Nhu cầu smartphone và PC giảm sau hai năm tăng mạnh

77
Chủ tịch Mark Liu của TSMC nói nhu cầu smartphone và PC sẽ giảm trong thời gian tới, ảnh hưởng đến ngành chip. Ảnh: Reuters

Thị trường các mặt hàng điện tử gia dụng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và tivi sẽ suy giảm mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc – Chủ tịch Mark Liu của hãng chip TSMC ở Đài Loan nhấn mạnh.

Chip là thước đo nhu cầu hàng điện tử toàn cầu. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp lớn nhất của Apple. Chủ tịch Liu cảnh báo rằng chi phí linh kiện và vật liệu đang tăng mạnh, đẩy chi phí sản xuất của các công ty công nghệ và chip lên cao.

“Áp lực như vậy cuối cùng có thể được chuyển sang người tiêu dùng”, Liu phát biểu bên lề một sự kiện ngành chip ở Đài Bắc. Ông cũng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đài Loan. Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan là nền kinh tế chip lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu, chỉ sau Mỹ.

“Mọi người trong ngành đều lo lắng về việc chi phí tăng trên toàn bộ chuỗi cung ứng tổng thể … Ngành bán dẫn đã và đang trực tiếp trải qua sự gia tăng chi phí đó”, Liu nói và cho biết thêm rằng ngành cũng lo ngại về những bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm nay.

TSMC, tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng và chi tiêu vốn trong năm nay, ông nói. Ông nói: “Bất chấp sự chậm lại ở một số lĩnh vực, chúng tôi vẫn nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong các ứng dụng xe hơi và máy tính hiệu suất cao cũng như Internet của các thiết bị liên quan. Với năng lực hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi sẽ sắp xếp lại và ưu tiên đơn hàng cho những khu vực vẫn thấy có nhu cầu tốt”.

TSMC, giống như các nhà sản xuất chip khác, đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu xuất hiện vào cuối năm 2020.

Phát biểu của Chủ tịch TSMC được đưa ra trong bối cảnh các tổ chức toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​cắt giảm dự báo toàn cầu cho năm 2022 vào tháng 4 do chiến tranh Ukraine và bất ổn kinh tế vĩ mô ở một số quốc gia. IMF trước đó ước tính tăng trưởng toàn cầu 4,4% trong năm. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, thấp nhất trong 30 năm.

Nhu cầu tiêu dùng đã có dấu hiệu chững lại. Nikkei Asia đưa tin Apple đã giảm đơn đặt hàng cho iPhone SE mới ra mắt gần đây của mình lên tới 3 triệu chiếc.

TSMC vào tháng 1 cho biết họ đặt mục tiêu tăng trưởng 25% hoặc cao hơn tính theo đô la Mỹ cho doanh thu trong năm nay và chi tiêu vốn đầu tư kỷ lục 44 tỷ USD cho cả năm 2022.

Trong khi đó, các thương hiệu máy tính toàn cầu đang cắt giảm dự báo tăng trưởng trong sáu tháng tới trong bối cảnh các lo ngại về lạm phát và chiến tranh ở Ukraine. Đây là dấu hiệu báo trước sự bùng nổ nhu cầu máy tính cá nhân (PC) bùng nổ trong hai năm Covid giờ bắt đầu hạ nhiệt.

Sự bùng nổ của dịch Covid đầu năm 2020 dẫn đến nhu cầu học tập và làm việc từ xa gia tăng, tạo cú hích cho nhu cầu máy tính cho đến quí 1-2022 này. Nhưng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào cuối tháng 2 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến kế hoạch của các hãng PC cho các quí sắp tới bị xáo trộn.

Tổng số lô PC có thể sẽ giảm trong quí 2 năm nay – ít nhất ở mức một con số so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự điều chỉnh từ mức tăng trưởng nhẹ được dự báo trong tháng 2 trước khi cuộc chiến nổ ra. Theo dữ liệu của IDC, thị trường PC đã tăng trưởng hơn 13-14% trong hai năm liên tiếp 2020-2021 – tỷ lệ đáng chú ý trong một thị trường trưởng thành hay đang bão hòa hiện nay.

Gokul Hariharan,  trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng JPMorgan, đưa ra dự báo rằng thị trường PC sẽ giảm 6% trong năm nay từ mức 340 triệu chiếc trong năm 2021.

Ricky Hồ / BSA

Xu hướng tiêu dùng: Viên cà phê đông lạnh