Người khởi nghiệp chọn gì, giữa: Phát triển sản phẩm, truyền thông, bán hàng?
Các dự án tham gia có ý tưởng tốt và tiềm năng, nhưng đa số thí sinh vẫn tập trung quá nhiều vào sản phẩm mà quên đi yếu tố thị trường và bán hàng. Ban giám khảo nhấn mạnh rằng việc hiểu nhu cầu khách hàng và phát triển sản phẩm đáp ứng được thị hiếu là yếu tố quyết định để thành công. Nhìn chung, vòng bán kết đáp ứng khoảng 80% kỳ vọng của giám khảo, với nhiều dự án tiềm năng nhưng vẫn cần điều chỉnh truyền thông và chiến lược thị trường để tiến xa hơn. Cuộc thi còn một vòng bán kết nữa sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10, với sự tham gia của 49 dự án khác, hứa hẹn cạnh tranh nhiều ở vòng chung kết.
Trong vòng thi bán kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024, tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, tỉnh Đắk Lắk mới đây. Ban giám khảo đã có những nhận xét chung về 25 dự án từ 11 tỉnh, thành tham gia tranh tài.
Ông Ngô Đình Dũng – Giám đốc Công ty Tư vấn Giải pháp Quản trị Tổng thể ISM
Vòng bán kết tại Đắk Lắk, từ bảng A cho tới bảng B, các bạn có nhiều ý tưởng tốt
“Bạn trẻ khởi nghiệp đều rất tâm đắc về phần kỹ thuật, đó là những gì mà các bạn đang có. Tuy nhiên, các bạn quên đi là mình phải bán hàng cho người khác, người mua mới là người quyết định. Cho nên về thiết kế, về tính chất sản phẩm, cũng như có nhiều điều cần phải lưu ý. Tôi thường đặt những câu hỏi có tính kế tiếp với thí sinh, để qua những câu hỏi đó là sự gợi ý cho các bạn để thay đổi lại cái cách làm”.
Ông Trần Vũ Nguyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ai Education Group
Với bảng A – Những cái dự án đang là ý tưởng, mới ra thị trường, chưa có tính thương mại hóa nhiều, tuy nhiên, bảng này có một điểm nổi bật.
“Đó là việc các dự án có độ sẵn sàng cao, các bạn có đầy đủ những giấy tờ kiểm định, chứng nhận này kia cho sản phẩm. Và tôi đánh giá cao sự sẵn sàng này, nó rất quan trọng.
Liên quan tới yếu tố về phát triển bền vững, tôi quan tâm tới hai điểm. Một là yếu tố về cộng đồng, ở đó các dự án làm việc với cộng đồng địa phương trong nông nghiệp. Và hai là việc các dự án làm với vùng trồng của mình như thế nào, họ đã đang và sẽ bảo vệ nguồn đất, nguồn nước và các tác động môi trường khác ra sao…Rất mừng là nhiều dự án đã đưa ra những tiêu chí để đáp ứng.
Đặc biệt, cá nhân tôi ấn tượng với dự án đến từ tỉnh Bình Thuận “Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi khử mùi”, do nhóm thí sinh là đồng bào dân tộc Raglai, gồm Thông Long, Nguyễn Thị Kiều Loan, Nguyễn Ngọc Vân Anh làm chủ. Tôi nghĩ, dự án này không chỉ là một dự án xã hội, mà nó còn có tính thương mại hóa, sự kết hợp những thành tố khác nhau. Nếu làm tốt dự án sẽ tạo ra được một hệ sinh thái mới không chỉ là sản phẩm than hoạt tính.
Ông Nguyễn Đông Triều – Chuyên gia Hội DN HVNCLC
Với những thí sinh từ bảng A (có nhiều sinh viên), việc được tham gia những cuộc thi khởi nghiệp là cơ hội để các bạn có thể tiếp nhận những ý kiến, bổ sung kiến thức cho chuyện khởi nghiệp trong tương lai.
Bảng B có những dự án hay thí sinh đã thi hơn 2 năm, các dự án ra đời vài năm cũng có, và lâu hơn thế. Một điểm chung tôi thấy, các dự án lần này ở Đắk Lắk hầu hết rất say mê với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, các bạn cần có thêm nhiều kiến thức về thị trường, kiến thức về marketing. Bởi khi hiểu nhu cầu thị trường, hiểu marketing thì dựa vào tài nguyên bản địa đó mới có thể thiết kế những sản phẩm đáp ứng gần hơn với thị trường. Đó là những vấn đề được coi cốt lõi mà hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp thường thiếu.
“Chúng ta không nên quá tập trung vào giá trị của sản phẩm, mà quên đi rằng sản phẩm nó phải đáp ứng nhu cầu khách hàng”.
Ông Vũ Trung Hòa – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn, đào tạo và phát triển địa phương; Giám đốc chiến lược Công ty An Thái Hưng; Giám đốc chuỗi “Thực phẩm đồng quê” tại Hà nội.
Theo đánh giá của tôi, vòng bán kết của các dự án khu vực Tây Nguyên đáp ứng được khoảng 80% điều tôi mong mong đợi. Bởi lẽ có những dự án canh tác phân tầng, bảo vệ rừng, cũng có dự án về ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, và có những dự án đổi mới sáng tạo.
Nhiều dự án chúng tôi tư vấn cho, chỉ việc thay đổi lại cái tên và truyền thông, thêm thông tin về thông điệp sản phẩm thì sẽ phù hợp hơn. Và một điểm chung của các mô hình là đều biết phát huy những lợi thế bản địa để đưa vào thành sản phẩm, có một số dự án cũng tiếp cận được xu hướng xanh và bền vững.
Qua 2 vòng bán kết tổ chức ở Đồng Tháp và Đắk Lắk, đã có 22 ý tưởng/dự án vào vòng chung kết. Hiện còn vòng Bán kết cuối cùng sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 10 tới đây, với sự tham gia của 49 ý tưởng/dự án.