Thông cáo báo chí Diễn đàn Mekong Connect 2024

Ông Watcharapong Radomsittipat, Chủ tịch Nhóm doanh nghiệp Giao thương sản phẩm OTOP Thái Lan, chia sẻ tại Mekong Connect 2024, sáng 17/12. Ảnh: BSA Media.
MEKONG CONNECT 2024 – “DIỄN ĐÀN ĐẨY MẠNH HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHỆ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CẢ NƯỚC, HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH MỚI”
An Giang, ngày 17 – 18/12/2024
Diễn đàn Mekong Connect 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”, sự kiện năm nay thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo trung ương, địa phương, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, nhà đầu tư, nhà khoa học, doanh nghiệp… và các tổ chức trong nước, quốc tế.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA MEKONG CONNECT 2024
Diễn đàn Mekong Connect là sáng kiến liên kết vùng mang tính chiến lược, ra đời từ năm 2015, do mạng lưới ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) phối hợp thực hiện, với sự tham gia của TP.HCM. Tính đến nay, Mekong Connect đã tổ chức được 8 kỳ thành công và lần này là thứ 9 – sự kiện trở lại với sự đồng tổ chức của UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM, cùng sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên diễn đàn diễn ra tại An Giang – một địa phương trọng điểm về kinh tế – nông nghiệp của khu vực. Mekong Connect 2024 không dừng lại ở việc thảo luận các chủ đề quan trọng cho kinh tế địa phương mà còn là cầu nối thực tiễn để hiện thực hóa các sáng kiến, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
NỘI DUNG TRỌNG TÂM VÀ CÁC ĐIỂM NHẤN
Mekong Connect 2024 tập trung vào ba lĩnh vực then chốt để đẩy mạnh hợp tác: kinh tế, thương mại và công nghệ. Đây là nền tảng để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, phát huy nội lực địa phương, kết nối với TP.HCM và cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Ba từ khóa xuyên suốt là: “Liên kết”, “Phát triển bền vững”, và “Cạnh tranh mới”, hứa hẹn mang đến những cuộc thảo luận sâu sắc và gợi mở những giải pháp hành động thực tiễn.
Mekong Connect 2024 được tổ chức trong bối cảnh các tiêu chuẩn bền vững ESG, từ môi trường (E) đến xã hội (S) và Quản trị (G) dần được cụ thể hoá thành các quy định, tiêu chí rõ ràng, từ đó đang có tác động một cách trực tiếp, ngày càng sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp.
Trước chuyển động này, nổi bật lên hai xu hướng quan trọng, đó là sự quan tâm của các nguồn vốn đầu tư với các dự án/hoạt động kinh doanh có yếu tố bền vững của doanh nghiệp (ở các khía cạnh môi trường – xã hội – quản trị); và sự sẵn sàng của nguồn nhân lực (có năng lực thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững) trong doanh nghiệp. Trong khi đó, ĐBSCL, nơi cung cấp nguyên liệu, hàng hoá và nguồn nhân lực cho TP.HCM, đang ở trong tình thế cần tái cơ cấu các thành phần kinh tế để thích nghi với bình thường mới của biến đổi khí hậu, xâm mặn, thiếu nước ngọt và nguy cơ sạt lở; cũng như cần đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe từ thị trường liên quan đến các tiêu chuẩn xanh, bình đẳng giới, và yếu tố tạo tác động bao trùm (inclusive) cho cộng đồng và xã hội.
Tạo cơ hội kết nối đa chiều với các sáng kiến nổi bật:
  • Ra mắt Câu lạc bộ Doanh Nông Xanh Ba Miền: Đánh dấu bước tiến trong phát triển nông nghiệp bền vững và khởi nghiệp xanh.
  • Giới thiệu & biểu dương các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công trình tiêu biểu từ doanh nghiệp và chuyên gia trong khu vực.
  • Giao lưu khởi nghiệp quốc tế: Với sự tham gia của các chuyên gia, mô hình khởi nghiệp từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc…
Chuỗi hoạt động sôi động tiền Mekong Connect 2024: Trước thềm diễn đàn, nhiều hoạt động tiền Mekong Connect đã được triển khai nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động:
  • Khảo sát nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024 – trên phạm vi cả nước
  • Hội thảo thị trường bán dẫn và nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn – tại TP.HCM
  • Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế – TP.HCM
  • Kích hoạt mô hình kinh tế xanh – phát triển đội ngũ doanh nhân theo hướng bền vững – tại Vĩnh Long
  • Chuỗi huấn luyện kỹ năng bán hàng hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử
  • Họp báo giới thiệu Mekong Connect 2024 – tại An Giang
Không gian triển lãm: Dấu ấn hành động thực tiễn: Không gian triển lãm năm nay tập trung vào chủ đề “Doanh nghiệp TP.HCM và ĐBSCL tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững”. Nổi bật là:
  • Khu trưng bày biểu trưng của TP.HCM và An Giang, cùng các gian hàng từ Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Hậu Giang.
  • Khu vực dành cho các doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cùng các dự án kinh tế thuận thiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Các công trình tiêu biểu kết nối TP.HCM và ĐBSCL theo tinh thần Mekong Connect, gồm dự án đưa cây chống biến đổi khí hậu vào chuỗi giá trị kinh tế và xuất khẩu của HAWA TP.HCM và bộ tài liệu hướng dẫn miễn phí nông dân trồng sầu riêng bền vững do DN TPHCM đầu tư.
  • Không gian khởi nghiệp xanh – sáng tạo từ tài nguyên bản địa, bao gồm các sản phẩm tiêu biểu từ ĐBSCL, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Đây không chỉ là nơi trưng bày mà còn là cơ hội để các ý tưởng sáng tạo chạm đến nhiều đối tác, khách hàng và cộng đồng trong và ngoài nước.

Phiên Livestream bán hàng từ 16h00 – 20h00 với chủ đề “Thúc đẩy thương mại bền vững dựa trên tài nguyên bản địa”. Với sự điều phối của Trung tâm BSA, đây là cơ hội kết nối thương mại, quảng bá nông sản và sản phẩm chế biến độc đáo từ các tỉnh ĐBSCL, góp phần đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Phiên LIVE Tự Hào Hàng Việt diễn ra trên nền tảng TikTok Shop. Kiên định với mục tiêu xúc tiến phát triển tiêu thụ nông sản địa phương, phiên LIVE mang đến hơn 40 sản phẩm đến từ các doanh nghiệp, nhà bán hàng và cơ sở sản xuất thuộc các tỉnh ĐBSCL qua mạng lưới liên kết của Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA. Với sự phối hợp giữa MCN House of Deera và các nhà sáng tạo nội dung Hana Ba Mê, Huỳnh Bảo, Võ Thành Luân và các nhà bán hàng địa phương, Phiên LIVE  bán hàng xuyên suốt trong vòng hơn 5 giờ.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương và đơn vị trong khuôn khổ Diễn đàn mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết, nâng cao sức mạnh nội tại, và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Chuỗi hội thảo và tọa đàm tại Mekong Connect 2024: Tại Diễn đàn Mekong Connect 2024, các hội thảo và tọa đàm không chỉ là điểm nhấn về mặt nội dung mà còn tạo ra những giá trị kết nối thực tiễn, giúp định hình chiến lược phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL và TP.HCM.
  • Hội thảo: Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới: Hội thảo này quy tụ nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo đến từ các tỉnh thành và TP.HCM, nhằm thảo luận sâu về các giải pháp phát triển bền vững thông qua khai thác tài nguyên bản địa và gia tăng giá trị kinh tế vùng.
  • Tọa đàm 1: Nguồn vốn đầu tư cho liên kết bền vững: Các chuyên gia và doanh nghiệp sẽ thảo luận về các nguồn vốn đầu tư, giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế và phát triển bền vững trong vùng ĐBSCL và TP.HCM.
  • Tọa đàm 2: Nguồn nhân lực cho liên kết bền vững: Tập trung vào việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi kinh tế xanh và bền vững, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Các hội thảo và tọa đàm tại Mekong Connect 2024 không chỉ cung cấp góc nhìn chiến lược mà còn tạo động lực cho những hành động thiết thực, giúp các địa phương trong vùng liên kết chặt chẽ hơn với TP.HCM và quốc tế. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và tạo dựng chuỗi giá trị bền vững trong khu vực.
Ý KIẾN TỪ CÁC CHUYÊN GIA VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO
Đóng góp cho Diễn đàn năm nay, nhiều ý kiến từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành được gửi gắm, xoay quanh những giải pháp liên kết kinh tế, phát triển bền vững, và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Tại ĐBSCL, có nhiều mô hình nông nghiệp thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, là những sáng kiến từ người dân, doanh nghiệp, sáng kiến từ địa phương. Nhiều nông dân vẫn canh cánh giữ lại cây lúa mùa đặc sản, gắn cây lúa với văn hoá đặc trưng. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái sáng tạo: tôm – lúa, tôm – cá, tôm – rừng, lúa – sen,… đang tạo ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, mô phỏng tự nhiên.
Người Đồng bằng đang tự liên kết với nhau bằng liên kết cấp tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các tỉnh duyên hải. Người Đồng bằng liên kết với nhau thông qua những sáng kiến: Mekong Connect, Mekong xanh, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hội chợ quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP. Người Đồng bằng liên kết bằng Đề án “Quy hoạch 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh”. Đây là một phép thử cho tinh thần liên kết trong ngành hàng lúa gạo để nhân rộng sang liên kết vùng chuyên canh cây ăn trái, thuỷ sản”.
Thế giới đang vận hành theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Những tư duy về không gian kinh tế mới sẽ tạo ra giá trị vượt trội, nhưng cũng đứng trước thách thức bởi không gian kinh tế quy mô nhỏ theo từng địa phương riêng rẽ. Khởi nghiệp đã giúp hình thành hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu chăm chút hơn sẽ tiến đến con số hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những sản phẩm mới mà còn tạo ra những mô hình kinh tế mới, mô hình của tương lai.
Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ
Với mô hình liên kết thông qua Hội đồng điều phối vùng, ĐBSCL có thêm mô hình liên kết ABCD Mekong với mục tiêu “Hợp tác giữa chính quyền địa phương 04 tỉnh, thành phố: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp” liên kết thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá kinh tế của 04 địa phương ABCD. Thường niên tổ chức Diễn đàn, chủ đề đưa ra bàn thảo với những nội dung rất thiết thực. Mục tiêu hành động của ABCD Mekong ngay từ đầu là hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị khởi nghiệp, bởi đây là đối tượng doanh nghiệp chiếm đa số ở ABCD nói riêng, ĐBSCL nói chung. Qua liên kết đã phát triển mạnh về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; có nhiều công trình hạ tầng mang tính kết nối vùng hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đẩy mạnh đô thị hóa. Một số cực tăng trưởng mang tính động lực, có sức lan tỏa, làm đòn bẩy cho sự phát triển của vùng liên kết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Trong liên kết của Mekong thì không chỉ giữa tỉnh nọ với tỉnh kia, mà còn liên kết giữa các “nhà” quan trọng với nhau: nhà nước với nhà khoa học với nhà nông, nhà doanh nghiệp. Chúng ta đang càng ngày càng có nhiều các nhà công nghệ giỏi giang hơn mà họ lại làm theo cách của một nhà kinh doanh nữa, thành ra việc cung cấp chuyển đổi công nghệ càng nên được lưu ý hơn. Do đó, theo tôi, nếu có thể ngoài Mekong Connect thường niên theo diện rộng chúng ta có thể làm thêm các Mekong Connect theo chủ đề, chẳng hạn, một cuộc “Mekong Connect Xanh” riêng giữa những nhà công nghệ về hướng dẫn cho nông dân hoặc chia sẻ lại cách làm xanh hơn, sạch hơn. Ở đây, ngoài cái xanh thì còn giúp cho nông dân cải thiện về chất lượng, hiệu quả của sản xuất cây trồng. Hoặc chúng ta có thể làm riêng một chuyên đề cho sầu riêng hoặc cho các loại trái cây. Tức là chúng ta vẫn có thể làm các cuộc Mekong Connect riêng theo tháng hoặc theo quý với những chủ đề cụ thể như vậy. Hiện nay, về cây lúa có chương trình 1 triệu hécta được nhà nước triển khai rất bài bản, nhưng đồng bằng còn các loại cây trái và thủy sản nữa, tôi nghĩ rằng Mekong Connect riêng, hướng tới những chuyên đề hẹp. Hiện nay, theo quan sát của tôi, các bạn trẻ khởi nghiệp đã chú trọng và quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhưng ý thức này cần phải được lan tỏa, phổ biến rộng hơn nữa. Do đó, tôi mong rằng sau này chúng ta sẽ có thêm các sáng kiến tổ chức Mekong Connect theo quý, mỗi quý tập trung vào một chuyên đề sâu, những là với những sản phẩm mới nổi, mà trở thành cơ hội rất lớn, như sầu riêng chẳng hạn, thì chúng ta có thể hướng dẫn về việc trồng, bón phân thế nào cho tốt, ngoài ra còn cả về bảo quản, chế biến như thế nào để có thể tạo thêm giá trị gia tăng, cũng rất cần.
Mekong Connect đã sẵn có một tài nguyên rất quý đó là sự kết nối mình tạo ra được, vừa từ các địa phương, vừa từ các đối tác tham gia kết nối với nhau. Đây là thế rất mạnh để Mekong Connect có thể làm tiếp. Ngoài ra Mekong Connect cũng có kinh nghiệm của LBC (LBC – Câu lạc bộ các doanh nghiệp dẫn đầu cũng là một sáng kiến của BSA) bao nhiêu năm nay. Thành ra các mô hình đó hoàn toàn có thể áp dụng vào cho khu vực Mekong. Chẳng hạn, các thành viên LBC ở các tỉnh khác nhau có thể đứng ra thành lập một câu lạc bộ, thành một đầu mối địa phương. Các doanh nghiệp đó có thể chủ động đứng ra, thấy địa phương có thế mạnh ở sản phẩm A, B, C này, và tỉnh bạn cũng có thế mạnh chung (không nhất thiết cả 13 tỉnh ĐBSCL), thì các LBC của các tỉnh đó cùng ngồi lại cùng nhau thành lập một câu lạc bộ, chẳng hạn như “Câu lạc bộ sầu riêng”.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng KHCN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam
Chuyển đổi số đang được Việt Nam coi là một cuộc cách mạng để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, ĐBSCL, với vai trò là trung tâm nông nghiệp và “vựa lúa, vựa hải sản, vựa trái cây” lớn nhất cả nước, cần đẩy mạnh và tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các thách thức hiện hữu và tạo ra các cơ hội phát triển mới. Sự liên kết với TP.HCM – trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ hàng đầu – chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này.
Chuyển đổi số không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp hay cơ quan quản lý, mà còn tác động sâu sắc đến đời sống của từng người dân tại ĐBSCL. Với sự phổ cập của Internet và các thiết bị thông minh, nông dân ngày càng có cơ hội tiếp cận các ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập.
Các ứng dụng nông nghiệp thông minh, như hệ thống giám sát tưới tiêu tự động và cảm biến đo chất lượng nước, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng trong đất, giúp nông dân tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu lãng phí. Ngoài ra, chuyển đổi số còn mở ra cơ hội kết nối trực tiếp người dân với thị trường tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử. Thay vì phụ thuộc vào thương lái, người nông dân có thể tự tiếp thị và bán sản phẩm của mình trên các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp họ nhận được giá trị xứng đáng mà còn tạo ra sự minh bạch và ổn định trong thu nhập.
Đặc biệt, chuyển đổi số còn mang lại những tiện ích trong đời sống hàng ngày, từ việc thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký dịch vụ công trực tuyến đến tiếp cận thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai. Ngày nay với công nghệ dữ liệu lớn (BigData) và trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng công nghệ số sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, điều hành sản xuất thông minh, chính xác. Những thay đổi này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện để người dân ĐBSCL tự tin thích nghi với sự phát triển của thời đại số.
Ông Hồ Văn Mừng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng,  Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
An Giang có vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược của vùng ĐBSCL, giữa ĐBSCL và cả nước. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, nền tảng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong 30 năm tới. Các dự án đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, việc triển khai Quy hoạch đang định hình tư duy mở trong việc kết nối nguồn lực hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, công nghệ hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới. Suy nghĩ này ứng với chủ đề Mekong Connect 2024 diễn ra tại An Giang từ ngày 17-18/12/2024.
Với tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 100km, tỉnh An Giang được Quy hoạch
thành 03 Khu vực kinh tế Cửa khẩu, với tổng diện tích hơn 30.000 héc ta có tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại – dịch vụ logistics và sản xuất công nghiệp sẵn sàng để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cách vận hành, lợi ích khi khai thác các giá trị đầu tư công.
Là 1 trong 4 tỉnh ở Tây Nam bộ (chung đường biên giới trên bộ hơn 400 km với Vương quốc
Campuchia – gồm Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang) – An Giang có tiềm năng kết nối với Kandal, Takeo, thủ đô Phnom Penh qua hai (2) Cửa khẩu Quốc tế: Vĩnh Xương, Tịnh Biên và một (1) Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình chuẩn bị nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế. Việc giao thương hữu nghị với Vương quốc Campuchia và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong được Chính phủ coi trọng và Khu kinh tế Cửa khẩu An Giang là 01 trong 08 Khu kinh tế Cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Để nơi đây trở thành trung tâm đầu mối, giao lưu, hợp tác quốc tế quan trọng của vùng ĐBSCL,
Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – logistics – đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp… An Giang coi trọng các mối quan hệ hợp tác với các tỉnh có chung tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia để có tiếng nói chung, hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng và cả nước để biến tiềm năng thành nguồn lực thực tế, thúc đẩy tăng trưởng rõ nét, bao trùm.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Với vai trò là một trong bốn sáng lập viên của Mekong Connect, Đồng Tháp luôn dành sự quan tâm đặc biệt với sự kiện này, xem đây là một cơ hội quan trọng để chia sẻ và tiếp nhận những giải pháp, sáng kiến của các địa phương trong khu vực, các chuyên gia và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của vùng.
Thông điệp mà Đồng Tháp muốn gửi đến Diễn đàn Mekong Connect 2024 là cam kết tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái và công nghiệp xanh. Một trong những giải pháp đáng chú ý mà Đồng Tháp đang triển khai là mô hình nông nghiệp sạch, kết hợp với các giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thông qua Diễn đàn, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng hành từ các doanh nghiệp và chính quyền trong khu vực cùng nhau tạo ra một chiến lược phát triển dài hạn, giúp các tỉnh vượt qua thách thức và xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.
Đồng Tháp mong muốn Diễn đàn Mekong Connect sẽ tiếp tục là nơi hiến kế và chia sẻ sáng kiến để thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững cho các địa phương trong khu vực ĐBSCL; đồng thời tạo điều kiện để liên kết với các địa phương, các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ – dịch vụ hỗ trợ của khu vực ĐBSCL; đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh – tuần hoàn và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Doanh nhân – Nhà quản trị
ĐBSCL – trung tâm nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia – đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nguồn tài nguyên suy giảm. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để vùng đất trù phú này chuyển mình, từ một “vựa lúa” truyền thống thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế xanh bền vững. Với sự hỗ trợ chiến lược từ TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và là cầu nối ra thị trường quốc tế – ĐBSCL có thể vượt qua thách thức để phát triển mạnh mẽ hơn. Thử đưa ra các viễn cảnh tươi sáng cho đồng bằng, với những thay đổi không phải là không tưởng.
Chuyển đổi nông dân thành “nông dân công nghiệp”
  • Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, giảm chi phí lao động thủ công và bảo vệ môi trường.
  • Liên kết nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi giá trị bền vững và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Phát triển kinh tế tuần hoàn
  • Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ tôm, cá để sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.
  • Thúc đẩy các mô hình nông nghiệp hữu cơ và thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải.
Hạ tầng và logistics hiện đại
  • Hoàn thành các tuyến giao thông trọng điểm, xây dựng cảng nước sâu và các trung tâm logistics tích hợp để nâng cao hiệu quả vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản.
Cuộc sống của thành phố không thể thiếu đồng bằng và liên kết bằng các lãnh vực hoạt động sau:
  • Thành phố là cầu nối sản phẩm của đồng bằng với thị trường cả nước, nhất là thị trường thế giới. Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM đóng vai trò cầu nối đưa sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL ra thị trường quốc tế.
  • Thành phố là trung tâm R&D mà lực lượng trẻ từ đồng bằng vừa được đào tạo từ thành phố, vừa tham gia đóng góp vào hoạt động R&D thành phố rất hiệu quả. TP.HCM có thể hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại cho ĐBSCL.
  • Cần có một cơ chế phối hợp vùng để tăng cường liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, đảm bảo các dự án phát triển được thực thi hiệu quả.

LỊCH TRÌNH DIỄN ĐÀN MEKONG CONNECT 2024

NGÀY 17.12.2024, TỪ 08:00 ĐẾN 23:00 – KHU VỰC SẢNH VÀ HỘI TRƯỜNG 300 CHỖ
08:00 – 09:00: Khai mạc triển lãm và chuỗi hoạt động Mekong Connect 2024
  • Phát biểu khai mạc của lãnh đạo UBND tỉnh An Giang
  • Mời khách tham quan triển lãm chủ đề: “Doanh nghiệp TP.HCM và ĐBSCL tăng cường liên kết, phát huy nội lực hướng tới phát triển bền vững”.
09:00 – 10:30: Giao lưu: “Những câu chuyện – hành trình khởi nghiệp” của những doanh nông xanh xuất sắc đã đạt giải trong 10 năm qua của chương trình Khởi nghiệp xanh với đội ngũ khởi nghiệp trẻ của các tỉnh thành và Giao lưu quốc tế: Những kinh nghiệm thành công từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thị trường khu vực; Chia sẻ từ các chuyên gia
  • Ứng dụng tự động hóa trong hoạt động khởi nghiệp xanh – TS Nguyễn Quân, Cố vấn diễn đàn, Nguyên Bộ trưởng KHCN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam
  • Kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế – Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Quỹ đầu tư thiên thần Đông Nam Á
  • Giao lưu quốc tế: Những kinh nghiệm thành công từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thị trường khu vực
  • Đường lối phát triển OTOP của Thái Lan và vai trò của OTOP với nền kinh tế Thái –  Tiến sĩ Thapana Boonlar, Chủ tịch Hội đồng tư vấn OTOP Traders Thailand
  • Kinh nghiệm thương mai hóa thành công sản phẩm OTOP của Thái Lan – Ông Watcharapong Radomsittipat, Chủ tịch Hội đồng thương mại sản phẩm OTOP
  • Giới thiệu Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nông Xanh 3 miền
  • Hành trình xây dựng mô hình du lịch xanh netzero đến giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 – Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Du lịch C2T
  • Hành trình đưa sản phẩm ra nước ngoài và các hoạt động tạo sinh kế cho cộng đồng – Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Thương hiệu Sokfarm)
  • Những vấn đề cần quan tâm khi doanh nghiệp khởi nghiệp muốn thực hiện xúc tiến thương mại đa kênh – Ông Mai Thanh Thái, Đồng sáng lập FoodMap Asia
  • Giao lưu – chia sẻ
13:30 – 16:15: HỘI THẢO: PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA VÀ KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG QUA LIÊN KẾT VÙNG TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH MỚI
Chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang
  • Phát biểu mở đầu: Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang
  • An Giang: Khai phóng tiềm năng kinh tế dược liệu tỉnh An Giang: Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang
  • Từ TP.HCM: Phân tích tình hình phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam và đề xuất chính sách: Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC
  • Bến Tre: Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xuất khẩu bằng công nghệ mới – Ông Trần Văn Đức – Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco)
  • Đồng Tháp: Mô hình kết nối khởi nghiệp IMO: Nông nghiệp – Môi trường – Khởi nghiệp, gắn với kinh tế tuần hoàn – Ông Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành Bán lẻ
  • TP.HCM và ĐBSCL: Hai công trình kết nối Mekong Connect trong năm 2024: 1 – Đưa loại cây chống biến đổi khí hậu vào chuỗi giá trị kinh tế (hoạt động hợp tác giữa Hiệp hội HAWA TP.HCM và chuyên gia Đại học Cần Thơ) – Ông Trần Lam Sơn, UV BCH Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thiên Minh Furniture. 2 – Công trình hợp tác canh tác giữa DN TP.HCM và chuyên gia kỹ thuật, công bố bộ tài liệu số Hướng dẫn miễn phí nông dân ĐBSCL trồng sầu riêng theo mô hình nông nghiệp bền vững với sự đồng hành của nông dân Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh – Chuyên gia Huỳnh Quới
  • “Sinh kế thuận thiên” – tăng cường khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long – Bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, WWF Việt Nam
  • Sinh kế bền vững Lúa mùa nổi – Cơ hội nhân rộng và Thách thức từ thị trường – Ông Trương Linh Ân, Giám đốc Tập đoàn Khải Nam
  • Tái thiết kế chiến lược phân phối trong thị trường biến động  – Ông Phạm Trọng Chinh, chuyên gia cấp cao về Hệ thống phân phối và Trade Marketing, cựu Giám đốc Khách hàng & Giám đốc Trade Marketing của Unilever Việt Nam
16:15 – 17:00: Tọa đàm giữa các diễn giả và khách tham dự
  • Điều phối thảo luận: Ông Trần Vũ Nguyên, Nhà Sáng lập và Giảng viên chính, AI Education.
17:00 – 17:00: Phát biểu kết luận phiên hội thảo và toạ đàm: Lãnh đạo UBND TP.HCM
16:00 – 20:00: Phiên Livestream bán hàng theo chủ đề: “Thúc đẩy thương mại bền vững dựa trên tài nguyên bản địa” cho nông sản ĐBSCL và các sản phẩm chế biến đặc sắc nhất của các miền
NGÀY 18.12.2024 – PHIÊN TOÀN THỂ – TỪ 08:00 ĐẾN 12:00 – KHU VỰC SẢNH VÀ HỘI TRƯỜNG 600 CHỖ
07:00 – 08:00: Đón tiếp đại biểu
  • Mời đại biểu di chuyển bằng xe đạp vào khu vực Hội trường
  • Tham quan các gian hàng trưng bày triển lãm
  • Thưởng thức nhạc cụ dân tộc tỉnh An Giang
08:00 – 08:10: Nghi thức khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024
08:10 – 08:25: Phát biểu khai mạc của lãnh đạo UBND tỉnh An Giang
08:25 – 08:35: Phát biểu của lãnh đạo bộ ngành trung ương
08:35 – 08:55: Phát biểu của đại diện các cơ quan ngoại giao
08:55 – 09:05: Báo cáo kết quả các hoạt động “tiền Mekong Connect” 2024 bằng video
09:05 – 10:05: TỌA ĐÀM 1: NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CHO LIÊN KẾT BỀN VỮNG
  1. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Điều hành, Go Global Holdings (Điều phối phiên thảo luận)
  2. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp
  3. Đại diện Quỹ đầu tư có định hướng phát triển danh mục đầu tư bền vững – Bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc Quỹ Tael Partners Việt Nam
  4. Đại diện Tổ chức tư vấn đầu tư tác động môi trường và xã hội – Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn Clickable Impact
  5. Nhà tư vấn đầu tư từ Singapore – Ông Anderson Tan, Giám đốc Công ty Accelebator Singapore
  6. Đại diện Công ty nhận vốn đầu tư xanh – Ông Trần Công Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh
10:05 – 11:05: TỌA ĐÀM 2: NGUỒN NHÂN LỰC CHO LIÊN KẾT BỀN VỮNG
  1. Ông Trần Vũ Nguyên, Nhà Sáng lập và Giảng viên chính, AI Education (Điều phối phiên thảo luận)
  2. Đại diện Đại học An Giang – TS. Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trưởng Bộ môn Công nghệ Sinh học
  3. Đại diện Tập đoàn lớn có chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự tài năng (talent development & retention) – Bà Hoàng Thị Tâm Uyên, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long
  4. Đại diện chương trình GEARS Việt Nam (thúc đẩy Bình đẳng Giới tại Nơi làm việc) – Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Công ty ECUE
  5. Đại diện Công ty cung ứng dịch vụ nhân sự hàng đầu trên thị trường – Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TalentNet
  6. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc CESS (nhân lực cho ngành bán dẫn)
11:05 – 11:15: Giới thiệu Ban chủ nhiệm CLB Doanh nông xanh 3 miền
11:15 – 11:25: Tổng kết Diễn đàn Mekong Connect 2024 bằng video
11:25 – 11:35: Ký kết hợp tác giữa các địa phương, với các nội dung:
  • Phát triển Kinh tế biên mậu tỉnh An Giang
  • Ứng dụng kinh tế tuần hoàn, phát huy sáng tạo cho phát triển chuỗi giá trị dừa tỉnh Bến Tre
  • Tư vấn, hướng dẫn nông dân trồng sầu riêng theo phương pháp nông nghiệp bền vững
  • Chuyển đổi xanh và Phát triển bền vững
  • Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại trong bối cảnh thị trường mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp ở ĐBSCL
11:35 – 11:45: Phát biểu định hướng hành động của lãnh đạo UBND TP.HCM
11:45 – 11:55: Trao đăng cai cho tỉnh thành kế tiếp
11:55 – 12:00: Bế mạc Diễn đàn Mekong Connect 2024
Mekong Connect ra đời vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có sự tham gia của TP.HCM. Mekong Connect là một diễn đàn có mạng lưới liên kết vùng dành cho doanh nhân, nông dân, nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, giới truyền thông, chuyên gia và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL, TP.HCM. Mỗi năm tổ chức, lãnh đạo các tỉnh nòng cốt đều gặp nhau trước, thảo luận chủ đề và định hướng hành động của năm đó. Tính đến nay, diễn đàn Mekong Connect đã thực hiện được 8 lần, vào các năm: 2015, 2016, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023. Năm 2024 là lần thứ 9 diễn đàn được tổ chức, cũng là lần đầu tiên tổ chức ở tỉnh An Giang. 
  • Mời truy cập tại mekongconnectvn để biết thêm chi tiết.
  • Cần thêm thông tin vui lòng liên hệ anh Trần Quỳnh phụ trách truyền thông cơ quan điều phối: ĐT: 0985.434.077. Email: tranquynh@bsa.org.vn