Tập đoàn y tế IHH Healthcare của Malaysia đã chi hơn 3,9 tỉ ringgit (920 triệu đô la) để mua lại bệnh viện Island Hospital tại Penang với 600 giường từ Affinity Equity Partners. Penang được xem “thủ phủ mới” của du lịch y tế ở Đông Nam Á, thách thức hai gã khổng lồ Singapore và Thái Lan.
Hợp đồng này cũng phá vỡ kỷ lục hợp đồng thu mua lớn nhất trong lĩnh vực y tế mà Thomas Medical Group của Singapore lập hồi đầu năm khi bỏ ra hơn 380 triệu đô la mua lại Bệnh viện FV Việt Nam.
Củng cố vị trí hàng đầu châu Á
Thương vụ này giúp IHH củng cố vị trí là một trong những tập đoàn bệnh viện tư nhân lớn nhất châu Á, với hơn 80 bệnh viện tại 10 quốc gia. IHH nói rằng thị trường Việt Nam, Singapore và Indonesia là ba thị trường mà IHH quan tâm.
“Bệnh viện Island là cơ hội chuyển đổi cho chúng tôi tại Malaysia. Island cho phép chúng tôi mở rộng vị thế dẫn đầu trong du lịch y tế tại Penang và Malaysia. Bệnh viện có tiềm năng tạo ra giá trị hơn nữa thông qua nguồn đất dự trữ còn lớn”.
Du lịch Penang nối tiếng với thành phố di sản thế giới George Town. Penang cũng là một trong những điểm đến nổi tiếng về du lịch y tế, với lượng khách đến từ đất nước Indonesia láng giềng chiếm tỷ lệ lớn. Theo Trung tâm Du lịch Y tế Penang, 214.100 bệnh nhân nước ngoài đã đến Penang trong nửa đầu năm 2024, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Bệnh viện Island tiếp nhận khoảng một phần ba tổng số bệnh nhân nước ngoài đến Malaysia, IHH cho biết trong thông cáo báo chí. Năm 2023, bệnh viện đã công bố doanh thu tăng 50% lên 574 triệu ringgit, trong khi lợi nhuận ròng tăng vọt 154% lên 73 triệu ringgit, theo hãng chứng khoán CIMB Securities của Malaysia.
Bệnh viện Island bổ sung thêm dấu ấn hiện có của IHH tại Penang, nơi bệnh viện đã điều hành các bệnh viện dưới các thương hiệu Gleneagles và Pantai. Thương vụ mua Island giúp nâng tổng công suất giường bệnh của IHH tại Penang vượt hơn 1.000. Island có kế hoạch bổ sung thêm 400 giường trong dự án mở rộng trên khu đất liền kề có giá trị 233 triệu ringgit, tăng công suất lên 67%.
“Bệnh viện Island là bệnh viện lớn thứ hai tại Penang và có chỗ đứng vững chắc trong phân khúc du lịch y tế có lợi nhuận cao, trong đó 60% doanh thu đến từ bệnh nhân nước ngoài, so với 20-30% của Bệnh viện Gleneagles Penang của IHH”, báo cáo CIMB viết.
Yennie Tan, đối tác và người phụ trách mảng chăm sóc sức khỏe tại hãng kiểm toán PwC Malaysia, nói rằng ngành y tế Malaysia đang ngày càng khẳng định vị thế của mình là một trong những điểm đến chăm sóc sức khỏe tốt nhất ở Đông Nam Á nhưng với giá cả rất cạnh tranh. Bà Tan cũng dự báo sẽ có thêm nhiều vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực y tế trong thời gian tới.
Thành lập năm 1974, IHH ban đầu được quỹ đầu tư quốc Khazanah Nasional của Malaysia châm vốn, như một phần trong nỗ lực của Malaysia trong việc phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. IHH lên sàn chứng khoán Malaysia và Singapore vào năm 2012. Ngày nay, hãng thương mại Mitsui & Co. của Nhật Bản nắm giữ 32,8% cổ phần IHH, Khazanah vẫn giữ 26% cổ phần.
Trước đó, IHH đã tuyên bố sẽ bổ sung gần 4.000 giường, tương đương hơn 30% công suất của mình, trên toàn cầu trong năm năm cho đến năm 2028, bao gồm 1.300 giường tại Malaysia.
Đối thủ cạnh tranh địa phương của IHH là KPJ Healthcare, có mạng lưới 28 bệnh viện trên toàn quốc. KPJ cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch y tế, theo New Straits Times.
Đẩy mạnh xâm nhập thị trường y tế Việt Nam
Theo hãng dự báo Economist Intelligence Unit (EIU), chi phí chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt 18,5 tỉ đô la trong năm 2022, chiếm 4,6% GDP. Năm 2025, quy mô chi tiêu đạt 26 tỉ đô la, chiếm 5,8% GDP. Đây là thị trường màu mỡ mà các nhà đầu tư nước ngoài khao khát.
Tập đoàn y tế hàng đầu của Malaysia đang đẩy nhanh tốc độ thâu tóm các bệnh viện trong khu vực trong nhiều năm qua.
CEO Pandit nói rằng IHH vẫn mở rộng sang các thị trường mới như Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “sự liên kết chiến lược, tiềm năng thị trường và khuôn khổ pháp lý” sẽ là những yếu tố chính trong bất kỳ quyết định nào.
Tại Việt Nam, công ty con IHH Singapore năm ngoái đã ký biên bản ghi nhớ với FPT Long Châu để phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của IHH đã vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A.
“Chúng tôi tất nhiên sẽ phải xem xét thị trường Việt Nam. Các tiêu chí giữa các thị trường không có nhiều khác biệt, đó là đáp ứng đủ đội ngũ bác sĩ và y tá giỏi, khả năng tiếp cận thiết bị và thuốc men…”, Peter Chow, quyền CEO IHH Healthcare Singpore phát biểu vào thời điểm đó.
Tháng 10-2023, tập đoàn y tế Raffles của Singapore mua lại phần lớn cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại An Phú, Thủ Đức. Thành lập năm 2018, AIH có 120 giường bệnh, 5 phòng phẫu thuật, 500 nhân viên, đã bao gồm 60 bác sĩ. Trước đó, bệnh việc này được ước tính có giá hơn 45 triệu đô la.
Tháng 1-2024, Thomson Medical Group của Singapore mua lại Bệnh viện FV và chuỗi phòng khám tổng quát và chuyên sâu với giá hơn 381 triệu đô la (hơn 9.000 tỉ đồng). FV có hơn 220 giường bệnh, 1.600 nhân viên trong đó có khoảng 200 bác sĩ. Vào thời điểm này, đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam và Đông Nam Á kể từ năm 2020. Nhưng nay, thương vụ IHH mua lại Island lớn gấp 2,5 lần.
Theo Nikkei Asia, BSA Media
Ricky Hồ / BSA Media
Trung Quốc đang kiểm soát chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo thế giới