Trợ cấp của Thái Lan cho xe điện Trung Quốc khiến công nghiệp xe nội địa lao đao

Lễ khai trương nhà máy tại tỉnh Rayong của hãng xe điện GAC Aion hôm 17-7. Trong lễ khai trương, Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan Narit Therdsteerasukdi kêu gọi hãng xe điện Trung Quốc “hỗ trợ các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan bằng cách sử dụng một số phụ tùng do các công ty Thái sản xuất”. Ảnh: Nikkei Asia

Chính sách trợ cấp của chính phủ Thái Lan cho các hãng xe điện của Trung Quốc đã khiến ngành sản xuất xe hơi Thái lao đao. Tình trạng cung vượt cầu ở thị trường xe điện đã dẫn đến cuộc chiến giá cả trong phân khúc xe chạy xăng, khiến nhiều nhà máy cắt giảm sản lượng và đóng cửa.

Hơn một chục hãng phụ tùng xe hơi ở Thái Lan đã đóng cửa, bởi các hãng xe điện Trung Quốc nhận trợ cấp từ chính phủ Thái nhưng lại không đặt đơn từ các hãng này.

Xe điện tồn đọng hơn 60%

Theo Hiệp hội xe điện Thái Lan (EVAT), hiện Thái Lan có 490.000 xe điện chưa bán được, tương đương với 63% tổng số xe điện được sản xuất tại Thái Lan trong 12 tháng qua.

“Chúng tôi đang trải qua tình trạng cung vượt cầu xe điện. Rất nhiều xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong hai năm qua vẫn còn nằm trong kho”, Chủ tịch EVAT Krisda Utamote nói với Nikkei Asia. Ông cũng đề cập nhiều hãng xe điện Trung Quốc đã đầu tư mở nhà máy tại xứ chùa vàng.

Chương trình trợ cấp xe điện bắt đầu vào năm 2022 theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc. Nhằm giảm giá thành xe điện, Thái Lan đã tài trợ cho các nhà sản xuất Trung Quốc mỗi chiếc xe điện 150.000 baht (4.130 đô la). Thỏa thuận này cũng xóa bỏ thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc để bán tại Thái Lan, với điều kiện sản lượng xe họ sản xuất tại Thái Lan tương đương lượng xe nhập khẩu vào Thái Lan kể từ năm 2022. Những chiếc xe được sản xuất tại Thái Lan và có nhận trợ cấp chính phủ có thể được bán trong nước hoặc xuất khẩu.

BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, là một trong sáu hãng xe Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan theo chương trình trên. Hãng đã giảm 340.000 baht (9.375 đô la) cho mẫu xe Atto mới, giảm 37% so với giá lúc ra mắt 899.000 baht. Neta, hãng xe khác của Trung Quốc, đã giảm 50.000 baht với mẫu xe V-II, tương đương 9%, từ mức 549.000 baht khi ra mắt.

BYD và các đối thủ Trung Quốc sẽ có công suất hàng năm khoảng 750.000 xe khi các nhà máy tại Thái Lan hoạt động hết công suất.

Các hãng xe truyền thống của Nhật Bản thiệt hại nặng

Tác động của trợ cấp đã ảnh hưởng xấu và lan rộng khắp ngành xe hơi Thái Lan, vốn sử dụng hơn 750.000 nhân công. Ngành công nghiệp xe hơi đóng góp 11% GDP cho nền kinh tế, xếp sau ngành công nghiệp sản xuất (25,2% GDP), ngành du lịch (18%) và bán lẻ (16%) và đứng trước ngành nông nghiệp (8,6%).

Doanh số bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch bắt đầu giảm sau khi xe điện – được chính phủ Thái trợ giá – bắt đầu giảm giá. Các hãng xe Nhật Bản đầu tư tại Thái Lan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiếm 90% số xe được sản xuất tại đây.

Kinh tế đình trệ, sức mua yếu đã khiến người tiêu dùng Thái Lan không mặn mòi với những khoản mua sắm đắt đỏ. Trong sáu tháng đầu năm 2024, có 308.027 xe được bán ra tại Thái Lan, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu do Toyota Motor Thailand (TMT) tổng hợp. Đây là mức thấp nhất trong một thập niên.

Các hãng xe xăng đã cắt giảm công suất để tồn tại. Hôm 25-7, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đã công bố cắt giảm lượng xe sản xuất trong năm 2024 xuống còn 1,7 triệu xe, từ mức 1,9 triệu, dù sản lượng trong sáu tháng đầu năm giảm hơn 17%, nhưng xe vẫn dư thừa.

Hồi tháng 7-2024, Honda Motor, hãng thông báo sẽ dừng sản xuất xe tại nhà máy ở tỉnh Ayutthaya vào năm 2025 và hợp nhất hoạt động tại nhà máy ở tỉnh Prachin Buri. Các động thái này là một phần trong kế hoạch cắt giảm sản lượng hàng năm của Honda tại Thái Lan xuống còn 120.000 xe mỗi năm, giảm từ mức 270.000 xe.

Các hãng xe khác của Nhật Bản khác đang dừng mọi hoạt động sản xuất. Subaru đã thông báo sẽ dừng hoạt động lắp ráp xe hơi tại Thái Lan vào cuối năm nay. Suzuki cho biết sẽ làm tương tự trong năm 2025.

Nhà cung cấp Thái gặp tổn thất

Các hãng phụ tùng xe hơi cũng đang gặp khó khăn. “Các đơn đặt hàng phụ tùng đã giảm 40% trong năm nay”, Sompol Tanadumrongsak, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Thái Lan. Sompol nói thêm rằng mỗi nhà lắp ráp xe đã “cắt giảm công suất từ ​​30-40% trong năm nay”.

Sompol cho biết ông kỳ vọng ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục thu hẹp khi trải qua “quá trình chuyển đổi khó khăn” sang xe điện. Khoảng hơn 10 trong số 660 nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan có thể cung cấp phụ tùng cho các hãng xe điện Trung Quốc, nhưng các hãng Trung Quốc chỉ nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc hoặc chuỗi cung ứng chi phí thấp hơn của riêng mình.

“Hầu hết các nhà sản xuất phụ tùng địa phương cắt giảm hoạt động xuống chỉ còn ba ngày một tuần do nhu cầu giảm. Khoảng hơn một chục đã phá sản”, Sompol nói.

Chính phủ Thái Lan không có dấu hiệu thay đổi định hướng chính sách, dù các hãng xe xăng và các hãng linh kiện đang chịu nhiều áp lực.

“Chúng tôi rất vui khi có nhiều nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan hơn vì điều đó phản ánh rằng họ tin tưởng vào chính sách hỗ trợ xe điện của chúng tôi”, Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký của Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), phát biểu tại lễ khai trương nhà máy do hãng xe GAC Aion của Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Rayong, cách Bangkok gần 200km về hướng Đông Nam. “Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ tốt đẹp nếu chúng tôi được hỗ trợ bằng những đơn đặt mua phụ tùng do các công ty Thái Lan sản xuất”.

Theo Nikkei Asia, MarkLines, TMT

Ricky Hồ / BSA Media 

EU buộc TikTok hủy chương trình khuyến thưởng TikTok Lite