Nghỉ hè để làm gì?

    Nhà văn - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
    Trong buổi trò chuyện cuối tháng 4 với các phụ huynh và học sinh tại trung tâm Anh ngữ Seameo Retrac, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có những chia sẻ rất thiết thực về sức khỏe học sinh dành cho mùa thi và cả mùa hè sắp tới.
    “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”
    Trên trang nhà dohongngoc.com của mình, ông đã viết: “Vài ba năm nay tôi thường né tránh các buổi giao lưu, trò chuyện ở chỗ đông người như trước kia. Đã 82 (tuổi ta) rồi, già cả rồi, nên “lặn” đi chỗ khác chơi! Nhưng Hội quán Các Bà Mẹ là chỗ thân tình, muốn tôi chịu khó gặp gỡ mọi người hôm nay để cùng bàn về một vấn đề rất “thời sự” với phụ huynh và mấy nhóc, chuẩn bị đón một mùa Nghỉ Hè trong thời buổi “Bình Thường Mới”. Một câu hỏi khá hóc búa đặt ra cho tôi: Nghỉ hè để làm gì? Nếu là một câu hỏi bình thường như Nghỉ Hè Nên Làm Gì thì dễ đưa ra những lời khuyên với một bác sĩ Nhi khoa như tôi, đầu này hỏi “để làm gì” thì khó quá! Cho nên câu trả lời “tốt nhất” của tôi là Nghỉ Hè Để Làm Thơ!
    Làm thơ ư? Tôi không làm được nên mượn một bài thơ đã có từ 80 năm trước của Thi sĩ Xuân Tâm, bài Nghỉ Hè trong tập Lời non trẻ 1941, thấy trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân”.
    Trong khuôn khổ của bài viết, xin trích đoạn bài thơ Nghỉ hè mở đầu thật nôn nao mà BS Đỗ Hồng Ngọc đã nhắc tới:
    “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
    Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
    Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
    Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !”
    Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thật không có nói đùa đâu, ông chính là một nhà thơ đấy, ông có bút danh là “Đỗ Nghê” và bài thơ nổi tiếng của ông được lưu truyền cho tất cả các bác sĩ phụ sản, các bà mẹ ông bố có con thơ từ thập niên ’60 đến nay có tên là “Thư cho bé sơ sinh”, bài thơ mở đầu có đoạn: “Khi em cất tiếng khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…”. Và lý do ông là nhà thơ thì chắc chắn bắt nguồn từ những ngày ấu thơ được thả tâm hồn với mây gió, núi non, biển sông mênh mông của quê hương yêu dấu.
    Ở tuổi 82, ông vẫn giữ nụ cười như vậy để tiếp tục kể những câu chuyện cho các bậc phụ huynh làm sao để giúp cho con lớn lên trong khỏe mạnh và cân đối. Ông cho rằng, nếu như ngày xưa trẻ em không có trò chơi điện tử, smartphone, you tube, tik tok và đầy dẫy những trò chơi trên máy tính, ti vi… nên nơi duy nhất các em có thể hòa mình vào là thiên nhiên, vì vậy mà ít có những căn bệnh thời đại như ngày nay SAD (Buồn bã). Nhưng ở đây, là chữ viết tắt của 3 chữ tiếng Anh; Stress: Sự căng thẳng (do muốn thi đua, vượt người khác, tạo sức ép làm cho mình không bình thường được nữa); Anxiety: Lo âu, sợ hãi thì đâm ra mê tín dị đoan và D: Depression: Trầm Cảm. Riêng trầm cảm dễ đến tự tử.
    Đây là 3 bệnh thời đại rất khó chữa: Phải kết hợp tâm lý với thuốc hoặc có thể chữa bằng thiền. Đặc biệt là sở dĩ cần cho trẻ ra ngoài để tránh những điều trên cũng là để cho trẻ phát triển các chỉ số IQ – Trí Tuệ, EQ – Cảm Xúc và SQ là mối quan hệ giao tiếp xã hội.
    Ngủ đủ để cho con có cái đầu trống không và mau lớn
    Dù mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh hiện nay vẫn là sức khỏe của các em, nhưng họ có thể vô tình hoặc cố ý mà quên mất rằng chính việc hối thúc các em học nhiều mà lại không dành thời gian đưa con đi chơi hoặc thể thao sẽ khiến cho trẻ mắc những chứng bệnh mà hiện này phần lớn trẻ nào cũng bị như: học không vô, hay quên, mệt mỏi, chán ăn, buồn ngủ…vv… nhất là vào đầu mùa thi.
    Về điều này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói rõ: “Lý do là bộ não của mình tiếp nhận có chừng mực, vì thế khi mình dồn vô nhiều thứ quá, đầy nhóc thì không thể tiếp thu, không có chỗ trống để nhét vào nữa. Chuyện đơn giản nhất mà cha mẹ có thể làm ngay là giúp cho con có cái đầu được trống không. Chẳng hạn như khi có bài toán khó giải vô cùng, bí rị, vậy thì cho con đi ngủ, vì trong giấc ngủ chúng ta tái tạo năng lượng mới và đầu óc thoáng hơn và tiếp nhận vấn đề tốt hơn. Và đừng uống thuốc này thuốc nọ. Thuốc tốt nhất cho trí nhớ là Oxygen và Đường (uống ly chanh đường càng tốt), ra ngoài hít thở không khí, vận động thể lực, ngồi thiền, yoga… là những thứ giúp trí nhớ phục hồi trở lại. Không nên kiêng cữ sai lầm, cho con ăn trái bí (bí đỏ, bí xanh), trứng gà, trứng vịt… thì càng dễ thi đậu.
    Có một bà mẹ hỏi vì sao con của cô ấy đang học lớp 9 đến kỳ thi rồi lúc nào cũng chỉ muốn ngủ, ngay cả việc cho con đi du lịch con cũng không thích mà chỉ muốn ngủ. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói: “Đứa bé này nó quá mệt nên nó cần ngủ. Lớp 9 là 15 tuổi, đối với một đứa trẻ đang phát triển thì giấc ngủ quá ư cần thiết để tái tạo năng lượng cơ thể và cho trí óc phát triển. Nên nhớ trong lúc ngủ, não tiết ra hóc môn tăng trưởng (Growth Hormon GH) giúp cho cơ thể phát triển chiều cao. Trẻ nào thiếu ngủ sẽ lùn đi. Tôi nghĩ trong trường học cũng cần cho các em ngủ chứ không chỉ khuyến khích cho uống ly sữa là đủ. Vì thế, nên cho đứa bé ngủ cho đã rồi cho đi chơi. Đừng cho đi chơi trong lúc con rất mệt mỏi, chán nản. Khi con được ngủ đủ, con sẽ trở nên linh hoạt, năng động và ham thích vận động hơn”.
    Thở Sâu
    Để trả lời câu hỏi làm sao cho trẻ tham gia các lớp thiền vì hầu hết các em đều mê chơi game, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ ngày: “Về thở, nếu như chúng ta nhịn ăn 10 ngày chưa chết. Nhưng nếu nhịn uống hoàn toàn thì 7-10 ngày sẽ chết vì nước chiếm đến 45-50%, trọng lượng cơ thể. Nhưng thiếu Oxygen, không thở thì chết trong vòng… 5 phút. Trong không khí có rất nhiều thứ nhưng chúng ta chỉ hít vào oxy, trong đó chính cây cỏ nhả oxy sau khi đã lấy carbonit do chúng ta thở ra. Vì vậy, khi chúng ta phá hủy môi trường, phá rừng thì là tự hại mình.
    Cho nên nguyên tắc chung của thở, đó là: khi chúng ta hít vào thở ra ta nghĩ là phổi phình lên xẹp xuống, nhưng nó không phải do phổi mà là do chính là cơ hoành chạy lên chạy xuống giống cái ống thụt, khi nó xẹp xuống nó sẽ hút hơi vô, nó đẩy lên thì nó tống hơi ra, khoảng cách hút hơi là 7cm, mỗi 1cm hút vô là 250ml không khí. Vì vậy khi ta thở là ta thở ở cơ hoành. Vì vậy thở bằng bụng là cách thở tốt nhất. Trong Phật giáo, phương pháp Anapanasati quán niệm hơi thở rất khoa học: chú tâm vào hơi thở, khi chúng ta thở vào thì chúng ta biết là thở vào và khi chúng ta thở ra thì chúng ta biết chúng ta thở ra. Chú tâm vào hơi thở giúp não thanh tịnh trở lại.
    Theo tôi, ở các lớp học, trước khi vào học, giành cho các em 3-5 phút ngồi thở đúng phương pháp thở bụng, nhờ đó các em sẽ chú tâm học hành hiệu quả và tìm thấy niềm vui trong sự học.
    Các nghiên cứu cho thấy lớp nào có dạy thiền thì trẻ em sẽ không đánh nhau, gây gổ hay bắt nạt nhau mà các cháu sẽ đi học vui hơn, an lạc hơn. Về tới nhà các cháu cũng sẽ tự động ngồi nếu thấy mệt.
    Ăn đúng
    Việc ăn và ngủ luôn đi đôi với nhau. Để giúp cho trẻ có thể có bữa ăn đủ chất mà không gây béo phì, ông đưa ra những hướng dẫn giản đơn. Theo ông, chính quan niệm ăn để mập lên dẫn đến ăn sai, ăn nhiều chất béo, chất bột quá. Và khi đứa trẻ mập lên thì hãm không kịp nữa rồi. Vì thế, nếu ăn đúng cách thì không mập được mà vẫn đủ calories. Một người ăn cần cho đủ ở mức tối thiểu: Tinh bột, Béo (dầu mỡ, bơ) vì nếu bột và béo nhiều thì mập. Nhưng có thể ăn nhiều tối đa đạm và rau, chắc chắn không bị béo phì. Chất đạm có trong thịt cá trứng sữa các loại đậu. Vì vậy chỉ cần giảm chất béo và tinh bột. Tuổi trẻ cũng cần chất béo nhưng cũng cần vừa phải, chỉ số cho một người ăn vừa đủ là 50% đường bột, 15% béo, 35% đạm còn lại là rau, trái để bổ sung vitamin, khoáng…
    Nghỉ hè là dịp để những bạn học cấp 2, 3… vào bếp. Chính vì biết tự nấu ăn thì con cũng biết liều lượng để gia giảm các chất cho mình. Cha mẹ không nên mua đồ ăn bên ngoài nhiều. “Cha mẹ nên khuyến khích cho con nấu, đặc biệt thiếu niên lớp 10 đã 16 tuổi nó sẽ cần biết cân đối chiều cao, cân nặng để nó hạnh phúc cả cuộc đời nó chứ không phải đậu tiến sĩ là hạnh phúc”, ông nói.
    Chơi vui
    Cho đến nay, vẫn còn có rất nhiều cha mẹ so sánh con mình với những đứa trẻ khác, làm điều này là để thỏa mãn ham muốn của mình nhưng làm tổn thương con mình. Nhiều cha mẹ thúc giục con học cho bằng con nhà người ta. Việc học chuyên cần để thành công trong học tập là điều đúng đắn, nhưng việc cho con thi vào trường chuyên để khoe con hay so sánh các con với nhau là điều không nên làm. Mỗi đứa trẻ có một bộ gen khác nhau, thể trạng, tâm sinh lý khác nhau nên không thể so sánh với nhau được. Vì vậy, thay vì khuyến khích con tranh đua học thì nên giúp con được nghỉ ngơi, vui chơi, luyện tập, cho con học những gì con thích như vẽ, đàn, múa, hát, kịch, thể thao..vv… Nếu con khó ngủ thì chính việc được chơi nhiều cũng giúp cho con ngủ ngon, ngủ say. Mùa hè nên cho con lên non, xuống bể, cho con về quê, về với thiên nhiên và giúp con học môn con thích mà thôi.
    Riêng về vấn để đọc sách ở trẻ em, thật đơn giản, nếu cha mẹ đọc sách thì con đọc sách. Cha mẹ đọc sách, từ thuở nhỏ 2, 3 tuổi đã biết đọc ca dao cho con nghe, 5,6 tuổi thì kể chuyện cho con mỗi tối, 7,8 tuổi thì đọc sách cùng con để nghe con hỏi và tranh luận, 9,10 tuổi hướng dẫn cho con đọc những cuốn sách kinh điển và đến lớn con tự tìm đến sách khi cần.
    “Trẻ con thích truyện tranh, đến một lúc nó sẽ thấy truyện tranh không hay bằng phim ảnh, sau khi đã thích phim ảnh nó sẽ mê đến văn học… Nếu sẽ biết phân biệt truyện tranh là suy nghĩ của họa sĩ, bộ phim sẽ theo ý đạo diễn nhưng văn học sẽ mở ra những tư tưởng, ý nghĩa, trí tưởng tượng cho nó và nó rất thích.
    Ngoài ra, hiện nay một số trường đã có giáo dục chủ động: cho trẻ hỏi, trẻ đọc theo từng nhóm nhỏ. Cho trẻ kể lại câu chuyện trong sách và các bạn cùng đặt câu hỏi… tự nhiên sẽ đọc. May mắn là chúng ta vẫn còn có cơ hội để kích thích cho trẻ đọc sách, và khi bé chịu đọc sách thì mình nên cung cấp cho bé để bé tự học hỏi và có khi tuổi của bé thích loại sách khác nhau, có bé thích sách triết học, có bé thích ngôn tình… tùy sở thích chớ đừng có ép buộc”, ông nói.
    Tuổi nào nhớ nhớ quên quên
    Một bà mẹ kể rằng cô con gái 17 tuổi của chị có tình trạng học rồi hay bị quên, hôm trước học thì hôm sau nói đầu choáng váng không nhớ gì? Tình trạng nhớ nhớ quên quên ở tuổi ở tuổi của chị ấy cũng vậy, giờ quên nhiều quá, làm sao để khắc phục tình trạng thoái hóa não này. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vừa cười vừa nói: “Cô thiếu nữ 17 tuổi nói hay quên bài học nhưng mà không biết con có nhớ chuyện khác không, chẳng hạn như nhớ một… ai đó. Có con ở tuổi này, cha mẹ nên để ý đến con, trò chuyện với con xem thử con có mê gì khác để còn chỉ dẫn”. Ngoài ra cũng có những phương pháp học giúp cho trí nhớ, ví dụ ghi chép các công thức vào các phiếu nhỏ để trên bàn ăn, toalet… dán trên bàn hoặc WC. Còn ở tuổi lớn “gió heo may” thì việc nhớ nhớ quên quên cũng chưa trầm trọng, mà ở tuổi này nên tập thiền và yoga để phục hồi trí nhớ. “Ở tuổi tôi còn trầm trọng hơn là chuyện cũ thì nhớ mà chuyện mới thì quên vì chuyện cũ đã đầy ắp nên không lưu lại chuyện mới”, ông tâm sự.
    Đối với người già, một số bộ não bị “chệch hướng” nên sẽ không nhớ gì nữa, vì vậy nên có một tờ giấy ghi địa chỉ, điện thoại ở nhà để lỡ ông bà đi ra ngoài thì có người biết đường dẫn về. Để phục hồi trí nhớ thì vẫn chỉ ngồi thiền. Và ở tuổi heo may thì nên hướng dẫn cho họ biết sử dụng smartphone để họ tập trung.
    Ngân Hà
    Cháo tươi bổ sung DHA của Sài Gòn Food