Startup Nepal sản xuất gạch sinh thái, có khả năng chống chịu động đất

Build Up Nepal đào tạo các doanh nhân nông thôn sản xuất gạch sinh thái có khả năng giảm lượng khí thải, bớt ô nhiễm môi trường so với gạch nung thông thường. Ảnh: Build Up Nation

Sau trận động đất khủng khiếp năm 2015, một doanh nghiệp xã hội Nepal đã nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất loại gạch mới. So với gạch nung thông thường, gạch mới có giá thành rẻ hơn 40%, giảm khí phát thải 75% và có độ chống chịu tốt hơn trong động đất. Chính phủ Nepal cấp giấy chứng nhận nhằm sử dụng rộng rãi gạch bền vững trong xây dựng.  

Trận động đất tháng 4-2015 mạnh 7,8 độ Richter, khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng và phá hủy hơn 600.000 ngôi nhà ở Nepal. Nhiều ngôi làng nông thôn bị san phẳng hoàn toàn.Ngay sau đó Doanh nhân người Thụy Điển Bjorn Soderberg và Bina Shrestha, người vợ Nepal của ông, cùng thành lập Build Up Nepal (BUN) nhằm giúp đất nước này hồi sinh từ đống đổ nát.

Ban đầu, cặp đôi này tập trung vào hoạt động cứu trợ ngắn hạn: xây dựng nơi trú ẩn bằng tre và phân phối vật liệu. Nhưng khi quy mô của sự tàn phá trở nên rõ ràng, họ bắt đầu đào tạo dân làng xây dựng các công trình bền vững hơn. Tại ngôi làng Majhuwa ở phía đông Sindhupalchok, họ đã xây dựng 10 ngôi nhà bằng tre, nhưng người dân địa phương hy vọng được sống trong những ngôi nhà bằng gạch.

Gạch “sạch” và bền vững

Hai vợ chồng nhận ra ước muốn này, và các vấn đề liên quan đến gạch nung truyền thống. Lò nung gạch thường dùng than hoặc củi, gây ô nhiễm không khí. Các lò nung truyền thống tạo ra 37% lượng khí thải và là ngành gây ô nhiễm hàng đầu ở Nepal, theo nghiên cứu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB).  

Các lò gạch thường tập trung quanh Thung lũng Kathmandu, nơi trả lương công nhân rẻ mạt. Họ lên mạng và tìm thấy loại gạch “khối đất nén ổn định” (CSEB) do Viện Công nghệ châu Á tại Bangkok phát triển. Sau khi được đào tạo thực hành tại Viện Trái đất Auroville ở Ấn Độ, họ đã trở về và xây dựng ngôi nhà đầu tiên của Nepal bằng CSEB.

“Nhu cầu tái thiết rất lớn nhưng lại ít được tiếp cận với vật liệu chất lượng hoặc bí quyết kỹ thuật”, Soderberg cho biết. “Đồng thời, chúng tôi thấy thanh niên thất nghiệp di cư ra nước ngoài. Đó là điều chúng tôi muốn thay đổi”.

CSEB là loại gạch “sạch” hơn, rẻ hơn so với gạch thông thường 40%. Ít nhất có hai nghiên cứu ở Nepal chứng minh rằng gạch mới có khả năng chống động đất tốt hơn.

BUN sử dụng vật liệu địa phương, gồm 90% bụi đá và 10% xi măng, hoặc 60% cát, 30% đất và 10% xi măng – theo giám đốc quan hệ đối tác Shweta Sijapati. Trong quá trình xây dựng, hỗn hợp xi măng được đưa vào cùng với các thanh gia cố, vào các lỗ được tích hợp vào thiết kế gạch để tạo ra các cấu trúc chắc chắn hơn. BUN ước tính phương pháp của họ giúp giảm 75% lượng khí thải carbon.

BUN nói thành phần gốc bụi đá giúp giải quyết điểm yếu của CSEB – dễ thấm nước và trở nên mềm hơn khi ướt. BUN hiện đang hợp tác với Đại học Tribhuvan ở Kathmandu để thử nghiệm độ bền của CSEB bụi đá.

Năm 2017, chính phủ Nepal đã đưa những viên gạch này vào quy định xây dựng quốc gia, cấp phép chứng nhận chính thức. Nhưng vẫn tồn tại những lỗ hổng về quy định: Trong khi các hộ gia đình có thể sử dụng gạch, các tòa nhà công cộng lại đưa ra các thông số kỹ thuật đấu thầu bổ sung, thường ưu tiên các vật liệu thông thường.

“Những viên gạch này lý tưởng cho Nepal. Chúng tiết kiệm chi phí, chống chịu được thiên tai và có kỹ thuật vững chắc”, Minesh Gurung, một kỹ sư xây dựng có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro thiên tai cho biết. “Nhưng tư duy thì khó thay đổi. Nhiều người vẫn tin rằng gạch nung là tốt hơn”.

“Những khối đất nén ổn định” (CSEB) của Build Up Nepal sản xuất có khả năng chống chịu với động đất. Nhưng loại gạch này đối diện với thách thức lớn ở nông thôn Nepal do người dân vẫn chuộng gạch nung truyền thống. Ảnh: Build Up Nation

Tương lai của loại gạch mới

BUN bán máy móc nhỏ gọn và cung cấp đào tạo, giúp các doanh nhân địa phương sản xuất và tiếp thị gạch tại cộng đồng của họ. Mô hình này tạo ra việc làm ở các vùng nông thôn thường dựa vào vật liệu nhập khẩu hoặc nhà thầu đô thị. Tổ chức phi lợi nhuận này đã tạo ra 1.674 việc làm trên 70 quận thông qua hơn 200 doanh nghiệp.

Tại Kulekhani, ngoại ô Kathmandu, giáo viên Dadhi Raj Pudasaini đã thành lập một nhà máy gạch vào năm 2019. Ban đầu chỉ giới hạn sử dụng gạch để làm nhà vệ sinh và tường, ông đã phải vật lộn với sự hoài nghi của công chúng, nhưng một bước ngoặt đã đến khi chính quyền địa phương chấp thuận công nghệ này. Nhu cầu tăng vọt, cho phép ông mua thêm một chiếc máy nữa. Kể từ đó, ông đã xây dựng hơn 300 công trình và hiện đang sử dụng ba công nhân thời vụ giúp sản xuất khoảng 25.000 viên gạch mỗi chu kỳ sản xuất.

“Mọi người hiện đang đến yêu cầu gạch sinh thái. Họ đã nhìn thấy những ngôi nhà. Họ tin tưởng vào chất lượng”, ông nói

Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi vẫn còn khó khăn. Các CSEB vẫn phải đối mặt với những thách thức về nhận thức, đặc biệt là ở những cộng đồng mà gạch nung là hình ảnh của sức mạnh, độ bền. Soderberg cho biết, việc thay đổi niềm tin này cần có thời gian. “Chúng tôi liên tục phải chứng minh rằng những viên gạch này an toàn hơn, rẻ hơn và tốt hơn cho môi trường”.

Một trở ngại khác là vấn đề tài trợ. Sự hỗ trợ quốc tế sau trận động đất đã giúp BUN mở rộng quy mô nhanh chóng. Nhưng khi sự chú ý của toàn cầu chuyển sang những thách thức khác và việc cắt giảm viện trợ của chính phủ Mỹ, tổ chức này phải đối mặt với ngân sách eo hẹp hơn.

“Tài trợ đang giảm dần. Nhưng cốt lõi của mô hình của chúng tôi – doanh nhân thúc đẩy xây dựng tại địa phương – vẫn còn nguyên vẹn”, Soderberg nói.

Tháng 11-2023, một trận động đất mạnh 5,6 độ Richter đã tấn công miền tây Nepal, giết chết hơn 100 người và phá hủy hơn 26.000 ngôi nhà trên khắp Jajarkot và West Rukum. Mười sáu công trình được xây dựng bằng gạch của BUN vẫn còn nguyên vẹn. Khi quá trình tái thiết diễn ra nhanh hơn, tổ chức phi lợi nhuận này đang mở rộng, đào tạo các doanh nhân và thợ xây mới ở các quận bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng 10.000 ngôi nhà chỉ riêng ở Jajarkot. Con số đó gần bằng số lượng chúng tôi đã xây dựng trong thập kỷ qua”, Soderberg nói.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media