
Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có cơ hội thưởng thức sầu riêng đông lạnh từ Indonesia trong năm nay, với giá có thể rẻ hơn sầu riêng Việt Nam và Thái Lan.
Hãng thông tấn Antara của Indonesia nói rằng tuần trước các quan chức Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thực hiện các cuộc khảo sát các trang trại sầu riêng và cơ sở đóng gói địa phương. Trước đó, tháng 7-2024 Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin chính phủ Indonesia sẽ xúc tiến xuất khẩu sầu riêng từ tỉnh Central Sulawesi.
Xúc tiến thủ tục trước
Bộ Nông nghiệp Indonesia đã quy hoạch canh tác sầu riêng ở 422 ngôi làng trên khắp cả nước. Indonesia đặt ra mục tiêu hàng đầu là được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh trong năm nay.
Sầu riêng đông lạnh thường rẻ hơn sầu riêng tươi, ít rủi ro về an toàn thực phẩm. GACC đã vài lần chặn các lô sầu riêng tươi của Việt Nam và Thái Lan do không đạt chuẩn kiểm dịch thực vật của đại lục.
Thái Lan từng chiếm lĩnh 90% thị trường sầu riêng của Trung Quốc, nhưng nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 57% do gặp cạnh tranh của Việt Nam. Thị phần của Việt Nam đã tăng nhanh từ 5% trong các năm trước lên 38% trong năm ngoái. Philippines và Malaysia chia phần còn lại. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập lượng sầu riêng trị giá gần 7 tỉ đô la.
Sầu riêng tươi bán ở Trung Quốc có giá lên tới 200 nhân dân tệ (707.000 đồng) cho một trái loại nặng 6 kg.
Viễn cảnh nhập khẩu sầu riêng Indonesia đã khơi dậy sự tò mò của người tiêu dùng Trung Quốc. Zhao Yu, một chuyên gia tài chính 38 tuổi ở Thượng Hải cho biết sẽ mua ăn thử nếu sầu riêng đông lạnh của Indonesia có mặt có các siêu thị địa phương.
Indonesia là nước sản xuất sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, với sản lượng thu hoạch khoảng 2 triệu tấn trái mỗi năm.
Sự khoái khẩu với loại trái cây vua của dân đại lục có thể mở ra một thị trường thênh thang cho sầu riêng từ xứ vạn đảo.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng người trồng sầu riêng ở Indonesia có thể không có đủ khả năng để phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc ngay lập tức, bởi người dân xứ vạn đảo tiêu thụ gần 90% sản lượng sầu riêng trong nước. Indonesia cũng nhập khẩu sầu riêng từ khắp Đông Nam Á để phục vụ nhu cầu của 283 triệu dân.
Mohamad Reza Tirtawinata, Giám đốc Quỹ sầu riêng Nusantara nói rằng phần lớn sầu riêng ở Indonesia là cây mọc tự nhiên. Vì thế, sầu riêng ở đây không có chất lượng đồng đều.
“Đối với xuất khẩu, tôi không nghĩ tiêu chuẩn chất lượng là đủ. Nhà xuất khẩu sầu riêng phải tuân thủ các quy định và phải có giấy phép xuất khẩu. Còn phải làm rất nhiều thứ khác”, Tirtawinata nói.
Đông lạnh đi trước, trái tươi đi sau
Ông cũng cho rằng sầu riêng đông lạnh có thể giúp Indonesia bước đầu thâm nhập vào thị trường trái cây Trung Quốc. Malaysia trước đó đã xuất các lô hàng đông lạnh trước khi xuất trái tươi sang thị trường đại lục.
Tirtawinata nhận định Indonesia có thể thành công bằng cách xuất khẩu sầu riêng đông lạnh mà nhà nhập khẩu Trung Quốc dùng làm nguyên liệu cho các loại thực phẩm khác. Người dân Trung Quốc rất “hảo” các loại đồ uống, món tráng miệng và cả nước có hương vị sầu riêng.
Giống Monthong có xuất xứ từ Thái Lan, nhưng hiện được trồng rộng rãi ở Indonesia. Trái loại này có kích thước lớn, nặng 3-5kg mỗi trái, vị béo thơm và ngọt, hạt nhỏ hơn nhưng thịt lại dày hơn so với các loại sầu riêng khác.
Loại sầu riêng này có kích thước lớn, thường nặng khoảng 3-5 kg mỗi trái, có kết cấu kem và vị ngọt, hạt nhỏ hơn và thịt dày hơn so với hầu hết các loại sầu riêng khác.
Sầu riêng Monthong của Indonesia ở dạng đông lạnh đã có mặt ở Trung Quốc nhưng phải xuất khẩu thông qua Thái Lan.
“Nếu chúng tôi vận chuyển qua Thái Lan, phải mất khoảng một tháng để đến Trung Quốc. Nhưng nếu chuyển sầu riêng đi thẳng từ cảng Pantoloan ở Palu, tỉnh Central Sulawesi đến Trung Quốc, sẽ chỉ mất khoảng một tuần”, theo Muhammad Tahir, giám đốc công ty chế biến sầu riêng PT Ammar Durian Indonesia.
Tahir nói rằng chi phí vận chuyển sầu riêng trực tiếp đến Trung Quốc sẽ chỉ bằng một nửa so với xuất khẩu thông qua Thái Lan.
Chưa có thương hiệu
Lim Chin Khee, cố vấn của Học viện sầu riêng ở Malaysia chuyên đào tạo nông dân địa phương, tin rằng sầu riêng Indonesia sẽ gặp bất lợi ở Trung Quốc vì chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín như Thái Lan hoặc Việt Nam.
“Thái Lan và Malaysia đã thiết lập được chuỗi cung ứng và nhận diện thương hiệu tại Trung Quốc, do đó, Indonesia cần phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh hiệu quả”, Tahir nói.
Bộ Nông nghiệp Indonesia đã lập danh mục hơn 100 loại sầu riêng địa phương trên khắp cả nước. Bộ này cũng đã xác định được năm loại sầu riêng cao cấp có tiềm năng xuất khẩu để tập trung nguồn lực mở rộng diện tích canh tác, trong đó có loại sầu riêng có múi mang màu sắc cầu vồng.
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan sang Trung Quốc đều sụt giảm trong hai tháng đầu năm do Trung Quốc trả lại các lô sầu riêng bị nhiễm chất vàng O (hay BY2) có khả năng gây ung thư.
Tính đến giữa tháng 2-2025, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 3.500 tấn, giảm hơn 80% so với con số 32.750 tấn cùng thời kỳ năm ngoái.
Thái Lan cũng gặp tình trạng tương tự khi bị Trung Quốc trả lại 64 tấn sầu riêng nhiễm chất vàng O. Dự kiến sản lượng sầu riêng năm nay của Thái Lan sẽ đạt 1,76 triệu tấn, trong đó 950.000 tấn sẽ được xuất sang Trung Quốc với tổng giá trị 10 tỉ baht.
Theo SCMP, Jakarta Post, CNA
Ricky Hồ / BSA Media