Nhiều ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm trên 6%/năm: Trong thông báo mới nhất, SHB cho biết đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân kể từ hôm nay (30/7).
Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất được SHB chi trả cho các khách hàng cá nhân hiện nay lên tới 6,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Ngoài SHB, hiện còn 6 ngân hàng thương mại tư nhân khác đang niêm yết lãi suất huy động tối đa từ 6%/năm trở lên, chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài. Trong đó, HDBank hiện trả lãi suất lên tới 6-6,1%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng trên kênh online.
Ngoài HDBank, BVBank hiện cũng trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-60 tháng; OCB trả mức lãi suất tương tự nếu khách gửi tiền 36 tháng; NCB và OceanBank cùng trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên; và ABBank trả lãi suất cao nhất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
NCA ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust: Ngày 30/7, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đã ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh (smartphone), giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR.
Phần mềm cũng hỗ trợ chức năng rà soát, quét các ứng dụng trên điện thoại, phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo. Người dùng có thể tải phần mềm từ 2 chợ ứng dụng phổ biến là Google Play với hệ điều hành Android và App Store với hệ điều hành iOS (điện thoại iPhone).
nTrust là dự án phần mềm phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí được huy động từ nguồn tài trợ xã hội. Phần mềm này đã được giới thiệu vào ngày 13-5 tại hội thảo Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do NCA tổ chức.
Livestream bán hàng trốn thuế sẽ bị chuyển hồ sơ sang công an: Ngành thuế giám sát tổ chức, cá nhân nhận hoa hồng từ livestream bán hàng, trường hợp hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế sẽ bị chuyển sang công an xử lý.
Nội dung này nêu tại văn bản của Tổng cục Thuế gửi các cục thuế địa phương về siết kiểm soát bán hàng, nhận hoa hồng từ hoạt động livestream trên thương mại điện tử.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ lập danh sách tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm sau quá trình thanh, kiểm tra. Họ sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý trong trường hợp phát hiện hành vi trốn thuế.
Theo hãng dữ liệu NielsenIQ, quý đầu năm, 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua kênh này. Bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia, theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam.
Quận 7 sắp có phố thương mại ẩm thực: Phố thương mại – ẩm thực Sky Garden ở quận 7 sẽ hoạt động cuối tháng 8, là điểm đến mới cho kinh tế đêm TP.HCM.
Các tuyến phố Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Nghị, Đường số 2 và Bùi Bằng Đoàn (phường Tân Phong) sẽ là nơi tập trung của khu ẩm thực này. Thời gian hoạt động dự kiến từ 18h đến 24h hàng ngày, gồm các không gian ẩm thực cùng các hoạt động giải trí, chăm sóc sức khoẻ, mua sắm về đêm.
Theo đề án được UBND TP.HCM phê duyệt 2023, Phố thương mại – ẩm thực Sky Garden không sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư. Đây cũng không phải là phố đi bộ nên giao thông vẫn được triển khai như hiện trạng, xe cộ lưu thông bình thường không giới hạn thời gian.
Phở và nem cuốn Việt Nam vào thực đơn Olympic: Theo thông tin trên trang chủ Olympic Paris 2024, phở và nem cuốn truyền thống của Việt Nam góp mặt trong thực đơn dinh dưỡng dành cho các vận động viên tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.
Đáng chú ý, tại mục “Soup of the day” (món súp trong ngày) ở gian hàng châu Á (Asian), phở được phục vụ trong 3 bữa ăn chính của các vận động viên. Ở phần giới thiệu, phở được gọi là tượng đài ẩm thực của Việt Nam, chế biến từ nước hầm xương và bánh phở, đi kèm với nhiều nguyên liệu khác.
Ngoài phở, nem cuốn cũng được đưa vào thực đơn châu Á cùng lời giới thiệu đây là “Vietnamese culinary” (ẩm thực đặc sản Việt Nam). Món ăn này gồm lớp bánh tráng mỏng làm từ bột gạo, cuốn lấy phần nhân đầy rau. Đôi khi còn có thịt lợn và tôm luộc.
Phở Việt từng xuất hiện tại Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản) với phần thịt bò được thay bằng bò Wagyu đặc trưng.
Ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup đã giải ngân 1,5 tỷ USD cho VinFast: Báo cáo mới nhất của Chứng khoán Vietcap cho biết tính đến cuối quý II, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup đã hoàn thành các khoản giải ngân trong khuôn khổ thỏa thuận thông báo vào tháng 4/2023.
Cụ thể, thỏa thuận này bao gồm khoản tài trợ 1 tỷ USD của ông Phạm Nhật Vượng và khoản tài trợ 500 triệu USD của Vingroup sẽ được giải ngân cho VinFast trong 12 tháng.
Không chỉ vậy, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng còn cho biết sẽ thu xếp tài sản riêng của mình và tài trợ thêm 1 tỷ USD nữa cho hãng xe điện này. Tuy nhiên, thông tin chi tiết hơn về thời gian chuyển giao khoản tài trợ này chưa được công bố.
Nợ công Mỹ lập kỷ lục mới: Số liệu Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 29/7 cho thấy nợ công nước này đã vượt 35.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.
Nợ công Mỹ tăng nhanh khi chính phủ liên tiếp đi vay với tốc độ kỷ lục. Tính trung bình, khối nợ hiện tại tương đương 104.000 USD với mỗi người dân Mỹ. Chỉ trong một năm, nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thêm 2.350 tỷ USD.
Nợ công là số tiền mà chính phủ Mỹ đi vay khi ngân sách thâm hụt. Vài năm qua, thâm hụt của nước này tăng lên do lãi suất cao, khiến chi phí trả lãi cho các khoản nợ cũ tăng. Các chương trình chi tiêu bắt buộc cho an sinh xã hội cũng khiến ngân sách càng thiếu hụt.
Thống kê tháng trước của Committee for a Responsible Federal Budget cho thấy trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt vay thêm 8.400 tỷ USD. Còn Tổng thống Joe Biden đến nay chấp thuận vay 4.300 tỷ USD.
Indonesia cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với “sở thích của nhà giàu”: Bộ Tài chính Indonesia đang cân nhắc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với vé hòa nhạc và các hàng hóa khác như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng doanh thu.
Ý tưởng này lần đầu tiên được tiết lộ bởi quan chức cấp cao của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt (DJBC) Iyan Rubiyanto khi ông phát biểu tại Học viện Tài chính Nhà nước (STAN) mới đây. Ông cho biết, “người dân Indonesia thực sự khá giàu” vì vé hòa nhạc thường xuyên được bán hết trong nước, đồng thời khẳng định rằng nhiều người thậm chí còn ra nước ngoài như Singapore để tham dự các buổi hòa nhạc.
Ông Iyan cho biết, Bộ Tài chính đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng, bao gồm thức ăn nhanh, điện thoại thông minh và nhà ở. Ông chỉ ra rằng bộ cũng có thể áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với “sở thích của người giàu” bao gồm cả chơi golf. Các mặt hàng khác có thể là than, khăn giấy và chất tẩy rửa là những mục tiêu tiềm năng.