Nhà đầu tư Đài Loan cảnh báo về cơ sở hạ tầng ngành chip ở Thái Lan

Gần 30 dự án sản xuất bo mạch điện tử của các nhà đầu tư Đài Loan và Trung Quốc hoạt động trong năm tới sẽ gây áp lực với cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp ở Thái Lan. Ảnh: Azom

Các khu công nghiệp của Thái Lan có thể phải đối mặt áp lực ngày càng gia tăng về cơ sở hạ tầng điện, nước và khả năng xử lý thải vào đầu năm 2025 khi các nhà máy mới sản xuất bản mạch in (PCB) đi vào hoạt động.

Theo Hiệp hội Bo mạch Đài Loan (TPCA), gần 30 khoản đầu tư vào bo mạch PCB – lá đồng mỏng kết nối chip và linh kiện điện tử – đã được công bố từ tháng 1 đến tháng 4-2024. Bảy trong số này sẽ hoạt động trong năm nay, phần lớn còn lại vào cuối năm 2025, Chủ tịch TBCA Maurice Lee nói với Nikkei Asia.

“Đây là một thách thức mà chúng tôi phải bắt đầu nghiên cứu các giải pháp ngay bây giờ”, ông Lee nói. Ông cũng cho rằng nhà đầu tư cũng đang lo lắng về cơ sở hạ tầng nước của Thái Lan, quy mô lực lượng lao động và hệ thống quản lý chất thải của nước này.

TPCA đại diện cho hơn 700 nhà sản xuất bo mạch PCB và các hãng cung ứng vật liệu, thiết bị ngành chip tại Đài Loan.

Việc sản xuất bo mạch điện tử chủ yếu tập trung ở Trung Quốc và Đài Loan, với một phần công suất chất nền chip là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng những bất ổn địa chính trị leo thang kể từ năm 2022, đặc biệt là các căng thẳng ở eo biển Đài Loan, đã đẩy làn sóng đầu tư bo mạch đến Thái Lan.

Thái Lan là lựa chọn hàng đầu để di dời cơ sở sản xuất bởi quốc gia này có chuỗi cung ứng xe hơi lâu đời, có khả năng sản xuất bo mạch PCB ở quy mô nhỏ trước cả khi đối đầu thương mại Mỹ – Trung bắt đầu. TPCA ước tính rằng Thái Lan sẽ chiếm 4,7% sản lượng PCB toàn cầu vào năm 2025, tăng từ mức 3,5% vào năm 2022.

Chủ tịch Hiệp hội Bo mạch Đài Loan (TPCA) Maurice Lee nói rằng Đài Loan và Trung Quốc cũng gặp áp lực về cơ sở hạ tầng ngành điện, nước và xử lý chất thải khi phát triển ngành chip cách đây 30 năm. Ảnh: Nikkei Asia

Ông Maurice Lee cũng là cố vấn cấp cao của Unimicron Technology, nhà cung cấp chất nền chip và PCB hàng đầu. Ông nói rằng Thái Lan có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp PCB ở Đông Nam Á do rủi ro địa chính trị thấp và lực lượng lao động cạnh tranh.

Ông cho biết là TPCA đã thảo luận về điều kiện cơ sở hạ tầng với ban quản lý các khu công nghiệp ở hai tỉnh Prachinburi và Ayutthaya vốn là sự lựa chọn phổ biến với các hãng bo mạch và nhà cung ứng nguyên vật liệu.

“Ở Prachinburi chẳng hạn, có 10 cơ sở sản xuất PCB mới cũng như bốn nhà máy của các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị mới. Tất cả đều được xây dựng cùng lúc và sẽ đi vào hoạt động cùng lúc. Chúng tôi lo ngại về sự gia tăng nhu cầu điện và nước khi các nhà máy mới dần hoạt động hết công suất”, ông Lee tỏ ý lo lắng.

Việc sản xuất PCB đòi hỏi nhiều năng lượng và nước hơn đáng kể so với các thành phần khác. Bởi các nhà máy hoạt động 24 giờ một ngày và cần nước khử ion có độ tinh khiết cao để loại bỏ tạp chất và hóa chất khỏi bảng mạch. Nguồn điện không ổn định có thể ảnh hưởng đến chất lượng của bo mạch PCB và nếu quá trình sản xuất bị gián đoạn, thiết bị phải được kiểm tra trước khi khởi động lại, việc này sẽ mất thời gian và tăng chi phí vận hành.

Quản lý chất thải là một thách thức khác.

“Năng lực quản lý chất thải tại địa phương hiện tại không đủ cho công suất PCB mới sắp tới. Một cơ sở PCB có thể tạo ra hàng chục tấn chất tẩy rửa đã qua sử dụng cần được xử lý. Các thùng chứa hóa chất đã  đã qua sử dụng được giữ lại tại nhà máy có nguy cơ gây mất an toàn lao động”, ông Lee phát biểu.

Lee cho biết ngành công nghiệp PCB ở Trung Quốc và Đài Loan đã trải qua những thách thức về điện và nước tương tự như ông nói khi phát triển chuỗi cung ứng cách đây 30 năm. Bây giờ Thái Lan cần phải chuẩn bị.

“Thái Lan sẽ trở thành trung tâm lớn thứ ba thế giới về ngành công nghiệp bo mạch. Chúng tôi cần tăng cường khả năng phản ứng nhanh nhẹn và chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ của địa phương để giúp chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn”.

Giám đốc Kristy Tsun-Tzu Hsu của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN – Đài Loan tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua ở Đài Bắc cho rằng, năng lượng, đất đai và lao động là một trong những thách thức hàng đầu ở Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực đón dòng vốn FDI trong việc tái định vị chuỗi cung ứng.

“Các khoản đầu tư mới đang tràn vào Đông Nam Á sau Covid, nhưng đó là một thách thức đối với chính quyền địa phương về sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng, như năng lượng, lao động và hậu cần. Nguồn điện chắc chắn là một vấn đề. Tình hình hiện nay không chỉ là việc cung ứng điện đầy đủ, mà còn là cung ứng nguồn điện xanh và sạch theo yêu cầu của nhà đầu tư”, bà Hsu nhấn mạnh.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media 

https://bsaonline.vn/vi-sao-may-bay-cua-singapore-airlines-gap-nan-va-ha-canh-o-bangkok/