Các nhà quản lý quỹ ở Đông Nam Á đang xem trọng các yếu tố bình đẳng giới, đa dạng và dung hợp (DE&I) khi quyết định đầu tư vào các startup ở Đông Nam Á.(*)
Quỹ đầu tư mạo hiểm từ Monk’s Hill Ventures (MHV) và Vietnam Investments Group (VI Group) đã ưu tiên rót vốn vào startup của các nữ doanh nhân trong các năm qua. Tính đến tháng 5-2024, khoảng 36% công ty danh mục đầu tư của MHV có ít nhất một nhà sáng lập là nữ và 28% do một giám đốc điều hành là nữ lãnh đạo, trong khi 53% công ty danh mục đầu tư của VI Group do phụ nữ điều hành… Startup công nghệ giáo dục ELSA của nhà sáng lập Văn Đinh Hồng Vũ là một trong những ví dụ đó.
Câu chuyện của ELSA
Thành lập ở Silicon Valley năm 2015, đến năm 2016, ELSA có năm nhân viên làm việc ở ba nước (Mỹ, Việt Nam và Bồ Đào Nha). Họ bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu nội bộ về giọng phát âm tiếng Anh của những người không phải bản ngữ để đào tạo hệ thống AI của riêng ELSA về cách phát âm, ngữ pháp và giọng điệu. Khoảng thời gian này, Văn Đinh Hồng Vũ, nhà sáng lập kiêm CEO ELSA, đã gặp các đối tác Monk’s Hill. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã giành được sự tin tưởng của MHV. Tuy nhiên, tôi không muốn nhận vốn từ các định chế bên ngoài cho đến khi cảm thấy đủ tự tin rằng chúng tôi thực sự có thể xây dựng và phát triển ELSA”.
Cô gái đến từ Nha Trang tự mình phát triển nguyên mẫu đầu tiên. Tháng 3-2016, tại hội nghị thường niên South by Southwest của Austin, ELSA giành chiến thắng trong Cuộc thi Khởi nghiệp SXSW EDU dành cho các startup edtech ở giai đoạn đầu. Sau chiến thắng, chỉ trong 24 giờ, ELSA đã có hơn 30.000 lượt tải xuống. Công ty đã sẵn sàng bắt đầu tiếp thị và phân phối ứng dụng với lượng dữ liệu đột ngột tăng lên. Lúc này, startup của Vũ đã sẵn sàng để thu hút của nhà đầu tư.
Cho đến nay, MHV đã góp khoảng 10 triệu đô la, với số cổ phần không tiết lộ. Còn VI góp được ba đợt với tổng 3,44 triệu đô la, chiếm 3,6% cổ phần.
Số nhân sự của ELSA đã tăng đáng kể. Từ năm người đầu tiên khi thành lập đến tháng 3-2018 ELSA có 16 người, lần lượt lên 100 vào đầu năm 2021 và hơn 230 người tính đến tháng 5-2024. Hơn một nửa số nhân viên và quản lý toàn thời gian của ELSA là nữ.
“Khi tuyển dụng, chúng tôi có chủ đích riêng trong việc nhắm đến sự đa dạng giới tại nơi làm việc. Với bất kỳ vị trí tuyển dụng nào, tôi muốn thấy rằng nhóm người tìm việc được đại diện tốt về mặt giới tính. Nếu không, chúng tôi sẽ yêu cầu bộ phận nhân sự xem xét lại và đưa ra lựa chọn rộng hơn. Tôi không nhất thiết phải tuyển ứng viên nữ cho vị trí này, mà tôi muốn tuyển người giỏi nhất cho công việc. Nhưng tôi cần thấy sự đa dạng về giới”, CEO ELSA nói.
Việt Nguyễn – người đứng đầu Phòng Đầu tư công nghệ của quỹ VI Group – nói rằng Vũ cũng hỗ trợ cho những đồng nghiệp nữ, ngay cả khi họ đã rời ELSA. “Cô ấy đã góp phần tạo ra một thế hệ CEO nữ mới ở nhiều lĩnh vực. Nhiều nữ nhân viên rời ELSA để khởi nghiệp riêng với sự động viên, hỗ trợ của Vũ. Chẳng hạn như Natalie Đỗ, nguyên trưởng Phòng phát triển kinh doanh và thương mại ELSA, đã thành lập một công ty thực phẩm. Tú Ngô, người đã gắn bó với ELSA ngay từ đầu, là đồng sáng lập trường tiếng Anh Yola và ra mắt Touchstone, công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu tại Việt Nam. Ruby Nguyen, giám đốc quốc gia đầu tiên của ELSA tại Việt Nam, đã trở thành giám đốc điều hành của startup truyền thông ứng dụng công nghệ và thành lập một công ty công nghệ giáo dục.
Con đường phía trước
Các ưu tiên hàng đầu của ELSA trong vài năm tới là tiếp tục phát triển và mở rộng quan hệ đối tác doanh nghiệp B2B và nâng cao năng lực AI. Tính đến tháng 5-2024, ELSA đã hợp tác với hàng chục tập đoàn trong việc cải thiện khả năng phát âm, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho nhân viên, với chi phí khả thi. ELSA cũng đang hợp tác với nhiều trường phổ thông và đại học tại Việt Nam.
Tại thời điểm VI Group đầu tư vào năm 2021, mảng B2B chỉ chiếm 5% doanh thu. Đến tháng 5 vừa rồi, phân khúc này chiếm khoảng 15% kinh doanh. Cuối năm B2B sẽ chiếm gần 25% doanh thu dự kiến hàng năm. Trong ba năm qua, từ ba văn phòng chính ở San Francisco, Lisbon và TP.HCM, ELSA đã hiện diện tại Bangalore, Jakarta, Bangkok và Tokyo, chủ yếu tập trung vào quan hệ đối tác doanh nghiệp. Startup đặt mục tiêu thâm nhập sâu hơn vào các thị trường Đài Loan, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài các nỗ lực B2B, ELSA tiếp tục cải thiện nền tảng AI. “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi liên tục theo dõi thị trường để xem diễn biến tiếp theo của thị trường. Chúng tôi phải liên tục xây dựng và đổi mới để để biến ELSA thành công cụ học tiếng Anh mạnh mẽ nhất hiện có trên thị trường. ELSA không tìm cách thay thế con người mà cung cấp giải pháp cho những người không thể tiếp cận gia sư trực tiếp do sự tiện lợi hoặc thiếu vốn”.
Cả MHV và VI Group đều mong muốn ELSA phát triển hơn nữa. “Chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu quan tâm từ các đối tác chiến lược. Nếu chúng tôi có thể giúp ELSA mở rộng từ doanh nghiệp 50 triệu đô thành quy mô 500 triệu đô la với đối tác phù hợp, với tư cách là bên ủy thác, chúng tôi phải cân nhắc lựa chọn đó. Tuy nhiên, hiện tại, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo ELSA có dòng tiền dương và tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp ở mảng B2B và B2C”, đối tác chung Justin Nguyễn của MHV nói.
Còn Việt Nguyễn của VI Group tin rằng “ELSA sẽ hấp dẫn nhiều công ty muốn tiếp cận thị trường quốc tế, bởi startup đã có lượng khách hàng toàn cầu lớn, thư viện nội dung phong phú và khả năng công nghệ tiên tiến”.
Văn Đinh Hồng Vũ quê ở Nha Trang, tốt nghiệp MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Stanford, Mỹ. Vũ cùng với Tiến sĩ Xavier Anguera, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm về nhận dạng giọng nói, thành lập ELSA năm 2015. Đến nay, ELSA đã có hơn 50 triệu lượt người dùng ở khắp 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó riêng Việt Nam là 10 triệu người. Bà Văn Đinh Hồng Vũ cho biết các thị trường quốc tế hàng đầu của ELSA gồm Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Mexico, Nhật Bản và Indonesia. Hiện ELSA có trụ sở chính tại San Francisco, Mỹ và văn phòng đại diện tại TPHCM của Việt Nam và Lisbon của Bồ Đào Nha.
Ricky Hồ / BSA Media
(*) Bài viết sử dụng báo cáo When Women Lead của Hiệp hội Vốn tư nhân toàn cầu (GPCA) với sự hỗ trợ của chương trình Investing in Women thuộc chính phủ Úc. Ngoài ra là phần phỏng vấn riêng và tư liệu của người viết.
“Giấy phép xã hội” cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu