Startup AI “gây hiềm khích”, xáo trộn thị trường dịch vụ pháp lý tại Hàn Quốc và Nhật Bản

Công nghệ pháp lý đang đặt ra câu hỏi về vấn đề phát triển kinh nghiệm và sự nghiệp của các luật sư trẻ khi AI đã “cướp mất phần việc” trong rà soát văn bản. Đây là một phần trong quá trình đào tạo nghề cho luật sư. Ảnh: Nikkei Asia

Mâu thuẫn đang diễn ra giữa các luật sư già dặn, giàu kinh nghiệm và các luật sư trẻ, giỏi công nghệ. Đó cũng là cuộc cạnh tranh sống mái giữa hãng luật lâu đời và các luật sư độc lập. Và đó cũng là cuộc đụng độ giữa các startup và luật sư với hiệp hội ngành và tòa án các cấp…

Các startup công nghệ pháp lý đang tạo thay đổi, tái định hình ngành dịch vụ pháp lý ở nhiều nơi.

AI mang lại nhiều lợi ích

Hwang Sung-hyun là giám đốc hãng luật Confidence tại phía nam Seoul. Ông nói công cụ AI SuperLawyer của startup Law&Company của Hàn Quốc phát triển giúp ông tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc. Hwang dùng công cụ này để phân tích các trường hợp tương tự và soạn thảo các tài liệu pháp lý trình tòa.

“Nếu thuê một luật sư cộng sự, bạn phải trả 5 triệu won (3.500 đô la) mỗi tháng. Nhưng bạn chỉ trả 100.000 mỗi tháng cho các dịch vụ cơ bản của SuperLawyer mỗi tháng. Hơn nữa, bạn không đụng chạm, bất đồng với đồng nghiệp”, Hwang nói.

Những startup công nghệ như Law&Company hứa hẹn sẽ định hình lại thị trường dịch vụ pháp lý ở khắp châu Á. Nhưng không phải ai trong nghề cũng vui vẻ chấp nhận AI và các công nghệ khác. Vấn đề này đang gây tranh cãi tại Hàn Quốc, nơi thị trường pháp lý vốn từ lâu chịu sự chi phối của một số ít luật sư và số này đã phải qua vô số các kỳ thi luật đầy khắc nghiệt.

Hàn Quốc làm theo mô hình phân cực của Mỹ. Một đằng là các luật sư lớn tuổi, tên tuổi ở các hãng luât lớn với mức lương và tiền thưởng kếch xù. Một bên lại là các luật sư mới vào nghề đang phải vật lộn để tìm kiếm khách hàng mới.

Các startup công nghệ pháp lý hiện cung cấp nhiều dịch vụ, từ các công cụ AI phân tích pháp lý đến các ứng dụng kết nối khách hàng – luật sư…

Thách thức cho mô hình tính phí theo giờ

Hàn Quốc không phải là thị trường pháp lý duy nhất áp dụng AI.

Tại Nhật Bản, startup LegalOn Technologies có trụ sở tại Tokyo đang chứng kiến ​​nhu cầu hỗ trợ pháp lý bằng AI ngày càng tăng. Công ty chủ yếu bán các nền tảng hỗ trợ luật sư trong việc xem xét hợp đồng. Ví dụ, AI của LegalOn có thể đánh dấu các từ ngữ có thể gây bất lợi cho khách hàng hoặc gợi ý cách diễn đạt phù hợp hơn với các tiêu chuẩn của công ty.

“Rà soát hợp đồng thường được coi là việc dễ dàng nhất. Việc này tốn rất nhiều thời gian, nhưng chưa chắc là công việc có giá trị cao nhất”, Giám đốc chiến lược (CSO) P Biard, giám đốc chiến lược của LegalOn nói.

Ông nói các luật sư dành khoảng bốn giờ trong ngày làm việc để xem xét các thỏa thuận không tiết lộ thông tin và các hợp đồng khác. Dịch vụ LegalOne có thể giúp giảm tới 80% thời gian này.  

Giám đốc Biard nói rằng phản ứng chung của các luật sư nội bộ về dịch vụ AI là tích cực, vì hầu hết trong số họ được trả lương cố định.

Ông cho biết phản ứng từ các hãng luật độc lập có nhiều ý kiến ​​trái chiều hơn, vì “AI thực sự thách thức mô hình tính phí theo giờ”. Ngay cả các luật sư cấp thấp của các hãng luật ở Mỹ, nơi LegalOne cũng hoạt động, cũng có thể tính phí lên tới 2.000 đô la một giờ. AI sẽ là mối nguy, đe dọa mô thức này.

“Nhìn chung, các hiệp hội luật sư ở một số quốc gia đã bảo thủ hơn và họ nhận ra rằng AI là một phần của thực tế, nhưng họ tin rằng AI được sử dụng và không xáo trộn mọi thứ. Điều đó có xu hướng làm mọi thứ chậm lại”.

Law&Company có công cụ AI SuperLawyer và nền tảng LawTalk kết nối khách hàng với luật sư. Ảnh: Law&Company

AI chỉ bổ sung, chứ chưa thể thay thế luật sư con người

Biard cho rằng cần nhìn nhận một thực tế là các luật sư trẻ thường được đào tạo nghề bằng cách thực hiện các nhiệm vụ cơ bản nhưng tốn thời gian như rà soát hợp đồng. Đây là một công việc AI làm hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông cho biết, AI sẽ bổ sung chứ không thay thế luật sư con người.

Park tại Law&Company ở Seoul cũng có thái độ tích cực tương tự. Ông cho rằng các dịch vụ công nghệ pháp lý đang tạo ra nhu cầu mới trên thị trường, làm hài lòng cả khách hàng và luật sư.

Ngoài SuperLawyer, Law&Company còn có nền tảng LawTalk kết nối khách hàng và luật sư. Thông qua nền tảng này, khách có thể tìm được luật sư phù hợp sau khi xem xét sự nghiệp, hồ sơ trong các vụ án trước đây và trình độ học vấn của luật sư.

LawTalk không tính phí cho dịch vụ kết nối của mình vì luật pháp Hàn Quốc cấm làm như vậy. Thay vào đó, Law&Company kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo cho luật sư. Công ty cũng đang cân nhắc tiến vào Nhật Bản vì quốc gia láng giềng này có hệ thống pháp luật tương tự như Hàn Quốc.

Cuộc giằng co giữa các bên

Các startup công nghệ pháp lý đang phải đối mặt với những thách thức từ hiệp hội luật sư, vốn cáo buộc họ là “môi giới bất hợp pháp” và kinh doanh mà không có giấy phép luật sư. Cuộc giằng co còn lôi kéo cơ quan quản lý và tòa án các cấp vào cuộc.

Giám đốc Lee Byung-jun của Trung tâm công nghệ pháp lý tại Viện nghiên cứu pháp lý (LRI) thuộc Đại học Hàn Quốc, cho rằng công nghệ mới nổi sẽ thay đổi mạnh mẽ thị trường việc làm của luật sư. “Công nghệ pháp lý có thể cắt giảm số lượng luật sư cộng sự xuống còn một phần năm hoặc thậm chí một phần mười. AI rất giỏi trong việc nghiên cứu các vụ án và lý thuyết cũng như biên dịch. Giống như một giáo sư có một vài trợ lý giảng dạy vậy”, Lee nói.

Law&Company cho biết dịch vụ nghiên cứu của hãng đủ khả năng hỗ trợ các luật sư. Bởi SuperLawyer gần đây đã “vượt qua” kỳ thi luật sư của Hàn Quốc với số điểm là 111 trên 150 câu hỏi trắc nghiệm.

Còn Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc (KBA) với hơn 36.000 thành viên đã phản đối mạnh mẽ nền tảng LawTalk. “Nền tảng này đang giả vờ là một nhóm luật sư, vi phạm Đạo luật Luật sư”, Do Jin-soo, giám đốc KBA cho biết.

Đạo luật quy định rằng chỉ những luật sư được cấp phép mới có thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. KBA lập luận rằng startup đang gây nhầm lẫn cho khách hàng bằng cách tự xưng là luật sư. Law&Company cho biết họ không cung cấp dịch vụ pháp lý mà chỉ giúp luật sư và khách hàng kết nối.

Sự khác biệt của họ đã dẫn đến tranh chấp pháp lý. KBA vào năm 2022 và 2023 đã phạt 123 luật sư sử dụng dịch vụ này với số tiền lên tới 15 triệu won vì vi phạm các quy định về quảng cáo. Bộ Tư pháp sau đó đã hủy bỏ các hình phạt.

Riêng cơ quan chống độc quyền của chính phủ đã phạt KBA 1 tỉ won vì cho rằng KBA đã có thể gây hại cho sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ pháp lý. Hồi tháng 10, một tòa án Seoul đã ra phán quyết rằng chính quyền phải hủy bỏ khoản tiền phạt này “vì hiệp hội luật sư cần xem xét lại các hoạt động của công nghệ pháp lý”. Cơ quan quản lý đã kháng cáo và vụ việc đang được Tòa án tối cao Seoul thụ lý.

Hwang, luật sư trưởng tại Confidence, cho biết KBA không nên ngăn cản luật sư sử dụng các dịch vụ công nghệ pháp lý vì khách hàng đã sử dụng AI để được tư vấn pháp lý.

“Khách hàng đã hỏi ChatGPT về các vụ việc của họ trước khi gặp luật sư. Bạn không thể ngăn cản họ sử dụng AI. Điều luật sư cần làm là lọc thông tin sai và tìm ra giải pháp tốt nhất cho khách hàng. KBA đang áp dụng cách tiếp cận lỗi thời với AI”, Hwang nói.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media