kim – hay than cốc, sau hợp đồng mua công ty khai thác mỏ khác của Úc là Stanmore SMC từ BHP và hãng thương mại Mitsui của Nhật Bản vào năm 2022.
Vào tháng 7, Delta Dunia Makmur, một trong những nhà thầu dịch vụ khai thác lớn nhất của Indonesia, thông báo hoàn tất việc mua lại hãng Atlantic Carbon Group của Mỹ với giá 122,4 triệu đô la. Thỏa thuận này giúp Delta sở hữu bốn mỏ than anthracite ở Pennsylvania và đánh dấu sự mở rộng của Delta từ dịch vụ khai thác sang sở hữu mỏ than chất lượng cao.
Trước đó, năm 2021 Delta cũng thâu tóm một công ty khai mỏ khác của Úc. Các thương vụ này giúp Delta tiếp cận công nghệ khai thác than cốc sau nhiều năm tập trung vào than nhiệt trong khi phục vụ các khách hàng lớn của Indonesia.
“Kiểm soát nhiều hơn chuỗi giá trị bằng cách sở hữu các mỏ than chất lượng cao có thể giúp chúng tôi có thêm cơ hổi để mở rộng biên lợi nhuận”, CEO Iwan Salim của Delta nói với Nikkei Asia.
Anthracite là loại than đá cứng có ánh bán kim loại, rất ít tạp chất, hàm lượng carbon cao nhất trong tât cả các loại than (92-98%) và tỏa ra nhiệt lượng cao nhất. Giống như than luyện kim, anthracite được sử dụng trong ngành luyện thép. Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, nhưng các mỏ than của nước này chủ yếu là than nhiệt chất lượng thấp, chủ yếu được sử dụng để phát điện.
CEO Salim nói rằng nhu cầu về anthracite vẫn ở mức cao ở Mỹ và châu Âu, bởi hai nơi vẫn cho phép sử dụng loại than này trong ngành thép do lượng phát thải thấp. Delta đang xem xét các vụ thu mua khác với mục tiêu là 50% doanh thu đến từ các doanh nghiệp than tỏa nhiệt lượng cao vào năm 2028, từ mức ước tính 28% trong năm nay. “Nếu có bất cứ cơ hội hợp lý nào, chúng tôi sẽ nắm bắt”, Salim nói.
Trong một báo cáo nghiên cứu phát hành tháng 5-2024, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s lưu ý các công ty khai thác than Bắc Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn kinh doanh so với các đối thủ châu Á- Thái Bình Dương vì “nhu cầu than trong nước giảm nhanh hơn, rủi ro pháp lý sở tại lớn hơn và các lựa chọn tài trợ bên ngoài từ các ngân hàng quốc tế và thị trường trái phiếu đô la Mỹ cũng hạn chế hơn”.
Tình hình tạo điều kiện chín muồi cho các hãng than Indonesia thâu tóm, bởi những công ty này có thể tiếp cận nguồn vốn phong phú và ít điều kiện hơn từ các ngân hàng quốc doanh và thị trường trái phiếu trong nước.
Với điều kiện thuận lợi, Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 500 triệu tấn trong năm 2023. “Đây là sự linh hoạt chưa nước nào có được trong việc tăng cường khai thác và xuất khẩu than”, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định trong báo cáo tháng 7 vừa rồi.
“Nhiều đối tác Indonesia của tôi đã mua các mỏ Canada với giá rẻ”, CEO Vincent Saputra của hãng dịch vụ khai thác than RMK Energy nói với Nikkei Asia. Saputra nói thêm rằng các hãng khai thác mỏ ở Mỹ, Úc và Canada đang loại bỏ dần các mỏ than do gặp áp lực về khí hậu. “Đây là cơ hội, thời điểm tốt để mua lại tài sản của họ”, ông nói.
Tuy nhiên, Saputra nói rằng RMK không có kế hoạch mua tài sản ở nước ngoài trong trung hạn. Tương tự như Delta, RMK gần đây đã mở rộng từ dịch vụ khai thác sang sở hữu mỏ bằng cách mua các mỏ than nhiệt ở Jambi, trên đảo Sumatra của Indonesia.
Chiến lược đa dạng hóa kinh doanh
Hãng đang có kế hoạch chuyển hầu hết sản lượng khai thác sang các mỏ ở Trung Quốc và Ấn Độ. Về dài hạn, RMK đang có kế hoạch đa dạng hóa sang các doanh nghiệp khai thác nickel và các khoáng sản khác, nhưng “than vẫn sẽ rất cần thiết trong 15-20 năm tới”. “Trọng tâm hiện tại của chúng tôi là tăng sản lượng để ổn định dòng tiền. Điều này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng chuyển đổi hơn”, ông nói.
Maisam Hasnain, phó chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích cấp cao tại Moody’s Ratings, nói rằng việc ngành than mở rộng ra nước ngoài và tập trung vào than luyện kim là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa của ngành than. Hãng khai thác hàng đầu Adaro Energy đang xây dựng một nhà máy luyện nhôm và Indika Energy đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xe điện.
Hasnain cho biết việc theo đuổi đa dạng hóa với chiến lược tập trung hơn và định vị tốt hơn giúp các hãng than duy trì điểm tín dụng trong dài hạn. “Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực giảm phát thải, việc đa dạng hóa có thể làm suy yếu đáng kể chất lượng tín dụng của các công ty khai thác trong 10 năm tới”.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, việc đa dạng hóa sang các doanh nghiệp không phải than “sẽ làm tăng rủi ro khi thực hiện do các hãng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực mới”.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hồ / BSA Media