Thăm ‘Nữ hoàng linh trưởng’ trên bán đảo Sơn Trà

(Vietnamtimes)- Voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Với bộ lông đặc trưng 5 màu nổi bật, loài ngũ sắc này được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.

Trên thế giới, voọc là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn dưới 2.000 cá thể, trong đó Việt Nam chiếm 50% và tập trung nhiều ở bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. Tại đây, loài Voọc có khoảng 300 cá thể, chúng sống theo gia đình, trung bình từ 5 – 7 thành viên.

Phóng sự ảnh của Nguyễn Đăng Đệ:


Sự sống của “báu vật Sơn Trà” vừa qua bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự tấn công của các hoạt động du lịch không thân thiện, chặt phá rừng, đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng, mua bán nhà đất, các công trình lấn sông, lấn biển không ngơi nghỉ của con người. Với ba mặt tiếp giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại đã bị thu hẹp tới 41% diện tích (theo quy hoạch) so với thời điểm được công nhận là rừng cấm quốc gia năm 1977.  Ánh mắt cầu cứu của những “nữ hoàng ngũ sắc” ở đây có lẽ cũng “đau thương” như những tiếng kêu thất thanh của các loài vật khác giữa những cánh rừng già.
Theo một nhà nghiện cứu, một gia đình voọc gồm 5 con. Khoảng 6h sáng, chúng thức dậy và đi ăn, thức ăn của chúng là quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác tại bán đảo Sơn Trà. Khoảng 11h, voọc đi ngủ và đến 15h, trời mát chúng đi ăn lại.

Ở Sơn Trà, voọc chà vá chân nâu tồn tại lâu nay nhờ “tổng hòa của hệ sinh thái” với thức ăn chính là lá của các loài thực vật: đa, chò, dẻ, trâm trắng… Do đó, việc xây dựng các khu du lịch và mở đường giao thông đang cô lập chúng.

Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Voọc ngũ sắc) được xếp vào danh mục nhóm IIB mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam, thuộc các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà – Đà Nẵng được phát hiện từ năm 1969. Đến nay đã có ít nhất 5 đoàn nghiên cứu khảo sát thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến Sơn Trà, vì vậy hình ảnh loài Vọoc chà vá chân nâu tại đây đã được thế giới biết đến.

Theo số liệu theo dõi của Tổ chức bảo tồn Vọoc chà vá quốc tế, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định, tuy nhiên việc tác động của con khiến môi trường trường sống của chúng bị đe doạ nghiêm trọng.

Voọc chà vá chân nâu sống trong rừng nguyên sinh trên núi cao, kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng hỗn giao, nương rẫy. Voọc thường ăn ở theo từng gia đình.

Voọc chà vá chân nâu phân bố chủ yếu ở tầng tán, tầng ưu thế và đôi khi xuất hiện ở tầng cây bụi. Do vậy, việc chặt phá cây rừng ở các khu vực có phân bố Voọc đều tác động nghiêm trọng đến chúng. Khi chặt phá rừng, phạm vi phân bố của loài voọc bị thu hẹp, cùng với nguồn thức ăn cạn kiệt, làm tăng sự cạnh tranh về nhu cầu ăn. Cùng với đó là việc chia cắt sinh cảnh sống của loài voọc do các hoạt động phát triển ở phía Bãi Bắc và Bãi Nam bán đảo Sơn Trà. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tuyệt chủng trong tương lai do giao phối cận loài và các yếu tố tác động khác.

Nguyễn Đăng Đệ