Thái Lan kêu gọi nâng cao sản lượng, chất lượng sầu riêng để đứng đầu thế giới

147
Người bán hàng sắp xếp sầu riêng cho tiệc buffet sầu riêng và các món chế biến từ sầu riêng tại chợ Si Mum Muang ở tỉnh Pathum Thani tháng 5-2022. Khách hàng đã trả 339 baht/người cho bữa tiệc kéo dài một giờ. Ảnh: Bangkok Post

Một báo cáo của Ngân hàng Thái Lan đã kêu gọi nông dân Thái cần cải thiện sản lượng sầu riêng để tiếp tục là nước xuất khẩu hàng đầu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn với các nước láng giếng trong năm năm tới.

Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu sang Trung Quốc với mức tăng trưởng đáng kể trong năm năm qua. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan là 124 tỷ baht, tăng 40% so với năm 2018.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thái Lan (BoT), trong giai đoạn 2015-2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng của nước này trung bình là 22%. Khi sầu riêng trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng Trung Quốc, giá sầu riêng Thái Lan đã tăng lên 111 baht/kg trong vòng 10 năm qua, tăng từ mức 33 baht.

Diện tích trồng sầu riêng của đất nước cũng đã mở rộng đáng kể trên toàn quốc.

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi với trọng lượng 824.855 tấn, chiếm 80% lượng tiêu thụ của thế giới, tiếp theo là Hồng Kông 13%, Singapore 2% và 5% đối với các nước khác.

Trung Quốc nhập khẩu 95% sầu riêng tươi từ Thái Lan, 5% từ Việt Nam.

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Năm 2021, mức tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc là 3,09 kg mỗi người mỗi năm, chủ yếu là các thành phố loại 1 và mới nâng cấp lên loại 1 tại Trung Quốc.

Báo cáo của ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết: “Trong năm năm tới, mức tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 1 kg mỗi người một năm. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc thêm hơn 1 triệu tấn”.

Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan trong một thời gian dài, sau đó cấp phép cho Việt Nam vào tháng 7-2022 và Philippines vào tháng 1-2023. Một số quốc gia ASEAN đang chờ phê duyệt xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, bao gồm Lào, Malaysia và Campuchia.

Ngoài ra, Trung Quốc đang cố gắng tự trồng sầu riêng.

Báo cáo cho biết trong bối cảnh này, nguồn cung sầu riêng tươi dự kiến sẽ tăng đáng kể trong vòng năm năm, có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tại thị trường Trung Quốc.

Thái Lan có thể phải đối mặt với cạnh tranh xuất khẩu cao hơn, đặc biệt là từ Việt Nam.

Theo BoT, Việt Nam đã và đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng và tăng sản lượng.

Hơn nữa, Việt Nam và Thái Lan cạnh tranh bằng cách cung cấp giống sầu riêng “Monthong” và có cùng mùa thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9.

Theo báo cáo, Việt Nam có hai lợi thế cạnh tranh đối với các chuyến hàng sầu riêng tươi sang Trung Quốc so với Thái Lan: giá thấp hơn và vận chuyển nhanh hơn.

Báo cáo cho biết Thái Lan nên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là các thành phố hạng hai của Trung Quốc và các nước khác, cũng như áp dụng công nghệ mới để cải thiện năng suất và phát triển hệ thống hậu cần.

Báo cáo cho biết những cải tiến này sẽ giúp Thái Lan duy trì vị thế là nhà xuất khẩu sầu riêng hàng đầu trong tương lai dài hạn.

Ricky Hồ / BSA