Tô súp ớt chuông nước cốt dừa cho một bữa tối.
Xuân này, còn thiếu 5 năm nữa là ớt chuông tròn 100 tuổi. Sinh nhật của nó lại nhằm ngày cá tháng tư. Cho đến nay nguồn gốc của ngày này chưa rõ ràng.

Nhiều người thiên về mẩu tin đăng trên tờ nhật báo The London Public Advertiser ra hôm 13/3 năm 1769: “Ngày 1/4 Nô-ê đã mắc phải sai lầm khi thả con chim bồ câu ra khỏi tàu: nước chưa rút. Và, cái mốc này được đánh dấu cho một khởi đầu sai lầm đáng ghi nhớ. Bất cứ ai quên, hãy trừng phạt họ bằng cách biểu họ làm một số việc tào lao xịt bụp tương tự như vụ thả chim của tổ phụ Nô-ê.” Tội nghiệp, không biết con chim sẽ đậu ở đâu? Chỉ biết là đến nay ta vẫn còn cháo bồ câu ra ràng nấu đậu xanh mà húp.

Trở lại với trái ớt chuông. Nó có nguồn gốc từ Trung Mỹ, Mexico và miền Bắc Nam Mỹ. Ớt chuông – một số người ở xứ ta cũng quen gọi là ớt Đà Lạt – là giống duy nhất của loài cây này không chứa capsaicin, chất tạo cay cho ớt. Màu của ớt chuông thay đổi từ xanh đến vàng, cam và đỏ bao lâu mà ta để cho chúng chín cây. Ớt xanh hơi nhẫn, ớt cam và vàng ngọt hơn và ngọt nhất là ớt đỏ. Chính danh ớt ngọt – tên gọi khác của nó. Các sản phẩm gần đây có thêm màu vàng nhạt ngả trắng, màu oải hương và tím đậm. Paul J. Hetzler, nhà giáo về cây trồng ở Canton, New York, cho rằng dù cho ngày nay ớt chuông đã thật phổ biến, nhưng ban đầu loài ớt làm sai lạc ca dao Việt Nam này – “ớt nào là ớt chẳng cay” – đã chẳng được châu Âu đếm xỉa gì tới.

Về mặt kỹ thuật ớt ngọt là một loại rau to, rỗng, có thịt dày, nhưng giống ban đầu được đặt tên là “chuông” vì một lý do thật chính đáng. Ớt có một vách khá cứng, dày và bên trong còn sót một miếng nhụy. Mảnh nhụy này là một phần của nhụy cái đầy đủ của ớt, phần ở ngoài cùng thường sản sinh mật hoa và/hoặc hương vị ngọt ngào để thu hút các loài thụ phấn.

Mảnh nhụy còn sót lại này va đập vào thành quả ớt chuông khi nó đung đưa trong gió. Kết quả, ớt ngọt là một cây trồng ồn ào muốn chết. Trên thực tế, khi có gió lớn, ớt chuông già sẽ khiến gia súc giật mình bỏ chạy và khiến dân làng thức giấc vào ban đêm. Vì vậy, trong hơn 400 năm ớt chuông chỉ được trồng để gây tò mò và chẳng hề được trồng rộng rãi vì tội ồn ào, “lắm mồm”…

Thật may mắn cho chúng ta, nhà nhân giống cây trồng tự học Gregor Carillon đã phát triển giống ớt chuông bị “buộc câm mồm” đầu tiên vào năm 1908. Và phần còn lại, như người ta nói, đã là lịch sử.

Nhưng trong món súp ớt chuông khi fusion theo khẩu vị “Tây kỳ”, sữa chua được thay bằng nước cốt dừa. Ớt chuông được chọn là ớt đỏ, tức là ớt chín, có độ ngọt tối đa, một trái to vừa, bỏ lõi và hạt cắt làm hai.

Dùng dầu ô-liu xào tỏi cho tới lúc thơm rồi thêm hành tây và xào cho đến lúc mềm.

Ớt chuông nướng bằng lửa lớn trong chảo nướng cho đến khi vỏ ớt nám đen. Bỏ vào hộp nhựa đậy kín và để nguội, gọt vỏ cắt nhỏ. Thêm khoai tây, cà chua xay nhuyễn, nước và 10g lá húng quế. Tất cả đem xay nhuyễn. Nêm muối, cho nước cốt dừa và khoảng 10 g lá húng quế. Tất cả trộn đều cho đến lúc ổn. Đổ súp vào nồi và nấu bằng lửa vừa sôi 3 phút.

Thế là bạn có một tô súp “nồng nặc” mùi miền Tây không viễn gì lắm so với Sài Gòn. Tô súp, tùy theo họng vị của người dùng, có thể cho từ 1/4 đến 1/3 lít nước, để có độ đặc hay loãng. Người châu Á vẫn thích loãng.

Mới nghe nói đến súp ớt ta có ngay cảm giác hăng nồng. Nhưng súp ớt chuông theo công thức này mùi vị ớt chuông chẳng còn xíu xiu nào. Như thể tiếng chuông văng vẳng trong gió tâm tưởng mà thôi. Hương nước cốt dừa và vị béo của nó và khoai tây lấn át một phần, hương húng quế đậm đà hơn.

Buổi tối, thay cho cơm, không có phở, tô súp ớt chuông này là thứ mỹ vị lâu lâu mới ra sức nấu nướng một bữa đủ để nuông chiều cái lưỡi.

Đặng Kính (theo TGHN)

(*) Tài liệu tham khảo: Paul J. Hetzler, The Bell Pepper Story: Too Much Clapping, Not Enough Applause. https://www.natureupnorth.org