Quỹ mạo hiểm hướng về Đông Nam Á trong khủng hoảng SVB

103
Sự sụp đổ của ngân hàng đóng vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi "vốn mạo hiểm sẽ chảy về đâu?". Ảnh: Reuters

Hơn một tháng sau khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu vẫn đang vật vã với các hệ lụy. Hệ thống gồm các startup có gửi tiền ở SVB, các quỹ mạo hiểm tài trợ cho các startup và một vài nhà đầu tư hay các đối tác đã bỏ vốn vào các quỹ này.

Quan điểm của những “nạn nhân” này về tương lai của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã hoàn toàn đảo lộn. Và một vài người trong số này đang hướng đến Đông Nam Á với kỳ vọng khu vực này sẽ sớm thành Silicon Valley thứ hai.

Hệ sinh thái khởi nghiệp rúng động

Dưới sự kiểm soát của Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), SVB đã ký một thỏa thuận với ngân hàng First Citizens BancShares có trụ sở tại bang Bắc Carolina. Theo đó, First Citizen sẽ mua phần lớn các khoản vay và một số tài sản khác từ quyền tiếp nhận của FDIC,và đảm nhận tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng và một số khoản nợ nhất định khác của Silicon Valley Bridge Bank.

Steve Papa, người sáng lập và CEO của Parallel Wireless, startup chuyên xây dựng mạng viễn thông di động, nói rằng: “Hiện có một lỗ hổng trong nền kinh tế đổi mới, phải mất một thập niên nữa người ta mới lấp đầy khoảng trống đó”. Papa đã là khách hàng của SVB từ năm 1990, thành lập nhiều startup và nhiều công ty đã lên sàn.  

Endeca, một công ty phần mềm doanh nghiệp do Papa thành lập năm 1999, đã được tập đoàn Oracle mua lại vào năm 2011 với giá 1 tỷ USD. Toast, nhà phát triển hệ thống điểm bán hàng trong hệ thống nhà hàng được thành lập vào năm 2012, trong đó Papa là đối tác sáng lập, đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2021.

Papa cho rằng mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm, tài chính, tài khoản thanh toán cho khách hàng nước ngoài và các dịch vụ khác của SVB là động lực thúc đẩy các công ty khởi nghiệp của ông và thành công của mạng lưới đó. “SVB đã giúp giải quyết các nhu cầu ngân hàng cho chu kỳ tiền mặt/đầu tư của nền kinh tế đổi mới một cách dễ dàng. Các nhu cầu của startup rất khác so với nhu cầu của một doanh nghiệp nhỏ truyền thống”.

Khi Endeca gặp khó khăn trong việc đảm bảo vốn lưu động từ một ngân hàng truyền thống, Papa kể, SVB đã có thể thấu hiểu ngay và nhanh chóng cung cấp các giải pháp – một cách rất sáng tạo.

Khoản nợ mạo hiểm, hoặc khoản cho vay khởi nghiệp mà SVB tích cực cung cấp, không chỉ dựa trên triển vọng thu nhập trong tương lai của các startup mà còn dựa trên các “cột mốc” kinh doanh dự kiến của họ. Sự quen thuộc với chu kỳ tăng trưởng của các hãng công nghệ đã khiến SVB trở thành một đồng minh đắc lực.

Nợ mạo hiểm đã giúp SVB trở thành trung tâm của thế giới tài chính ở Silicon Valley. SVB đã phát hành 251 khoản vay mạo hiểm trong giai đoạn 2002-2022, với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD, nhiều nhất so với bất kỳ tổ chức tài chính nào của Mỹ – theo William Mann, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia.

Việc cho vay tích cực như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không có mối quan hệ chặt chẽ với ngành đầu tư mạo hiểm. Bởi điều này quá phụ thuộc vào việc các startup đang làm ăn thua lỗ sử dụng nguồn tiền mà họ mong đợi có được thông qua đầu tư vốn mạo hiểm. Số tiền vay này dùng để trả tiền gốc và lãi cho các khoản vay.

Mạng lưới và chuyên môn của SVB là chìa khóa cho loại hình tài trợ này. Giờ đây sự sụp đổ của SVB có thể tạo ra một khoảng trống khó giải quyết một sớm một chiều.

Chấn động lan toàn xứ cờ huê

“Tôi đã cố gắng để biết chắc rằng tất cả các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi đã mở tài khoản ngân hàng tại các tổ chức khác, hầu hết là các ngân hàng lớn hơn bao gồm cả các ngân hàng ở các trung tâm tài chính, tiền tệ lớn”, Bill Geary, đồng sáng lập tại quỹ liên doanh Flare Capital Partners chuyên đầu tư cho các startup công nghệ y tế ở giai đoạn đầu.

Công ty của Geary có trụ sở ở thành phố Boston, bang Massachusetts vốn là nơi tập trung nhiều công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe và khoa học sự sống. Sau khi nhận được tin về sự sụp đổ của SVB, Geary đã thảo luận về các biện pháp đối phó với các công ty mà quỹ đã đầu tư vào khoảng 1 tỷ USD.

Geary cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với các công ty trong danh mục đầu tư của mình, tất cả là 37 công ty, nhằm đảm bảo rằng các kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên các khoản tín dụng dễ dãi và hứa hẹn trước”.

Vài năm qua, một số nhân viên từ SVB đã gia nhập JPMorgan Chase, ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Mỹ. Những người này đã cố gắng áp dụng mạng lưới và các bí quyết đầu tư từ SVB vào JPMorgan. Tuy nhiên, bất cứ dịch vụ tương tự nào mà các ngân hàng lớn cố gắng cung cấp đều “không giống như những gì SVB đã làm” – theo lời Geary.

Nhiều startup đã tồn tại nhờ lãi suất thấp và thanh khoản dư thừa trong các năm Covid. Nhưng khi Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, những đợt gió thuận đẩy buồm khởi nghiệp lại trở thành giông bão. Với sự sụp đổ của SVB, Geary cho biết ông tin rằng các startup sẽ buộc phải điều chỉnh lộ trình.”Khoảng thời gian 12-24 tháng tới sẽ rất khó khăn, từ nguồn tài chính sẵn có cho đến chi phí vốn. Các giải pháp thay thế tín dụng sẽ ít hơn, nếu có”, Geary nhận định.

Theo hãng nghiên cứu CB Insights, các khoản đầu tư vốn mạo hiểm đã giảm kể từ mức đỉnh 181,2 tỷ USD vào quý cuối năm 2021. Đầu tư mạo hiểm chậm lại sẽ dẫn đến hoạt động cho vay mạo hiểm cũng chậm lại, nghĩa là Silicon Valley sẽ phải đối mặt với một môi trường huy động vốn ngày càng khó khăn.

Nobuhiro Seki, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Monozukuri Ventures, lại cho rằng: “Chúng tôi sẽ cần xem xét liệu các khoản vay mạo hiểm, như kiểu SVB đã cung cấp trong hai thập niên qua trong bối cảnh vốn đầu tư mạo hiểm tăng lên, có phải là một lựa chọn bền vững để tài trợ hay không”.

Sau sự sụp đổ của SVB, Seki nhận được rất nhiều yêu cầu từ các doanh nghiệp mà công ty của ông đã đầu tư cũng như một vài đối tác bao gồm các ngân hàng và nhà sản xuất Nhật Bản. Năm trong số khoảng 30 startup mà Monozukuri Ventures đã đầu tư có giao dịch với SVB. Seki khuyên họ nên mở tài khoản tại các ngân hàng lớn khác của Mỹ.

Hiện không rõ quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra suôn sẻ khi First Citizen tiếp quản SVB. Seki cho biết chuyên môn và mối quan hệ của SVB trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm có thể được “tách rời” khỏi hoạt động kinh doanh ngân hàng của SVB.

Cơ hội mới

Các công ty và tổ chức tài chính khác ở Silicon Valley bắt đầu nắm bắt những cơ hội mới nảy sinh từ cuộc khủng hoảng.

Hôm 13-3, một ngày sau khi FDIC tiếp quản SVB, hãng fintech Mercury của Mỹ đã ra mắt dịch vụ bảo vệ khoản tiền gửi lên tới 5 triệu USD. Hiện giới hạn bảo hiểm của FDIC được đặt ở mức 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền cho mỗi tổ chức. Như vậy, Mercury đang cung cấp phạm vi bảo hiểm gấp 20 lần. Giải pháp của họ là chia tiền của khách hàng cho nhiều ngân hàng đối tác khác. Tiền gửi trên 5 triệu USD sẽ được đặt trong các quỹ thị trường tiền tệ đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn để thu lợi nhuận cao. Trang web của Mercury cũng cho thấy cách khách hàng có thể chuyển tiền gửi từ SVB trong một ngày làm việc.

Sheel Mohnot, đồng sáng lập và đối tác của Better Tomorrow Ventures, cho biết: “Mercury đã tăng trưởng vượt bậc trong thời gian này. “Họ đã nhận được dòng vốn lớn trong thời gian dài. Chúng tôi đã giới thiệu Mercury cho nhiều công ty trong danh mục đầu tư của mình”, ông nói.

Theo Mohnot, JPMorgan cũng đang thực hiện các bước để lấp đầy khoảng trống do SVB để lại. Trong tháng 3 rồi, JPMorgan thông báo rằng đã đồng ý mua lại nhà cung cấp phần mềm phân tích đầu tư Aumni. Aumni đã đánh giá 17.000 startup cho khoảng 300 công ty đầu tư mạo hiểm, nhà quản lý tài sản và các khách hàng khác. JPMorgan hy vọng sẽ bù đắp cho sự thiếu chuyên môn và mối liên hệ trong lĩnh vực này với thương vụ thâu tóm Aumni.

Mơ về một Silicon Valley mới

Golden Gate Ventures tập trung vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á.

“Đã có người nhắn tin cho tôi như thế này ‘Tôi đã chuyển tất cả tiền của công ty từ SVB sang First Republic. Và giờ đây First Republic có thể đi tong. Tôi phải làm gì đây?’…”, đối tác sáng lập Vinnie Lauria của Golden Gate nói.

Golden Gate đã “kiểm toán toàn bộ” hơn 70 công ty trong danh mục đầu tư của mình và khuyên những người có tài khoản ở Mỹ nên chuyển tiền gửi của họ sang một tổ chức hàng đầu hoặc ở nước ngoài.

Các công ty trong danh mục đầu tư của Golden Gate cần khẩn trương mở tài khoản mới để trả lương cho nhân viên của họ đúng hạn.

HSBC đã từ chối các yêu cầu này, trong khi các ngân hàng hàng đầu của Mỹ cho biết sẽ mất khoảng một tuần.

Nhưng DBS ở Singapore đã gọi điện cho Lauria nói “Chúng tôi sẽ giúp bạn đứng dậy và tiếp tục vận hành”. Lauria nói DBS đề nghị xử lý quy trình thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp thay vì các kênh thông thường.

Tiền của Trung Quốc đã đổ vào Singapore. Giờ đây, sự sụp đổ của SVB đã đẩy nhanh dòng tiền chảy đảo quốc này. Lauria nói dù SVB muốn tiếp tục duy trì khách hàng của mình, nhưng giá trị quan trọng nhất của ngân hàng là niềm tin và niềm tin đã bị phá vỡ. “Tôi không thể nghĩ rằng khách hàng muốn tiếp tục giao dịch với SVB dù rằng họ có quan hệ cá nhân mật thiết với các nhân viên ngân hàng SVB”, ông nói.

Thay vào đó, Lauria kỳ vọng trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ chuyển từ Silicon Valley sang Đông Nam Á. Xuất thân từ San Francisco, nhà đầu tư mạo hiểm quyết định tập trung vào khu vực này sau khi du lịch ba lô vòng quanh thế giới. Ông hình dung các ngân hàng ở Singapore sẽ đảm nhận vai trò mà SVB đã từng đóng.

Được thúc đẩy bởi lãi suất thấp và nguồn vốn dồi dào, Silicon Valley từng có vẻ như đang đi đúng hướng để tiếp tục phát triển mãi mãi. Nhưng lãi suất tăng đã chấm dứt điều đó. Nhiều người tin rằng sự biến mất của các khoản tiền dư thừa từ bối cảnh khởi nghiệp sẽ là một bước phát triển tốt về lâu dài.

Còn nhà đầu tư Geary lại nói: “Tôi nghĩ rằng ngành công nghệ chăm sóc sức khỏe, ngành của chúng tôi, sẽ mạnh hơn trong dài hạn”. Geary tin rằng ngành này cuối cùng sẽ “được đầu tư một cách thông minh hơn và bền vững hơn”.

Nhà đầu tư mạo hiểm Vinnie Lauria cùng hai con trên đường phố TP.HCM. Ảnh: Time

Nhà đồng sáng lập Vinnie Lauria của quỹ Golden Gate Ventures đã chuyển đến TP.HCM năm 2022 sau một thời gian sinh sống và làm việc tại Singapore. Lauria nói Đông Nam Á sẽ trở thành một nguồn lực tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm tới và Việt Nam sẽ là trung tâm của quá trình này.

Ngày càng nhiều các lập trình viên và kỹ sư công nghệ từ khắp nơi trên thế giới đang đổ tới Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, để mở công ty riêng.

Theo báo cáo tháng 7-2022 của hãng tư vấn KPMG International Ltd và ngân hàng quốc tế HSBC Holdings Plc, số lượng startup tại Việt Nam đã gần gấp đôi từ đầu đại dịch Covid-19 đến giữa năm 2022. Bloomberg cho biết một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm Sequoia Capital, Warburg Pincus Llc và Alibaba Group Holding Ltd, đều đang rót vốn cho nhiều startup cung cấp các giải pháp đầy hứa hẹn.

Ricky Hồ / Bản tin LBC