Tài chính xanh và những tác động đến từ biến đổi khí hậu

Sáng nay 18/10, tại Khách sạn La Vela Saigon, Báo SGGP – Đầu tư Tài chính phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), tổ chức Hội thảo tài chính xanh với chủ đề: “Chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ những vấn đề liên quan đến tài chính xanh, nhất là đặt trong bối cảnh về những tác động của biến đổi khí hậu hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo TS. Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, cho rằng, nếu chuyển đổi số trụ cột là hạ tầng số, thì trụ cột chuyển đổi xanh là năng lượng xanh, ở đó cần phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, như điện sinh khối. Muốn có điều này, đầu tiên là chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi chức năng một số khu công nghiệp, khu chế xuất, nâng cấp công nghiệp truyền thống lên một tầm cao mới, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Lịch cũng đặt ra những vấn đề về làm sao mở rộng tín dụng xanh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và rất cần sự tham gia của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư… những tổ chức này cần có sự đa dạng hóa sản phẩm, tín dụng xanh không chỉ tài trợ cho điện gió, điện mặt trời, mà tín dụng phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh.
TS. Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội phát biểu tại sự kiện
Vậy tài chính xanh là gì? Đó có thể nói là các khoản đầu tư tài chính vào các dự án và giải pháp phát triển bền vững, khuyến khích phát triển một nền kinh tế bền vững. Điều này bao gồm các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả, nông nghiệp, sản suất bền vững và các dự án thân thiện với môi trường. Tài trợ xây dựng các trang trại gió hoặc nhà máy điện mặt trời là những ví dụ điển hình về tài chính xanh. Tại Việt nam, Chính phủ và các tổ chức tài chính đã và đang triển khai nhiều chương trình để thúc đẩy phát triển tài chính xanh”.
Ông Phương cũng cho rằng, bên cạnh ngân hàng, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, vì doanh nghiệp là những người trực tiếp dấn thân vao các dự án xanh. Họ đổi mới, triển khai các công nghệ và thực tế thực hành phát triển bền vững. Họ có khả năng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn tài trợ do các rủi ro được liên quan đến các dự án xanh. Đây là nơi sự hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp trở nên cần thiết.
Trong thực thi tài chính xanh, sự đồng hành, hợp tác và chia rẻ lợi ích- rủi ro giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cần thiết, vì 02 lý do sau:
Thứ nhất, rủi ro môi trường là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng quan trọng. Các dự án xanh có thể thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài và rủi ro cao. Nếu chỉ một mình doanh nghiệp gánh vác, rất khó để có thể duy trì và tiến tới phát triển bền vững.
Thứ hai, ngân hàng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi cung cấp vốn vay cho các dự án xanh, ngân hàng cũng cùng lúc đối mặt với rủi ro môi trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro pháp lý. Do đó, việc đồng hành chia sẻ lợi ích- rủi ro là cần thiết để đảm bảo sự bền vững ng tính hệ thống.
Tuy nhiên chúng ta còn đó những thách thức phải vượt qua, như: Thiếu thông tin và dữ liệu; Năng lực quản lý rủi ro; Khung pháp lý chưa hoàn thiện…
Nhà báo Nguyễn Nhật – Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết: “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn mới: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu của chiến lược bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”.
Tài chính xanh trong vấn đề về biến đổi khí hậu
Trong bài tham luận của mình, TS. Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh, khẳng định, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rõ ràng của thời đại. Mới đây, những hậu quả có thể quan sát với môi trường, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, giá cà phê đã tăng mạnh ở châu Âu do hậu quả của mất mùa. Siêu bão Yagi hay Milton đã gây ra hậu quả rất nặng nề và gây ra rủi ro cho ngành bảo hiểm. Bởi những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… của doanh nghiệp bị tàn phá.
Hồ Quốc Tuấn cho hay, tới đây, Liên minh châu Âu (EU) sẽ yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó tác động đến bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Thực tế ngân hàng không cho vay tài chính xanh vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, khẳng định: “Mô hình kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đơn giản là bắt tay với các đối tác ngoại, và cần nhất là doanh nghiệp phải tầm nhìn dài hạn từ 10-20 năm. Bởi trong ngắn hạn, dự án có thể không có lãi, nhưng hiệu quả trong dài hạn là rất lớn”.
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết thêm, Hùng Nhơn sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống trong các dự án của mình.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2023, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 2% tổng GDP. Trong đó 83% đến từ các ngành: lĩnh vực năng lượng, hoạt động nông – lâm nghiệp, hoạt động công nghiệp. 17% còn lại đến từ các ngành giao thông vận tải, xử lý chất thải và xây dựng. Còn theo Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13/43 quốc gia châu Á về Chỉ số tăng trưởng xanh vào năm 2022. Trong đó, giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, tương đương 31% tổng nguồn vốn đầu tư. Đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động các nguồn vốn từ thị trường phi tín dụng, nhưng nhìn chung tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Tính đến 30-6, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh.
TS. Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh trình bày về những tác động của biến đổi khí hậu đối với tài chính xanh
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến tài chính xanh tham dự sự kiện
Bài, ảnh: Trần Quỳnh