“Siêu thị trực tuyến” của Foodpanda bán hàng nhãn riêng

Brightfarms - một trong ba thương hiệu nhỏ - của Foodpanda vừa ra mắt tại Singapore và Malaysia. Ảnh: TIA

Foodpanda, nền tảng trực tuyến giao nhận thực phẩm và điện tử ở nhiều nước châu Á, đã tung ra một loạt nhãn hiệu riêng có tên Bright trên “cửa hàng tạp hóa trực tuyến” Pandamart.

Nhãn hiệu riêng này có khoảng 1.000 sản phẩm được chia thành ba thương hiệu nhỏ hơn: Brightfarms cho sản phẩm tươi sống, Brightyums cho các mặt hàng đồ khô và bữa ăn sẵn, và Brightspots cho nhu yếu phẩm gia đình.

Các mặt hàng có nhãn Bright sẽ lên “kệ” của các cửa hàng trực tuyến Pandamart ở khắp các thị trường của Foodpanda, đầu tiên là ở Singapore và Malaysia, rồi sau đó mới sang các thị trường khác.

Raphael Zennou, Phó chủ tịch phụ trách thương mại nhanh của Foodpanda, nói rằng nhãn mới cho phép công ty kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm trên Pandamart.

Foodpanda nói việc mua hàng trực tiếp từ nhà cung cấp giúp các sản phẩm Bright có già thành mềm hơn, rẻ hơn khoảng 25% so với các sản phẩm cùng loại. Foodpanda nói điều này sẽ giúp công ty dễ tiếp cận hơn với tệp khách hàng rất nhạy cảm về giá.

Năm 2021, Foodpanda đã ra mắt thương hiệu nội bộ Brightfields với một số lựa chọn hạn chế về các mặt hàng trong tủ thực phẩm (pantry) như muối, đường, trứng, khăn giấy, nước khoáng. Sau đó, công ty đã mở rộng dòng sản phẩm sang nhiều mặt hàng khác như trái cây tươi và các sản phẩm tẩy rửa.

Foodpanda thuộc sở hữu của công ty mẹ Delivery Hero của Đức. Tại Đông Nam Á, Foodpanda đặt trụ sở chính tại Singapore và mở rộng hoạt động sang các thị trường Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan.

Có tin là Delivery Hero đang rút ra khỏi một số thị trường Đông Nam Á (tương tự như Uber hay Baemin rút khỏi Việt Nam trước đây) và Grab đang đàm phán để thế chân cho gã khổng lồ của Đức.

Ricky Hồ / BSA Media 

https://bsaonline.vn/thong-le-khong-the-duoc-thong-cam/