Những tiêu chuẩn quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA

156

Sáng ngày 28/9, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, tổ chức Hội nghị: “Phổ biến các tiêu chuẩn quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA”. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của đại diện đến từ các sở, ban ngành địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội…

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế nước ta giai đoạn 2021 – 2035, giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc cập nhật các thông tin về yêu cầu nhãn mác, bao bì, quy định về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) và tận dụng ưu đãi từ hiệp định.

Phát biểu tại sự kiện, ông Huỳnh Minh Vũ – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) cho rằng, hiệp định EVFTA đã thu được các kết quả khả quan trong thời gian qua. Cụ thể, qua 2 năm thực thi EVFTA Việt Nam xuất siêu qua EU trong lĩnh vực nông, thủy sản đạt 3,2 tỉ USD, tăng hơn 11,1% so với cùng kỳ 2020…

“Để tận dụng EVFTA hay các hiệp định mà Việt Nam đang có, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại kênh phân phối, đầu tư cho công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng mới”, ông Vũ nói.

Ông Huỳnh Minh Vũ – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phát biểu tại sự kiện

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, có rất nhiều vấn đề liên quan, ngay cả việc sở hữu trí tuệ, nhiều hiệp định thế hệ mới đưa yêu cầu phải xử lý hình sự các vấn đề vi phạm bản quyền.

Ông Hòa cho biết, như EU họ áp thẻ vàng với thủy sản, nếu doanh nghiệp không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đưa vào thực phẩm, họ sẽ không chấp nhận. Nên phải có hồ sơ đầy đủ nguyên liệu đưa vào, có chứng nhận khai thác những vùng được phép theo mùa cá để đảm bảo phát triển bền vững. Không đánh bắt vào mùa cá sinh sản…, hay EU cũng bắt ghi trên nhãn loại cá, kích cỡ ra sao, loại mắt lưới đánh bắt, hay ghi chi tiết hơn là ngày đánh bắt, cấp đông, và đưa vào sản xuất. Tất cả thông tin đó phải minh bạch vì họ rất khắt khe.

Cũng theo ông Hòa, trước kia Việt Nam cạnh tranh với nhau đa phần là giảm giá, chứ chưa chú trọng vào chất lượng sản phẩm… Đó là lý do trong những năm gần đây xuất khẩu thủy sản (cá tra, cá basa) vào EU của Việt Nam giảm.

Trong khi đó, về các mặt hàng rau, củ, ông Hòa nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt tránh được vấn đề nhiễm vi sinh vật và hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật thì vào thị trường EU sẽ dễ dàng hơn.

Ông Lê Thanh Hòa nói có rất nhiều những nội dung trong EVFTA mà doanh nghiệp cần quan tâm để tránh bị trả hàng về, cảnh báo…

Trong khi đó, chia sẻ về các “Quy định về nhãn mác, bao bì sản phẩm nông thủy sản của thị trường EU và một số thị trường trọng điểm Việt Nam có FTA”, ông Cao Xuân Quân, Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, nhấn mạnh về việc doanh nghiệp cần theo dõi, cập nhật các quy định về nhãn mác, bao bì, đóng gói của thị trường EU và một số thị trường trọng điểm Việt Nam có các hiệp định FTA.

Ông Quân cho hay, các đơn vị xuất khẩu cần tìm kiếm các thị trường nhu cầu về sản phẩm của mình cơ hội thành công sẽ cao hơn.

“Việc này Văn phòng TBT Việt Nam, các Hiệp hội đều có thể làm được giúp cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất, vì họ hiểu doanh nghiệp do bận rộn sản xuất, chưa am hiểu hết các quy định, tiêu chuẩn của từng thị trường cụ thể…”, ông Quân khẳng định.

Còn theo ông Trịnh Bá Cường, Tổng thư ký Hội lương thực thực phẩm TPHCM, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức hóa chất vượt quá quy định đã bị EU thu hồi, cảnh báo, tiêu hủy. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu an toàn thực phẩm và kiểm định thực vật… Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi, nắm bắt để thay đổi điều này.

Tại sự kiện, các diễn giả khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu và nhà sản xuất nông sản trong nước bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm kiểm dịch động thực vật, đáp ứng các quy định quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, công nghệ xử lý, chế biến nông sản qà quy trình kiểm dịch, mã số vùng trồng… cần thường xuyên tìm hiểu và cập nhật thông tin về các FTA, nắm bắt và tận dụng các ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu….

Đặc biệt, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng mới trong tiêu dùng của thị trường EU liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường…

Đông đảo doanh nghiệp tham dự sự kiện
Ông Trịnh Bá Cường, Tổng thư ký Hội lương thực thực phẩm TPHCM

Bài, ảnh: Trần Quỳnh