Ngủ mở mắt có yểu tướng?

(Vietnamtimes) – Không nhắm mắt được kín khi đã chủ động nhắm mắt hoặc vô thức khi đang ngủ, đó là một thực tế không hiếm gặp.

Có thể xem là bệnh về mắt không?

Đánh giá khả năng nhắm kín mắt khi được yêu cầu nhắm là nghiệm pháp bắt buộc khi khám chức năng của dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt).

Khi đó bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ mắt sẽ yêu cầu bệnh nhân nhắm 2 mắt như đi ngủ hoặc nhắm chặt mắt chủ động. Nếu chức năng của cơ nhắm mắt (cơ vòng mi) có vấn đề hoặc dây thần kinh chi phối nó (dây VII) bị liệt thì mắt sẽ bị hở.

Dấu hiệu Bell cũng được quan sát ngay: đó là khả năng lòng đen chui lẩn vào mi trên khi đi ngủ. Ở người bị liệt dây VII và một số hội chứng xơ cơ bẩm sinh dấu hiệu Bell không có – mắt không ẩn náu được dưới mi trên khi nhắm mắt. Như vậy bề mặt nhãn cầu mà chủ yếu là lòng đen (giác mạc) sẽ bị hở, không có gì che chắn trong suốt giấc ngủ (khoảng 6-8h).

Ở đời thường, một số người có thể phát hiện ra bất thường này mà không phải là bác sĩ. Họ chính là vợ hoặc chồng, người thân của bệnh nhân. Quan sát thân nhân của mình đang ngủ họ thấy ngáy đều đều mà mắt vẫn mở trong trong hoặc khép hờ, không kín được như bình thường. Hậu quả cũng tương tự như trên. Sớm muộn bệnh nhân cũng sẽ đi khám vì lo sợ bị dị tật, sợ yểu tướng, đôi khi đau nhức mắt và nhìn mờ.

Tựu trung, ngủ nhắm mắt không kín là triệu chứng của:

– Liệt dây thần kinh số VII
– Một số bệnh lý có lồi mắt (mắt bị lồi ra phía trước) khiến mi không thể che phủ được nhãn cầu nữa như viêm hoặc u hốc mắt, bệnh lý hốc mắt do tuyến giáp, bệnh lý mạch máu hốc mắt như thông động tĩnh mạch cảnh – xoang hang và u mạch.
– Một vài hội chứng bẩm sinh: dị dạng phân bố thần kinh, co rút mi vô căn, rối loạn trương lực cơ.

Ngủ mở mắt có những tác hại gì?

Thực tế là nếu lòng đen bị hở ra môi trường, không được mi che chắn bảo vệ, không được nước mắt làm ẩm và nuôi dưỡng trong vài giờ hoặc vài ngày do chấn thương, sau phẫu thuật mắt, thì chưa thể gây hại nhiều cho mắt. Nhưng nếu để như vậy lâu lòng đen sẽ bị khô tróc, viêm loét, thậm chí có thể mù lòa do bị thủng hoặc hình thành sẹo giác mạc. Đây là tình trạng phải giải quyết bằng thuốc tra nhỏ mắt hoặc phẫu thuật mắt.

Có phương pháp nào điều trị?

Người ngủ mở mắt cần đi khám 2 chuyên khoa có liên quan là thần kinh và mắt. Nếu tìm ra căn nguyên sẽ được điều trị tận gốc để thoát khỏi tình trạng này: cắt bỏ khối u, can thiệp mạch máu, điều trị nội tiết… Một số biện pháp tình thế, tạm thời được chuyên khoa mắt áp dụng đó là:

– Băng che hoặc dùng khiên chắn mắt (eye shield) vào ban đêm giúp mắt được che kín, tránh khô mắt và viêm loét do hở mi.

– Tra gel hoặc mỡ nước mắt nhân tạo, kháng sinh tạo một lớp bảo vệ trên bề mặt nhãn cầu, làm ẩm mắt và chống bay hơi nước mắt.

– Phẫu thuật khâu cò mi một phần hoặc toàn bộ cũng là một thủ thuật hay làm giúp mi nhắm kín, bảo vệ được nhãn cầu nhưng không phải là biện pháp điều trị lâu dài và tiệt căn.

ThS-BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)