Thương mại ASEAN tăng 1.200 tỉ đô la khi đối đầu thương mại Mỹ – Trung tiếp diễn

Hải quan Cảng Khâm Châu thuộc Khu tự trị Choang Quảng Tây đang kiểm tra măng cụt nhập khẩu từ các nước ASEAN tháng 3-2024. Thương mại của ASEAN với Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng khối lượng thương mại của khối. Ảnh: China Daily

ASEAN đang nhanh chóng mở rộng quy mô thương mại của khối trên toàn cầu bằng cách theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập và hợp tác với nhiều nền kinh tế đang đối đầu trên các mặt trận kinh tế và chính trị.

Trước ngày bầu cử tổng thống 5-11 tại Mỹ, tầm quan trọng của việc cân bằng giữa hai quyền lực khổng lồ – một vấn đề lớn của ASEAN – lại được nhắc lại.

Thương mại với Trung Quốc chiếm hơn 50% khối lượng

“Đông Nam Á được định vị là người chiến thắng lớn nhất trong thương mại toàn cầu trong thập niên tới, ngay cả trong bối cảnh các cuộc đối đầu leo ​​thang giữa Mỹ và Trung Quốc”, Takeshi Konomi của hãng tư vấn Boston Consulting Group nói.

Ông dự báo tổng kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài sẽ tăng thêm 1.200 tỉ đô la từ năm 2022 đến năm 2032. Thương mại với Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chiếm hơn 50% đạt 616 tỉ đô la. Điều này chứng tỏ mối gắn kết chặt của khu vực với chuỗi cung ứng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các công ty công nghệ lớn của Mỹ tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc đầu tư vào Đông Nam Á. Malaysia, nơi có các nhà máy của Intel và các công ty Mỹ khác, đã nổi lên như một nước xuất khẩu chip hàng đầu sang Mỹ.

Các công ty sản xuất từ ​​Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng tham gia cuộc chơi bằng cách thành lập các cơ sở sản xuất trong khu vực và mở rộng thương mại, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một phần của chiến lược giảm rủi ro.

Các rào cản thương mại ở Đông Nam Á tương đối thấp, cũng đang thu hút các công ty nước ngoài khi căng thẳng kinh tế Mỹ – Trung ngày càng gia tăng. Hồi tháng 9, Tổng thống Joe Biden đã tăng thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc lên 100%, tăng bốn lần, gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.

Tính đến tháng 4-2023, mức thuế quan trung bình của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc là 19,3%, tăng gấp 6,2 lần kể từ đầu năm 2018, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington. Trong cùng thời gian, mức thuế trung bình mà Bắc Kinh áp đặt đối với các sản phẩm của Mỹ đã tăng lên 21,1%, phản ánh mức tăng gấp 2,6 lần.

Theo tổ chức nghiên cứu Global Trade Alert ở châu Âu, kể từ năm 2020, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện trung bình 5.600 biện pháp hạn chế và can thiệp liên quan đến thương mại và đầu tư, tăng 80% so với những năm 2010.

Nhìn lại năm 2008, Mỹ đã áp đặt tổng cộng 10.200 biện pháp hạn chế và can thiệp, trong khi Trung Quốc đã ban hành 7.800 biện pháp. Tổng cộng, cả hai chiếm 30% tổng số các biện pháp trả đũa thương mại toàn cầu. Ngược lại, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra 2.100 biện pháp như vậy trong giai đoạn này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP thực tế của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 4,6% từ năm 2025 đến năm 2029, so với mức 3,2% của nền kinh tế toàn cầu.

Chính sách trung lập cũng có rủi ro

Cách tiếp cận của Đông Nam Á trong việc thúc đẩy mối quan hệ với tất cả các bên không phải là không có rủi ro.

Với các hạn chế thương mại thấp, khu vực này đang thu hút dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Khi nhu cầu trong nước suy yếu, các nhà sản xuất hàng hóa, thép, vải tổng hợp và các sản phẩm khác của Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu “giảm phát” bằng cách bán tống lượng hàng tồn kho khổng lồ sang các nước láng giếng. Thâm hụt thương mại của Đông Nam Á với Trung Quốc, dựa trên mức trung bình động 12 tháng, đã tăng lên 10,5 tỉ đô la vào tháng 6, đánh dấu mức tăng gấp 40 lần so với cùng thời gian 20 năm trước.

Tại Thái Lan, các lời kêu gọi cấm trang web mua sắm giá rẻ Temu của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội kể từ khi trang này bước vào thị trường vào tháng 7. Tại Malaysia, Indonesia và hai thị trường mới nhất của Temu ở ASEAN là Việt Nam và Brunei, nhiều người tin rằng nền tảng này sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào.

ASEAN đã mở rộng hoạt động thương mại đối ngoại bằng cách tận dụng căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào thương mại quốc tế của khối này có thể phản tác dụng nếu các cuộc cạnh tranh toàn cầu nóng lên.

Theo Data Watch / Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media 

Huyền thoại đầu tư Jeremy Grantham: “Bong bóng AI cũng sớm vỡ thôi!”