Startup Đông Nam Á đối diện với thiếu hụt nhân tài công nghệ

Asean@TechTalent: Kỹ sư và chuyên gia dữ liệu là những người được các startup săn đón nhiều nhất

Các startup Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam, Indonesia và Singapore, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu người tài bởi ít khả năng đưa ra mức lương cao, thu hút nhân tài công nghệ. Trong khi đó, startup cũng khó cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống đang đẩy mạnh quá trình số hóa cũng đang nỗ lực tuyển người từ đội ngũ nhân sự bị Big Tech sa thải hàng loạt.

Theo nền tảng tuyển dụng Glints có trụ sở tại Singapore, khoảng 86% nhà sáng lập startup nói sẽ tăng số lượng nhân sự trong năm nay. Nhu cầu cao tập trung vào kỹ sư và nhà khoa học dữ liệu, với thu nhập trung bình cao hơn 38% so với các vị trí phi công nghệ như bán hàng và tiếp thị.

Đây là những phát hiện chính từ một nghiên cứu về vai trò công nghệ tại các công ty khởi nghiệp ở Singapore, Indonesia và Việt Nam. Hãng Glints và quỹ Monk’s Hill Ventures đã phân tích hơn 10.000 điểm dữ liệu từ các tin tuyển dụng trong cơ sở dữ liệu của họ. Hai công ty này cũng đã thăm dò hơn 500 công ty ở giai đoạn mới thành lập và nhân viên của họ tại ba thị trường trên.

Oswald Yeo, đồng sáng lập và CEO của Glint, nói với Nikkei Asia: “Hiện có sự phân bổ lại nhân tài công nghệ từ các Big Tech và các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng sang các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Chúng tôi nghĩ đây là yếu tố rất lành mạnh cho hệ sinh thái”.

Yeo cũng nói rằng so với hai năm trước, sẽ có ít sự cạnh tranh hơn một chút đối với các tài năng công nghệ. Glints là một trong những nền tảng tuyển dụng tích cực nhất trong khu vực, kết nối hơn 3 triệu chuyên gia với 50.000 startup và doanh nghiệp.

Năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Sea có trụ sở tại Singapore đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, trong khi GoTo của Indonesia cũng sa thải khoảng 12% công nhân do tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái kinh tế. Các hãng công nghệ lớn của Hoa Kỳ có sự hiện diện trong khu vực, chẳng hạn như Google, công ty mẹ của Facebook là Meta và Amazon, cũng đã cắt giảm số lượng nhân viên.

“Tuy nhiên, nhu cầu về nhân tài công nghệ tiếp tục cao vì chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các lĩnh vực truyền thống, như ngân hàng và bán lẻ, khi họ số hóa doanh nghiệp của mình,” CEO Yeo nói.

Theo nghiên cứu, các kỹ sư được săn đón nhiều nhất ở ba thị trường khu vực, với các vị trí như phó chủ tịch kỹ thuật có mức lương cơ bản hàng năm lên tới 235.200 đô la vào năm ngoái. Sau kỹ thuật, những người có kỹ năng dữ liệu và sản phẩm chuyên biệt được trả lương cao nhất.

Justin Nguyễn, đối tác tổng quát của Monk’s Hill Ventures, nói rằng vẫn có một khoảng cách khá lớn về cung và cầu. Ví dụ, tại Việt Nam, ước tính thiếu khoảng 100.000 kỹ sư mỗi năm.

Nhưng khi áp lực suy thoái kinh tế ngày càng tăng và triển vọng gây quỹ yếu hơn, các công ty khởi nghiệp cũng buộc phải trở nên chọn lọc hơn trong việc tuyển dụng, với nhiều khoản lương bị thắt chặt so với những năm trước khi nguồn vốn gọi được dồi dào hơn.

Báo cáo của Glints dự kiến mức tăng lương cho các vị trí công nghệ sẽ “chậm lại hoặc không thay đổi” trong năm nay. Glints cho biết tốc độ tăng lương tại Indonesia được ước tính là 10%, giảm từ mức tăng 25-40% trong vài năm qua. Tại Singapore và Việt Nam, mức tăng cao nhất có thể giảm một nửa còn lần lượt khoảng 15% và 10%.

“Đối với nhiều công ty mới thành lập, đây là thời điểm khủng hoảng. Các nhà sáng lập giờ đây cần phải làm nhiều hơn với ít chi phí hơn, trong khi vẫn tuân thủ kỷ luật vận hành và tập trung vào con đường dẫn đến lợi nhuận và dòng tiền dương”, báo cáo của Glints viết.

Để bổ sung cho điều này, nhiều startup mới thành lập đang phân chia cổ phần cho các thành viên, với 86% công ty được khảo sát xây dựng kế hoạch sở hữu cổ phần cho nhân viên (ESOP). Nhưng báo cáo cho biết điều này chỉ giới hạn ở một phần ba số người được hỏi, chủ yếu là các nhà quản lý và giám đốc điều hành cấp cao.

“Chúng ta vẫn còn ở giai đoạn đầu trong hệ sinh thái để ESOP trở thành một công cụ duy trì hiệu quả, vì vậy các nhóm ESOP khởi nghiệp ở Đông Nam Á nhỏ hơn so với ở các thị trường trưởng thành hơn như Mỹ và Trung Quốc,” Justin Nguyễn của Monk’s Hill nhận xét.

Xu hướng sa thải nhân sự công nghệ vẫn sẽ tiếp tục

Hầu hết các hãng công nghệ vẫn đang thua lỗ, và ngay cả những hãng dự kiến ​​sẽ hòa vốn cũng phải mất một hoặc hai năm nữa. Điều này có nghĩa rằng việc cắt giảm chi phí của startup công nghệ ASEAN sẽ tiếp tục.

Trong một cuộc gọi vốn cuối năm ngoái, giám đốc điều hành Yanjun Wang của tập đoàn Sea ở Singapore gọi việc cắt giảm nhân viên là một phần của “cuộc tập trận đang diễn ra”. Giám đốc tài chính Peter Oey của Grab cho biết quá trình cắt giảm chi phí là “một sáng kiến đang diễn ra mà ban lãnh đạo rất chú trọng”.

Khi lạm phát gia tăng tiếp tục đè nặng lên các nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến môi trường tài trợ yếu hơn, các nhà phân tích dự đoán xu hướng sa thải nhân viên công nghệ ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục kéo dài hết quí 2 này, ít nhất là vào thời điểm này. Họ nói mặc dù đây là “giai đoạn điều chỉnh”, nhưng Đông Nam Á được định vị để tận hưởng sự tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Chris Kaptein, đối tác điều hành của quỹ Integra Partners, cho rằng đây là cơ hội tốt. “Với một số công ty khởi nghiệp và mở rộng quy mô, giờ đây họ có nhiều cơ hội hơn để thu hút và giữ chân nhân tài. Mà những cơ hội này hoàn toàn không tồn tại trên thị trường trước khi cơn bão sa thải kéo đến cuối đến cuối năm ngoái”. 

Nhưng Carman Chan, người sáng lập và đối tác quản lý của quỹ mạo hiểm Click Ventures đặt trụ sở tại Singapore, kỳ vọng rằng việc tuyển dụng của các startup công nghệ sẽ tiếp tục trở nên “phi tập trung hơn” do văn hóa làm việc từ xa và xu hướng kinh tế tự do đang lên.

“Mức lương của nhân tài công nghệ có thể thấp hơn nhiều và nhiều người sẽ sẵn sàng đổ mồ hôi công sức để xây dựng nên một startup thành công”, bà Chan nhận định.

Ricky Hồ / BSA