Giá vàng nhẫn tăng cùng giá vàng thế giới: Lúc 9 giờ ngày 29/7, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng SJC niêm yết mua vào ở mức 77,5 triệu đồng, bán ra tại 79,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục ổn định trong những ngày qua. Đây cũng là mức giá bán vàng miếng SJC của các ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.
Trong khi đó, Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại ở mức 75,55 triệu đồng mua vào, 77,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng so với hôm qua.
Một số doanh nghiệp khác như PNJ, Bảo Tín Minh Châu bán ra vàng nhẫn ở mức cao hơn, khoảng 77,08 triệu đồng/lượng. Nếu so với mức thấp nhất của vàng nhẫn vào tuần trước, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng thêm khoảng 350.000 đồng.
Trên thị trường quốc tế, đến khoảng 9 giờ, theo giờ Việt Nam, kim loại quý trên sàn quốc tế ở mức 2.393 USD/ounce, tăng khoảng 6 USD mỗi ounce so với giá đóng cửa cuối tuần.
CPI bình quân 7 tháng tăng 4,12%: CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng 6 và tăng 1,89% so tháng 12/2023, tăng 4,36% với cùng kỳ năm trước. Theo đó, CPI bình quân bảy tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,73%.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, đóng góp trong CPI tháng 7, khu vực thành thị tăng 0,43% khu vực nông thôn tăng 0,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính trên cả nước, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá và nhóm bưu chính-viễn thông không đổi so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,26% so với tháng 6. Trong số đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,31%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25%; tuy nhiên nhóm lương thực giảm nhẹ 0,03%.
Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI song thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tín dụng tăng tốc: Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Trong khi đến cuối tháng 5/2024, mức tăng mới là 2,41%. Và chỉ riêng tháng 6/2024, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng này đã đạt kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng là đến hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5%-6%.
NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng tháng 6/2024 tại TP.HCM tăng 2,03% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, tín dụng tăng tốc trong tháng 6 chủ yếu chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm.
Việt Nam xuất siêu hơn 14 tỷ USD sau 7 tháng: Tổng cục Thống kê vừa có số liệu mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá trong tháng 7 và 7 tháng năm 2024.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.
Trong 7 tháng, mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh về kim ngạch như: điện tử máy tính và linh kiện tăng 30% so với cùng kỳ; gỗ và sản phẩm gỗ tăng hơn 23%; giày dép tăng hơn 10%; sắt thép tăng 9,8%. Về cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng, ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm 2023 xuất siêu 16,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Hãng tàu Đức mua 2.000 container ‘Made in Vietnam’: Bà Andrea Schöning, giám đốc điều hành Container hãng tàu Hapag-Lloyd đã ký hợp đồng mua 2.000 vỏ container 20DC cho Hapag-Lloyd do Công ty CP sản xuất container Hòa Phát, vào ngày 29/7.
Lô hàng này thiết kế theo tiêu chuẩn của hãng tàu đặt ra, tính năng tiên tiến, khung gầm được gia cố để chuyên chở hàng hóa trọng lượng lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường vận tải biển. Mỗi container đều được kiểm tra bởi các kiểm định viên do Hapag-Lloyd chỉ định và một tổ chức phân loại được công nhận.
Các vỏ container được sản xuất tại nhà máy container Hòa Phát tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự kiến, Hoà Phát sẽ nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 vào thời điểm thích hợp để đạt tổng công suất 500.000 TEU/năm.
Hapag-Lloyd là công ty vận tải container lớn nhất nước Đức và thuộc Top 5 công ty vận tải container thế giới.
Bộ Công Thương điều tra chống phá giá với thép nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc: Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1985 về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Quyết định do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ký ngày 26/7. Theo đó, các sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được phân loại theo các mã HS là 7208.25.00, 7208.26.00, 7208.27.19, 7208.27.99, 7208.36.00, 7208.37.00, 7208.38.00, 7208.39.20, 7208.39.40, 7208.39.90, 7208.51.00, 7208.52.00, 7208.53.00, 7208.54.90, 7208.90.90, 7211.14.15, 7211.14.16, 7211.14.19, 7211.19.13, 7211.19.19, 7211.90.12, 7211.90.19, 7224.30.90, 7225.99.90, 7226.91.10, 7226.91.90, 7226.99.19, 7226.99.99 (mã vụ việc AD20).
Theo quyết định này, trình tự và thủ tục điều tra thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày ký là 26/7.
Malaysia nộp đơn xin gia nhập BRICS: Tờ The Star (Malaysia) đưa tin hôm 28/7, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim đã nộp đơn xin gia nhập nhóm nước mới nổi BRICS.
Trong thông báo của văn phòng thủ tướng, nguyện vọng gia nhập BRICS của Malaysia là chủ đề chính cuộc thảo luận của ông Anwar với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov có chuyến thăm Malaysia trong hai ngày 27 và 28/7.
Trước đó, ngày 18/6, Malaysia xác nhận có kế hoạch gia nhập BRICS. Ông Anwar đánh giá tổ chức quốc tế này có “ý nghĩa chiến lược” với Malaysia, đồng thời nhận định vị trí địa lý của nước mình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khối.
BRICS thành lập năm 2009, với thành viên ban đầu là các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập năm 2010. Đến nay, nhóm này được mở rộng, gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE. Tổ chức này đóng góp khoảng 25% GDP, 40% dân số và 20% thương mại toàn cầu.
Apple rớt khỏi Top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở Trung Quốc: Báo Donga Ilbo ngày 26/7 đưa tin nhu cầu iPhone do Apple sản xuất đang chậm lại ở Trung Quốc và Apple lần đầu tiên không còn nằm trong Top 5 thương hiệu smartphone có thị phần lớn nhất.
Apple từng giữ vị trí số một trên thị trường smartphone Trung Quốc trong nhiều năm. Dẫn nguồn tin từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết doanh số iPhone của Apple ở thị trường Trung Quốc trong quý II đạt khoảng 9,7 triệu chiếc, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, thị phần ở Trung Quốc của Apple tiếp tục giảm tới 14% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả là thứ hạng thị phần của Apple tại Trung Quốc đã giảm từ vị trí thứ 3 xuống thứ 6. Đây là lần đầu tiên Apple rớt khỏi Top 5.
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân là do người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm sử dụng iPhone của Apple kể từ cuộc đua công nghệ Mỹ-Trung gia tăng trong khi năng lực công nghệ của các công ty Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể.