Thị trường 24/7: Giá gạo Việt Nam trở lại ‘đỉnh bảng’; Thái Lan cũng ‘đau đầu’ với hàng giá rẻ nước ngoài trên chợ mạng

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3 đạt 214.670 tấn, trị giá 117,58 triệu USD

VN-Index chật vật giữ mốc 1.230 điểm: Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 14/8 tiếp tục giằng co nhưng chốt phiên, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.230 điểm. Dù VN-Index chỉ giảm chưa đến 1 điểm nhưng cổ phiếu giảm áp đảo cổ phiếu tăng.

Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,06 điểm còn 1.230,36 điểm với 243 mã giảm, 163 mã tăng và 78 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 0,50 điểm (0,22%) còn 229,68 điểm với 94 mã giảm, 61 mã tăng và 51 mã đứng giá. Thanh khoản thấp, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE khoảng 13 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với phiên trước.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 4 liên tục trên sàn HOSE với tổng giá trị mua ròng tăng mạnh, gần 664 tỷ đồng. TOP 3 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất là KDC gần 461 tỷ đồng, MSN gần 219 tỷ đồng và HDB gần 198 tỷ đồng.

Tín dụng tháng 7 tại TP.HCM giảm nhẹ: Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 7, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,68 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước song tăng 3,9% so với cuối năm trước.

Tín dụng tháng 7 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt những nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực – yếu tố môi trường quan trọng để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 7 tăng 11,47% so với cùng kỳ. Tỷ lệ này cùng kỳ năm 2023 là 5,34%; năm 2022 là 16,8%; năm 2021 là 13,1% và năm 2020 là 9,1%.

J.P.Morgan sở hữu trên 1% vốn MB: Ngân hàng TMCP Quân đội – MB (HoSE: MBB) – vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7.

So với danh sách công bố tại thời điểm ngày 15/7, nhà băng này đã ghi nhận thêm 2 cổ đông mới là J.P.Morgan Securities và Nordea 1, SICAV. Hai cổ đông này sở hữu tổng cộng 133 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 2,53% vốn điều lệ ngân hàng.

Cụ thể, J.P.Morgan Securities nắm hơn 79 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 1,5% vốn và không có người liên quan sở hữu cổ phiếu MBB. Trong khi, Nordea 1, SICAV sở hữu hơn 54 triệu cổ phiếu MBB, tỷ lệ sở hữu 1,03% và cũng không có người liên quan sở hữu cổ phiếu MBB.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam trở lại ‘đỉnh bảng’: Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 4 USD, xuống còn 561 USD/tấn, Pakistan giảm 7 USD xuống 548 USD/tấn; còn gạo Việt Nam tăng 8 USD lên mức 570 USD/tấn. Như vậy, giá gạo Việt Nam đã trở lại đỉnh sau 6 tháng mất “ngôi vương” vào tay 2 đối thủ chính là Thái Lan và Pakistan từ cuối tháng 2/2024.

Theo một số doanh nghiệp, giá lúa gạo Việt Nam tăng trở lại là do nhu cầu thế giới đặc biệt là các thị trường truyền thống tăng mạnh. Riêng 2 thị trường Philippines và Indonesia ước tính nhu cầu tăng thêm hơn 1 triệu tấn trong năm 2024 so với dự báo đưa ra từ đầu năm. Đây là con số rất lớn so với khả năng đáp ứng của Việt Nam và cả Thái Lan. 

Đầu tuần này, giá gạo nội địa tại các tỉnh ĐBSCL tăng bình quân từ 300 – 800 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá một số mặt hàng phổ biến như lúa IR 50404 từ 7.500 – 7.600 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 từ 7.900 – 8.300 đồng/kg, OM 5451 từ 7.800 – 8.200 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 – 8.000 đồng/kg…

Từ 1/10, ngừng giao dịch chứng khoán online nếu không cập nhật CCCD: Nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới khách hàng việc cập nhật căn cước công dân mới nhất, đảm bảo thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông báo yêu cầu nhà đầu tư cập nhật thông tin căn cước công dân được một loạt công ty chứng khoán gửi tới các nhà đầu tư. Việc cập nhật này được thực hiện theo đề án 06/CP và công văn của Ủy ban Chứng khoán về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán VPS (VPS) đề nghị khách hàng cập nhật các thông tin trên theo căn cước công dân hoặc căn cước còn hiệu lực và mới nhất. Theo VPS, việc cập nhật này đảm bảo thông tin đăng ký tại công ty chứng khoán trùng khớp với các thông tin đã đăng ký tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành cần diễn ra trước ngày 1/10 tới.

Thái Lan tìm cách ngăn hàng giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh TMĐT: Hôm 13/8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin chỉ đạo Bộ Thương mại đẩy nhanh các biện pháp giải quyết tình trạng hàng giá rẻ nước ngoài tràn vào nước này, nhất là trên thương mại điện tử.

Bộ Thương mại sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số, Công nghiệp, Bộ Y tế Công cộng và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để ngăn chặn hàng nhập khẩu đáng ngờ, bao gồm kiểm tra chặt chẽ hơn đối với giấy phép và đăng ký, thanh toán và kiểm soát chất lượng.

Chính phủ không đề cập trực tiếp đến hàng xuất xứ nước nào nhưng các tổ chức gồm Phòng Thương mại Thái Lan và Thai Industries cho biết các nhà sản xuất nội địa đang phải vật lộn với sự cạnh tranh của hàng giá rẻ nước ngoài. Tờ Bangkok Post chỉ ra các động thái của chính phủ là nhằm giải quyết tình trạng hàng giá rẻ tràn vào. Trong khi, tờ Thansettakij nói nước này đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với hơn 3.500 nhà máy đóng cửa trong 3,5 năm qua.

Tháp gió Việt Nam xuất qua Mỹ có thể chịu thuế CBPG đến 60%: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 12/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với tháp gió có mã HS: 7308.20.0020 và 8502.31.0000 nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại kết luận này, DOC cho rằng việc ngừng áp thuế CBPG đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ phá giá bình quân gia quyền lên đến 58,24%.

Các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế CBPG 58,24%. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ kịp thời.

Người Trung Quốc thắt hầu bao: Theo The Economist, món nước chanh Mixue đã “thành công rực rỡ” khi các đợt nắng nóng càn quét qua Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên, bí quyết đằng sau không phải vì vị chua, sảng khoái mà bởi giá chỉ 3,6 nhân dân tệ (0,5 USD), so với 15 nhân dân tệ cho một ly trà sữa.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, nhiều blogger suy đoán rằng nước chanh Mixue phổ biến phản ánh tâm lý tiêu dùng kém và xu hướng thắt chặt chi tiêu, chuyển từ hàng hóa, dịch vụ đắt tiền sang bình dân hơn.

Reuters đánh giá, người tiêu dùng thậm chí không mấy mặn mà với các chương trình khuyến mại, ưu đãi mà các nhãn hàng tung ra vì bất ổn việc làm, suy thoái nhà ở kéo dài. Doanh số bán ôtô, thành phần lớn nhất trong doanh số bán lẻ Trung Quốc, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7, bất chấp chương trình thu cũ đổi mới quốc gia và các nới lỏng trong chính sách cho vay mua xe hơi.