Pà Pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi!

    (Vietnamtimes) – “Pà Pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi” là câu cửa miệng mỗi chiều trong tuổi thơ của một gia đình người Hoa sống ở Chợ Lớn trải qua ba thế hệ gần 100 năm.

    “Pà Pá, Mình Kiếm Món Gì Ngon Ăn Đi” không phải là sách dạy nấu ăn, dù cuốn sách nói về hơn 30 món thuộc loại “đặc sản” của người Hoa: Bánh bao, bánh tổ, bánh hẹ, cải chua ruột heo, chì mà phủ (chè mè đen), lạp vịt, sủi cảo, hột gà trà… mà sau món ăn còn là tình, là nghĩa.

    Ông già Tiều 80 tuổi buổi sáng chỉ ăn cháo trắng nhưng đủ sức tát vào mặt để cảnh cáo ông thầy giáo vì ham vợ bé nên đánh vợ lớn đến gãy tay. Hoặc món bánh bá trạng là cách cư xử đẹp đẽ với nhau giữa hai người phụ nữ lấy chồng chung. Tâm tình của những người phụ nữ Chợ Lớn lo toan bữa cơm hàng ngày phục vụ chồng con.

    Pà Pá, Mình Kiếm Món Gì Ngon Ăn Đi

    -Tác giả: Minh Cúc

    Tên đầy đủ: Nguyễn Thị Minh Cúc.

    Sinh 05/07/1977 tại TP.HCM

    Tác giả từng là phóng viên Báo Sài Gòn Tiếp Thị, Thế Giới Tiếp Thị, phụ trách các mảng ẩm thực – du lịch, mua sắm – tiêu dùng… Hiện chị mở cửa hàng online chuyên về các món ăn đặc sản của người Hoa. Tổ chức một số chương trình tham quan với chủ đề “Trải nghiệm văn hóa, ẩm thực người Hoa – Chợ Lớn”, “Ăn đêm ở Chợ Lớn”.

    -NXB Phụ Nữ, Phương Nam Book

    -Công ty phát hành Nhà Sách Phương Nam 


    Ngộ, một cuốn sách ẩm thực!

    Minh Cúc, trong những trang viết “Pà Pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi”, làm mình không thôi ngạc nhiên, thán phục.

    Không phải chỉ vì Cúc viết sách, mà là một cuốn sách ăn khách hẳn hoi. Không hiểu lơ đãng thế nào mà từng ấy năm làm chung báo mình không nhận ra cô ấy là người Hoa, một người Hoa bình dân như hàng mấy trăm năm cũ người Hoa đã đến đây.

    Chính yếu là Minh Cúc như là chính cô ấy vậy, hồn nhiên chảy cuộc sống của mình qua những món ăn đầy ắp kỉ niệm riêng tư nhưng lại như thủ thỉ câu chuyện của một Sài Gòn quen thuộc đến dễ dàng bị bỏ quên. Cái không gian không rõ chợ hay quê, cùi cụi những tính cách hết mình, thắm thiết, nồng nàn nhưng giản đơn đến kỳ lạ, ở đâu mà đông ken trong các trang sách dung dị của Minh Cúc vậy. 

    Minh Cúc viết về các món ăn của người Hoa Nam Bộ mà mùi mẽ của nó lại thơ thới phẩm vị con người, cái phẩm vị đặc trưng của một vùng đất phóng khoáng. Từng món ăn, từng bữa ăn trong sách Minh Cúc như dọn mâm bát cho những trải nghiệm chân thành của tình thân, của chòm xóm, và chan chứa tình tự quê hương.

    Kể cả là tình tự cố hương cũng nhẩn nha trong mùi vị, cốt cách của món ăn và trong cái cách mà người Hoa sinh sống, lễ lạc, vui tươi, hào hứng, như thể đang thắm mình ở vùng đất mới, chứ không quay quắt, lẩn thẩn.  

    Các hương vị truyền thống của gốc gác cứ tự nhiên tìm thấy nắng, thấy nước, thấy lửa củi của nơi mà với họ chưa bao giờ là đất khách. 

    Tâm Chánh