Ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây

    277

    (Vietnamtimes)-Dù được xây dựng từ thế kỷ trước, nhà cổ Bình Thuỷ vẫn lưu giữ được nét kiến trúc xưa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

    Nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ có tuổi đời ngót nghét 140 năm là công trình kiến trúc văn hoá thuộc dạng cổ nhất ở miền Tây còn sót lại và hiện là địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam.

    Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, ngôi nhà cổ Bình Thủy nổi bật trên một khoảng sân rộng, được bao bọc bởi chùm hoa đủ màu, các chậu cây cảnh quanh năm xanh tốt làm không gian vừa có sẵn nét cổ kính, vừa sống động, tươi mới.

    Đi men theo dọc cầu thang hình cánh cung bước vào ngôi nhà, du khách có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Mọi vật trong ngôi nhà thu gọn trong kiến trúc cổ được sắp đặt theo lối truyền thống.

    Chắc hẳn bạn sẽ khó có thể bắt gặp một ngôi nhà đặc biệt nào có kiểu kiến trúc Đông Tây “nội ứng ngoại hợp” khi bên trong nhà sử dụng lối trang trí mỹ thuật truyền thống với hoa văn phương Đông trong khi toàn bộ phần bên ngoài lại thiết kế theo một phong cách rất Tây với màu sắc sặc sỡ cùng những đường nét chạm trổ mê hoặc.

    Ở gian nhà giữa, chủ nhân bố trí làm nơi thờ tự, gồm các bàn hương án, khánh thờ, liễn… được làm bằng gỗ khảm xà cừ, nền nhà được lát gạch bông hoa hồng đỏ được chủ nhân kỳ công đặt và vận chuyển từ Pháp sang, đóng trần Plafond, trang trí hoa văn. Toàn bộ căn nhà được nâng đỡ bởi 24 chiếc cột làm bằng gỗ căm xe, cà chất đặt trên các bệ đá, kết nối với hệ thống vì kèo truyền thống đặc trưng của kiến trúc Nam bộ.

    Tham quan ngôi nhà tìm thấy một “kho đồ cổ” được gìn giữ từ bao đời như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc), mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm; bộ xa lông kiểu Pháp mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh; chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18; cặp đèn treo thế kỷ 19, tách chén nậm trà – rượu đời Minh – Thanh (một bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức có niên đại cách đây 572 năm, 2 cái lục cao 0.2 tấc đời Thành Hóa 1465).

    Bồn rửa tay lavabo tráng men trắng xanh nổi tiếng khắp vùng Bình Thủy, Cần Thơ lúc bấy giờ.

    Được biết ngôi nhà xây cách mặt đất đến 1m, được đổ một lớp muối hột trước khi lót nền bằng gạch. Ngoài ra, công trình cũng được lợp tới 3 lớp ngói, trong đó lớp ngói cuối cùng được lót vôi bột trắng cũng với tác dụng cách nhiệt, tạo sự thông thoáng, mát mẻ cho cả không gian khiến ai bước vào căn nhà cổ Bình Thủy luôn cảm thấy mát mẻ dẫu trong nhà không hề có sự xuất hiện của quạt máy hay điều hòa nhiệt độ.

    Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước vì xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ với vai trò là bối cảnh chính của hàng chục bộ phim như: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời… Riêng với phim Người tình, nơi này được dùng làm bối cảnh thay thế cho ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng ở Sa Đéc.

    Trước sân nhà hiện vẫn giữ được hòn non bộ, hoa lan và nhiều loại hoa cây cảnh khác bốn mùa nở hoa. Bên phải phía trước ngôi nhà còn có cây xương rồng Mexico Kim lăng trụ cao tới 10m, 40 năm tuổi.

    Với vẻ đẹp và giá trị lịch sử của nhà cổ Bình Thủy đã trở thành một điểm tham quan ưa thích với du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến thành phố Cần Thơ.

    Nhiều bạn trẻ lưu lại kỷ niệm khi đến thăm nhà cổ Bình Thủy.

    Có dịp ghé Cần Thơ, ngoài trải nghiệm chợ nổi Cái Răng, dạo bộ bến Ninh Kiều, tham quan miệt vườn… du khách không nên bỏ qua khám phá ngôi nhà cổ Bình Thủy để được ngược về quá khứ, đắm chìm trong không gian cổ kính ở miền Tây sông nước.

    BẢN AN – DÂN VIỆT