Phát triển hệ sinh thái SIB Trà Vinh dựa trên tài nguyên bản địa

Mô hình Vườn du lịch sinh thái Chà Là

Hoạt động này nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) tối ưu hóa nguồn lực địa phương để phát triển sinh kế bền vững. Với sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, và tổ chức xã hội, sự kiện đã giới thiệu các mô hình SIB điển hình và tạo cơ hội kết nối nguồn lực. 5 mô hình được chọn để tiếp tục tư vấn và đồng hành nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng hợp tác trong tương lai.
Từ ngày 16-17/10/2024, tại tỉnh Trà Vinh,  thông qua dự án ISEE COVID, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo tập huấn Phát triển sinh kế dựa trên tài nguyên bản địa cho các đơn vị kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) và Kết nối nguồn lực hệ sinh thái SIB tại Trà Vinh. Sự kiện thu hút khoảng 50 đại biểu là thành viên mạng lưới cố vấn địa phương, các Sở ngành, DN, HTX… trên địa bàn tỉnh tham dự.
Sự kiện được tổ chức với mục đích hỗ trợ các tổ chức kinh doanh phát triển sinh kế dựa trên tài nguyên bản địa, tạo tác động xã hội tích cực trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Các nội dung chính của hội thảo bao gồm: Chuyên gia Nguyễn Thị Thu chia sẻ về các giải pháp tối ưu hóa đầu vào cho trồng trọt và chăn nuôi từ tài nguyên bản địa, gồm: Thực hành bộ giải pháp làm thuốc bảo vệ thực vật từ tài nguyên bản địa; Tối ưu hóa đầu vào trong chăn nuôi thông qua việc xử lý phụ phẩm chăn nuôi lên men thức ăn chăn nuôi từ tài nguyên bản địa. Kết nối nguồn lực và hệ sinh thái: Các học viên tham gia hoạt động kết nối, thăm doanh nghiệp SIB điển hình tại Trà Vinh: Công ty Mỹ Lan; thăm làng nghề Hưng Mỹ; Mô hình du lịch sinh thái Vườn Chà Là.
Trong phiên kết nối nguồn lực ngày 17/10, năm mô hình SIB đã được lựa chọn để trình bày câu chuyện kinh doanh của mình, đó là: Doanh nghiệp ca cao Mekong; Mô hình Vinbin; Mô hình du lịch sinh thái Vườn Chà Là; Cơ sở dầu dừa Phương Huỳnh; Chả giò Thu Ba. Chị Trần Thị Thu Ba- chủ cơ sở chả lụa Thu Ba chia sẻ: Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng trên dưới 300 kg thịt, do hầu hết làm theo phương pháp thủ công, sử dụng thịt “nóng” (lúc khuya) nên đang gặp khó khăn về khâu bảo quản. Cơ sở mong muốn tham gia hệ sinh thái SIB của tỉnh để kết nối thêm nguồn lực và nâng cao năng lực cho chính cơ sở mình.
Qua chuỗi hoạt động, ông Phạm Văn Bé Sáu – Trung tâm XTĐT va hỗ trợ DN tỉnh Trà Vinh cho biết, Các tổ chức kinh doanh đã tiếp cận và học hỏi các giải pháp tối ưu hóa đầu vào từ tài nguyên bản địa trong sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp SIB và một số mô hình  đã được giới thiệu, tạo cơ hội kết nối và hợp tác trong tương lai. Chị Lê Thị Thanh Thoảng- Cơ sở dầu dừa Phương Huỳnh cho biết, cơ sở có 2 khó khăn đang cần được hỗ trợ là xây dựng vùng nguyên liệu và công tác xúc tiến quảng bá tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm dầu dừa sạch theo phương pháp lên men. 5 mô hình kinh doanh SIB được lựa chọn  sẽ tiếp tục được tư vấn 1:1 và đồng hành cùng nhóm cố vấn địa phương trong 4 tháng tiếp theo.
Một số hình ảnh trong chuỗi hoạt động này:
Chị Mỹ Huyền, công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Mỹ Huyền chia sẻ về mô hình đan đát tại xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành

 

Mô hình Vườn du lịch sinh thái Chà Là

 

Các mô hình trao đổi khó khăn cùng nhom cố vấn địa phương và chuyên gia

 

Nông dân HTX Xuân Thành thực hành làm men vi sinh

 

Tham quan công ty Mỹ Lan

Ngọc Bích