Vàng nhẫn tăng lên mức gần 95 triệu một lượng: 10h ngày 13/3, vàng nhẫn được các thương hiệu nâng lên mức giá kỷ lục, có nơi gần 95 triệu một lượng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), mỗi lượng vàng nhẫn tăng gần 1 triệu đồng, lên 92,8 – 94,3 triệu. Tương tự, PNJ nâng giá mua bán nhẫn trơn ở mức 93 – 94,5 triệu đồng. Còn tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn trơn tăng lên 93,3 – 94,9 triệu đồng một lượng.
Vàng miếng cũng tăng với biên độ tương ứng và lên mức cao nhất từ trước đến nay. So với đầu năm, mỗi lượng vàng loại này cao hơn gần 10 triệu đồng, tương đương đắt thêm gần 11%. Cụ thể, SJC niêm yết giá vàng miếng tại 92,9 – 94,4 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng ở chiều mua vào và 900.000 đồng bán ra so với hôm qua.
Trên thị trường quốc tế, vàng giao ngay lên gần vùng đỉnh lịch sử, hiện giao dịch quanh 2.944 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 91 triệu đồng một lượng.
VN-Index điều chỉnh, khối ngoại tranh thủ gom hàng: Đúng như dự báo của giới phân tích, VN Index quay đầu giảm sau chuỗi 5 phiên tăng. Tuy nhiên, việc chỉ số điều chỉnh lại là cơ hội cho nhà đầu tư ngoại gom hàng.
Tín hiệu điều chỉnh xuất hiện từ phiên sáng khi lệnh bán được bên nắm giữ đẩy lên bảng điện ngay từ đợt khớp lệnh ATO. Phía bên kia bảng điện, bên mua tỏ ra “dè dặt” khi đặt lệnh với kỳ vọng thị trường điều chỉnh mạnh hơn. VN-Index chỉ thật sự giảm sâu ở phiên chiều khi nguồn cung giá rẻ bắt đầu xuất hiện đột biến phiên chiều. Áp lực cung khiến cho chỉ số đóng cửa phiên 13/3 với hơn 8 điểm giảm, xuống còn 1.326,2 điểm.
Sắc đỏ phủ kín bảng điện HoSE với 366 mã giảm, trong khi số mã tăng và đứng giá chỉ có 121 mã và 55 mã. Số mã giảm cũng chiếm đáng kể bên rổ VN30 với 19 mã, so với 9 mã tăng và 2 mã đi ngang. Áp lực bán tháo trong những phút cuối giúp thanh khoản được cải thiện với hơn 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt gần 24.500 tỷ đồng.
Shopee, TikTok Shop tăng phí: Tuần qua, Shopee, TikTok Shop thông báo áp dụng tăng phí sàn với các nhà bán hàng kể từ 1/4. TikTok Shop gọi là “phí hoa hồng”, tăng từ 1-3% lên 1-4% với gian hàng thông thường (shop thường) và 1-5,78% lên 1,21-7,7% với gian hàng chính hãng (shop mall).
Trong khi đó, các điều chỉnh của Shopee áp dụng với shop thường, với phí sàn tối đa – gọi là phí cố định – từ 4% lên mức cao nhất 10%. Hầu hết ngành hàng hiện chịu phí 3-4% sẽ thành 7-9% từ tháng sau. Ngoài ra, Shopee còn ngừng cung cấp miễn phí một số gói hỗ trợ nhà bán khác liên quan, thu phí cố định vận chuyển trả hàng.
Ước tính có gần nửa triệu shop chịu ảnh hưởng trong đợt tăng phí sàn của Shopee, TikTok Shop. Theo thống kê của hãng dữ liệu thương mại điện tử Metric đến cuối năm 2024, có hơn 276.000 shop thường hoạt động trên Shopee, trong khi TikTok Shop có tổng cộng hơn 204.000 gian hàng, gồm thường và mall.
Giá xăng dầu giảm lần thứ ba liên tiếp: Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa quyết định giá bán lẻ xăng dầu từ 15h chiều nay 13/3. Như vậy đây là lần thứ ba liên tiếp, giá xăng và dầu tiếp tục cùng giảm kể từ đầu năm 2025 đến nay.
Theo đó, giá xăng E5RON92: không cao hơn 19.281 đồng/lít (giảm 680 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 368 đồng/lít; giá xăng RON95-III: không cao hơn 19.649 đồng/lít (giảm 753 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); giá dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 17.898 đồng/lít (giảm 435 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); giá dầu hỏa: không cao hơn 18.090 đồng/lít (giảm 483 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); giá dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 16.995 đồng/kg (giảm 155 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Ở kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sẽ tăng xuất khẩu gạo gần 8 lần: Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sẽ tăng xuất khẩu gạo gần 8 lần, lên 350.000 tấn với tổng trị giá 92,2 tỷ yen (khoảng 623 triệu USD) trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030.
Kế hoạch này được trình bày tại cuộc họp của đảng Dân chủ tự do cầm quyền ngày 12/3, theo đó Nhật Bản sẽ cải thiện mạnh sản lượng gạo để vừa đạt được mục tiêu tăng xuất khẩu, vừa bảo đảm đủ nguồn cung trong nước.
Theo dự thảo kế hoạch nông nghiệp trung và dài hạn, Chính phủ Nhật Bản duy trì mục tiêu sẽ tăng tỷ lệ tự cung cấp lương thực từ 38% trong tài khóa 2022 lên 45% vào tài khóa 2030.
Kế hoạch được xem xét và điều chỉnh 5 năm/lần, trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải tăng năng suất bên cạnh việc tăng xuất khẩu do những nguy cơ về biến động địa chính trị và sự sụt giảm số lượng các nông trại trong nước có thể dẫn đến mất ổn định sản xuất lương thực và suy giảm nguồn cung trong nước.
Chỉ số giá thực phẩm thế giới tăng trong tháng 2: Theo Báo cáo mới nhất của FAO, chỉ số giá thực phẩm thế giới (FFPI) tháng 2 năm 2025 đạt trung bình 127,1 điểm, tăng 2 điểm (1,6%) so với tháng 1 năm 2025.
Chỉ số giá thịt vẫn ổn định, trong khi tất cả các chỉ số giá khác đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là đường, sữa và dầu thực vật. Chỉ số chung tăng 9,7 điểm (8,2%) so với tháng 2/2024; tuy nhiên, vẫn giảm 33,1 điểm (20,7 %) so với mức đỉnh đạt được vào tháng 3/2022.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 2/2025 đạt trung bình 112,6 điểm, tăng 0,8 điểm (0,7%) so với tháng 1/2025 nhưng vẫn giảm 1,2 điểm (1,1 %) so với tháng 2/2024. Giá xuất khẩu lúa mì tăng, do nguồn cung tại Liên bang Nga hạn hẹp, đã hạn chế khối lượng xuất khẩu và chuyển nhu cầu sang các nhà cung cấp khác, tạo thêm áp lực tăng giá toàn cầu.
Thái Lan tăng cường quản lý nguồn cung trái cây: Bộ Thương mại Thái Lan gần đây đã công bố 7 biện pháp chính và 25 kế hoạch hành động nhằm tăng cường quản lý nguồn cung trái cây trong bối cảnh sản lượng trái cây của nước này trong năm 2025 có thể tăng 950.000 tấn so với năm 2024.
Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết các chiến lược này được thiết kế để chuẩn bị cho tình trạng cung vượt cầu, thúc đẩy tiêu dùng trái cây trong nước và mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Năm nay, tổng sản lượng trái cây của Thái Lan dự kiến đạt 6,74 triệu tấn, tăng 14,6%, so với năm 2024. Trong đó, sản lượng một số loại hoa quả dự kiến tăng mạnh nhất bao gồm, sầu riêng tăng 37% lên 1,76 triệu tấn, xoài dự kiến đạt 1,3 triệu tấn, tăng 10,2%.
Theo ông Pichai, các biện pháp này tập trung giải quyết mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng, từ sản xuất và tiếp thị trong nước đến xuất khẩu, với mục tiêu cuối cùng là đạt được sự ổn định giá cả.