Thị trường 24/7: Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm; Tỷ phú Ấn Độ đưa đoàn 4.500 khách tới du lịch tại Việt Nam

Tỷ phú Ấn Độ đưa đoàn 4.500 khách tới du lịch tại Việt Nam: Đại diện Vietravel cho biết đây là lần đầu tiên một hãng lữ hành lớn của Việt Nam phục vụ đoàn khách Ấn Độ với quy mô và số lượng lớn. Đoàn khách sẽ được chia thành các đoàn nhỏ và đến Việt Nam trong khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới.

Đây đều là nhân viên của một tập đoàn tới từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chủ yếu là người Ấn Độ và được xếp ở nhóm khách có mức chi tiêu cao. Dịch vụ đã được đoàn đặt từ trước 2-3 tháng. Đáng chú ý, chủ tập đoàn đưa nhân viên tới Việt Nam du lịch dịp này thuộc tốp các tỷ phú tại Ấn Độ. Đặc biệt, vị tỷ phú này cũng sẽ có mặt và đi cùng đoàn. Dự kiến đoàn khách sẽ di chuyển hầu hết đến điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội sau đó di chuyển đến Ninh Bình và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Ấn Độ là một trong những thị trường khách tiềm năng của du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, ngành du lịch đã đón hơn 271.000 lượt khách Ấn Độ, tăng tới 127% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng ba phiên liên tiếp: Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 52,8 triệu cổ phiếu, mức cao nhất 4 phiên gần đây và nhiều hơn chiều bán khoảng 4 triệu đơn vị. Tính theo giá trị, chênh lệch giữa hai chiều là 324 tỷ đồng, gấp 12 lần hôm qua. Lực cầu của nhóm này tăng mạnh những phút cuối phiên, góp phần tích điểm cho thị trường.

Khối ngoại đã mua ròng ba phiên liên tiếp sau chuỗi xả hàng tương đối mạnh vào tuần trước. Tuy nhiên, giá trị vẫn ở mức khiêm tốn. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ưu tiên gom cổ phiếu trong phiên VN-Index diễn biến khá tiêu cực.

VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 0,14 điểm, giữ trên 1.230 điểm. Trong khi đó, VN30-Index giảm hơn 2,7 điểm. Hai sàn HNX và UPCoM cũng đóng cửa dưới tham chiếu. Thanh khoản giảm ba phiên liên tiếp, hôm nay đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, thấp hơn hôm qua gần 1.000 tỷ.

Hàn Quốc vượt Mỹ thành nước nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam: Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc là chuối, hạt mè, xoài, ớt và thanh long.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc đã chi 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua cả Mỹ để trở thành nhà mua hàng lớn thứ 2 của Việt Nam. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, người Hàn càng chi nhiều tiền hơn so với đầu năm để mua rau quả Việt Nam. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023 thì quý I/2024 tăng trưởng 18,5%, đến quý II/2024 tăng tới 88%.

Trong nửa đầu năm 2024, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là sản phẩm chuối với giá trị lên tới 35 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đứng ngay sau trái chuối là hạt mè với giá trị gần 30 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Trái xoài đứng ở vị trí thứ 3 với kim ngạch gần 24 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Shopee, TikTok Shop chiếm hơn 90% thị phần bán lẻ online: Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, cho biết người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam quý II gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I.

Trong đó, gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Tính chung, hai sàn này nắm đến 93,4% thị phần GMV, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Trong đó, chỉ Shopee mở rộng thị phần quý vừa qua, 3 sàn còn lại đều thu hẹp. Lazada và Tiki chỉ còn chiếm lần lượt 5,9% và 0,7%.

Trái cây “đặc sản mùa hè nước Mỹ” lần đầu có mặt tại Việt Nam: Tối 12/8, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Trái cây tươi California (CFFA) tổ chức lễ chào đón trái đào và xuân đào California lần đầu tiên được nhập khẩu chính thức Việt Nam.

Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã cấp phép cho quả đào và xuân đào của Mỹ sau nỗ lực nhiều năm giữa 2 bên. Đây là lần đầu tiên người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội dùng thử quả đào và xuân đào tươi ngon từ Mỹ. Loại quả này được xem là “đặc sản mùa hè nước Mỹ” vì nổi tiếng bởi sự thơm ngon, mọng nước.

Việt Nam là thị trường nông sản thứ 9 của Mỹ và Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản số 2 của Việt Nam. Tổng thương mại nông nghiệp 2 nước năm 2023 vượt mức 5,5 tỷ USD.

Giá cà phê thế giới bất ngờ tăng vọt: Giá cà phê robusta trên sàn London tăng mạnh ngay khi mở cửa và đà tăng tiếp tục kéo dài đến cuối phiên. Đóng cửa, kỳ hạn tháng 9 tăng 206 USD đạt 4.532 USD/tấn; kỳ hạn tháng 11 tăng 197 USD lên 4.359 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 189 USD đạt 4.208 USD/tấn.

Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng mạnh, kỳ hạn tháng 9 tăng 149,6 USD lên 5.310 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 tăng 182 USD đạt 5.264 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 189,2 USD lên 5.192 USD/tấn.

Tại Brazil, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 21 USD lên 6.533 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 tăng 199 USD đạt 6.375 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 tăng đến 250,8 USD lên 6.252 USD/tấn.

Giá cà phê Tây nguyên tại Đắk Nông 124.200 đồng/kg, Đắk Lắk 123.300 đồng/kg, Gia Lai 123.200 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 123.000 đồng/kg. Hiện tại, giá cà phê robusta kỳ hạn đang ở mức 4.532 USD/tấn, gần với mức cao kỷ lục hồi đầu tháng 7 là 4.634 USD/tấn.

OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới: Hôm 12/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ra báo cáo hàng tháng về thị trường dầu thế giới. Theo đó, toàn cầu được kỳ vọng tiêu thụ 104,3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, tăng 2,11 triệu so với năm ngoái. Mức này thấp hơn dự báo tháng trước là 2,25 triệu thùng.

Đây là lần đầu kể từ tháng 7/2023, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu. Việc này diễn ra sau khi Trung Quốc phát tín hiệu tiêu thụ yếu hơn dự báo, nhất là với dầu diesel. Khủng hoảng bất động sản cũng đang kìm hãm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từ cuối năm 2022, OPEC và các đồng minh đã thực hiện hàng loạt đợt giảm sản lượng để kéo giá lên. Phần lớn thỏa thuận cắt giảm có hiệu lực đến cuối năm 2025. Trong báo cáo hôm qua, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu năm sau, xuống còn 1,78 triệu thùng một ngày. Mức dự báo trước đó là 1,85 triệu.

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm: Các nhà đầu tư đã cố gắng bỏ qua nỗi lo suy thoái, trong đó một số nhà phân tích cho rằng nền tảng kinh tế Mỹ vẫn vững chắc. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa đang cho thấy một vấn đề khác của nền kinh tế toàn cầu.

Quỹ đầu tư Invesco DB Base Metals, chuyên theo dõi hiệu suất của rổ hàng hóa kim loại cơ bản như đồng, nhôm, nickel, chì, kẽm, đã ghi nhận mức giảm hơn 7% trong tháng qua, trong khi giá dầu thô giảm 14% từ ngày 5/7 đến ngày 5/8.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 9/8, Giám đốc điều hành Rob Ginsberg tại Wolfe Research, cho biết hầu hết các loại hàng hóa đều đang chịu sức ép, ngoại trừ vàng. Điều này được xem như là một lời cảnh báo đối với tình trạng của nền kinh tế.

Đáng chú ý, Giám đốc toàn cầu về chiến lược hàng hóa tại TD Securities, ông Bart Melek, cũng cho hay diễn biến của giá đồng, vốn được vốn được xem là chỉ báo sớm về sức khỏe nền kinh tế, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.