Trương Nguyện Thành: “Giáo sư quần đùi” và những ngả rẽ ngược đời

Nên nhớ, 95% ý tưởng khởi nghiệp hay nhất trên thế giới xuất phát từ trường ĐH. Sinh viên càng được hỗ trợ bớt được rủi ro, họ sẽ có điều kiện để thành công hơn với ý tưởng sáng tạo của mình.

Sau sự việc mặc quần đùi, áo vest giảng bài về sáng tạo gây dậy sóng, GS Trương Nguyện Thành (Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen) gắn liền với biệt danh “Giáo sư quần đùi”.

Quyết định lạ thường ấy khiến ông lao đao vì ngoài những người ủng hộ là hàng tá lời miệt thị, chửi rủa mà ông phải gánh chịu. Nhưng nếu ai biết ông thì chuyện này không lạ. Vì ông là người luôn có những quyết định lạ thường, đi ngược với số đông.

Quyết định của cậu bé bán thuốc lá dạo

GS Trương Nguyện Thành sinh ra ở Qui Nhơn (Bình Định) trong một gia đình luôn vật lộn với cái nghèo dai dẳng. Từ năm 11 tuổi, hàng ngày ông đã suốt ngày giang nắng chang chang để đi bán thuốc lá dạo ở bến xe lam sau giờ học. Rồi gia đình chuyển về Lái Thiêu, ông chuyển sang nghề… cày mướn.

Đó là những tháng năm đầy vất vả nhưng cũng giúp ông định hình một tính cách không ngại thách thức, đi đến cùng. Và quan trọng nhất, nó giúp ông quyết tâm mạnh mẽ hơn đi theo con đường học vấn.

Con đường ấy không dễ dàng gì. Đó là năm 19 tuổi, ông cùng em trai 14 tuổi lên đường… vượt biên. Thời điểm mà phải đến một nửa số lượng người vượt biên bỏ mình trên biển, hai anh em ông may mắn đến được trại tị nạn ở Thái Lan, sau đó được một cặp vợ chồng nông dân ở Bắc Minnesota (Mỹ) nhận làm con nuôi, đưa sang Mỹ.

Trong một năm đầu tiên, ông được cho đi học lại phổ thông để hòa nhập, học tiếng Anh. Ông chỉ đi học để hòa nhập chứ không hề được kỳ vọng gì. Bởi, đa phần những người VN sang Mỹ như ông đều đi làm việc, kiếm tiền, gửi về phụ giúp gia đình, ổn định cuộc sống…

Bắt đầu từ đây, những quyết định khác thường gắn với ông như một định mệnh. Ông quyết tâm tiếp tục đi học mà không chọn đi làm, mặc dù với hoàn cảnh một thân một mình, đi học khó khăn hơn gấp bội, không có ai giúp đỡ. Nhưng ông nhìn vào một người bạn trong cùng lớp học. Khi ở VN, người này thuộc gia đình khá giả, được học hành đầy đủ, có mọi thứ. Nhưng khi sang Mỹ, cả hai người đều như nhau.

Ông biết đây là cơ hội để mình vươn lên thay đổi cuộc đời. Và chỉ có học là con đường thành công vừng chắc nhất.

“Tôi được giáo dục bởi ông nội, sau là ba tôi rằng học là con đường ngắn nhất để có thành công vững chắc. Vì vậy, cả khi gia đình khó khăn nhất tôi vẫn quyết định bỏ công theo đuổi con đường học. Một số thành tích đạt được khiến gia đình thấy tôi có tiềm năng để học. Vì vậy, ba tôi quyết định tìm hướng đi khác cho tôi” – ông Thành nói.

Chàng thanh niên Trương Nguyện Thành hăm hở rải hồ sơ khắp các trường ĐH. Nhưng đáp lại là tất cả những lời từ chối. Bởi, tiếng Anh quá yếu, kiến thức quá ít để các trường cho ông theo học ĐH. Ông buồn rầu tâm sự với một giáo viên trong trường. Và kết quả là người này quyết định giúp ông. Cô kêu gọi các giáo viên khác cùng ký tên vào một lá thư giới thiệu gửi đến trường ĐH trong khu vực.

Trường ĐH North Dakota State phản hồi cho ông Thành một bức thư: “Chúng tôi đã quyết định không nhận cậu vào học vì không đáp ứng tiêu chí của trường. Nhưng lần đầu tiên chúng tôi nhận được một lá thư của các giáo viên trường phổ thông giới thiệu đặc biệt như thế, mong chúng tôi tạo một cơ hội cho cậu. Chúng tôi quyết định nhận cậu vào học, với điều kiện phải chứng minh được khả năng ngay trong năm học đầu tiên”.

Những đêm trằn trọc

Ngay năm đầu tiên vào đại học, chàng sinh viên này đã có một quyết định ngược đời mà nhiều bạn bè gọi là… khùng. Thay vì đi làm thêm ở quán ăn, nhà hàng, thư viện… để có số tiền nhất định trang trải cho việc học, Trương Nguyện Thành chọn phòng thí nghiệm của một giáo sư. Vừa khó xin, vừa khó làm, thu nhập chỉ bằng một nửa. Ông tự nhận mình… ngu nhất trong đám SV ở phòng thí nghiệm lúc đó vì chỉ mới là SV năm 1 bước vào trường. Nhưng ở trong nhóm thông minh nhất này, ông học được rất nhiều điều về nghiên cứu khoa học.

Học xong ĐH, tất cả các trường có chương trình đều cho ông học bổng nghiên cứu, trong đó có cả những cái tên nổi tiếng như Harvard, Berkeley… Lý do là học xong ĐH, ông đã có 4 bài báo khoa học, thành tích mà SV khó có được ngay tại các trường ĐH của nước Mỹ lúc bấy giờ.

Nhưng cũng chính lúc này, cuộc đời đặt ra cho ông ngả rẽ mới. Một công ty mời ông về làm việc với mức lương cao chót vót. Đó cũng là lúc ông nặng gánh vì áp lực gia đình. Mẹ và các em đang ở quê cần ông gửi tiền về để có thể xoay xở trong thời điểm quá khó khăn những năm bao cấp. Nếu đi làm, đồng lương dễ dàng nuôi cả gia đình có cuộc sống sung sướng. Người chú rất thân thiết của ông cũng khuyên ông đi làm để thực hiện nghĩa vụ với gia đình.

Ông chọn đi học tiếp lên cao học! Ông muốn tiếp tục đi theo con đường mình đam mê và nghĩ rằng đúng đắn. Dù số tiền được trả chỉ bằng ¼ so với đi làm, chỉ đủ nuôi thân và gửi về quê 50 – 100 USD/tháng để… cứu đói gia đình. Ông bị chú từ mặt vì quyết định này.

Trương Nguyện Thành gửi thư cho chú: “Nếu chú thấy người thân bị lún dưới sình, chú sẽ lập tức nhảy xuống cứu hay đi tìm một khúc cây? Nhảy xuống cứu thì có thể sẽ lún chung, còn đi tìm khúc cây, tuy mất thêm thời gian nhưng có thể cứu được cả hai người. Cháu chọn cách sau. Thực hiện nghĩa vụ với gia đình thật tốt, cháu cần vài năm nữa!”.

Chọn đi học rồi, nhưng sau đó cách ông chọn học ở đâu cũng là một chuyện ly kỳ! Với cách nghĩ của số đông, dĩ nhiên sẽ chọn học tại các trường danh tiếng như Harvard, Berkeley… mà ông được cấp học bổng. Nhưng ông thì không! Ông chọn Trường ĐH Minessota, một trường nằm trong top 100 nhưng so với các trường ĐH danh tiếng khác thì rất nhỏ bé.

“Đó là một buổi sáng đáng nhớ. Tôi đi xuống Minessota để gặp vị giáo sư muốn tôi nghiên cứu với ông. Cũng là đi để tìm thêm một cơ hội thôi. Nhưng trong suốt buổi sáng hôm ấy, ông thầy làm tôi ấn tượng vô cùng. Chỉ hơn 1 tiếng mà ông nói đủ thứ ý tưởng về nghiên cứu, viết hết tờ giấy nháp này đến tờ giấy nháp khác.

Mấy chục ý tưởng được vẽ ra trong chừng đó thời gian. Tôi bị sốc vì chuyện ông ấy có thể đưa ra hàng loạt ý tưởng khi có ai đó nói đến vấn đề gì. Tôi thật sự muốn mình học được khả năng này!” – GS Thành kể lại.

May mắn thay, người thầy hướng dẫn ông làm trong phòng thí nghiệm là một trong những người hiếm hoi đồng cảm và khuyên ông đến Minessota. Ông đánh tan mọi nghi ngại cuối cùng: “Ở Mỹ, người ta đánh giá nghiên cứu sinh sau ĐH bằng việc họ là đệ tử thầy nào chứ không phải ở trường nào. Ông ấy rất giỏi! Hãy dũng cảm quyết định vì đó là điều đúng đắn”.

Quyết định đó giúp ông kết thúc nghiên cứu sinh tiến sĩ với 16 bài báo khoa học, trong khi lúc này một tiến sĩ thường chỉ có 4 – 5 bài báo. Ông giành giải thưởng cho tiến sĩ trẻ tiềm năng nhất nước, được chọn bất kỳ nơi nào ở Mỹ để tiếp tục học sau tiến sĩ (postdoc). Nhưng năm đầu tiên đi học, ông lại phải quyết định, một quyết định khiến ông trăn trở nhất.

Đó là năm mà khủng hoảng kinh tế tại Mỹ lâm vào mức trầm trọng. Khó khăn cũng lan đến các trường ĐH. Lúc này, một lời mời làm việc cực kỳ hấp dẫn đến với ông từ công ty chuyên sản xuất phần mềm cho nghiên cứu khoa học. Mức lương đặt ra cho ông lên đến 6 con số, số tiền rất lớn lúc bấy giờ vì ông vừa có thể nghiên cứu vừa viết được phần mềm. Lúc này, ông đã làm thủ tục để bảo lãnh cả gia đình sang Mỹ sau đó khoảng 1 năm.

Gia đình sang mà ông không nuôi nổi thì cực kỳ căng thẳng. Ông cũng chưa chắc đi dạy tốt vì chưa đủ “cứng” để tìm việc làm trở thành một giáo sư. Nên học tiếp hay đi làm, chắc chắn có thể mua nhà, mua xe, có cuộc sống đáng mơ ước?

“Công ty cho tôi suy nghĩ 1 tuần là chừng đó thời gian tôi không ngủ được, trằn trọc suốt mấy đêm liền. Tôi gầy sút đi mấy ký. Chọn đi làm thì không được nghiên cứu thứ mình muốn mà phải nghiên cứu những gì họ giao cho làm. Đi dạy thì được tự do nghiên cứu nhưng sau này không biết có kiếm được việc tốt hay không và các trường cũng rất hạn chế nhận người. Thời điểm cuối cùng, tôi bước vào phòng giáo sư hướng dẫn, tâm sự hết mọi điều. Ông nói tự tôi hãy lựa chọn. Nhưng khi tôi ra đến cửa, ông nói với theo: “Nếu em đi làm công ty thì đó là mất mát lớn cho khoa học!”. Tôi run lên, quay lại hỏi: “Thầy tin tưởng tôi vậy sao?”. Ông ấy nói: “Tôi tin tưởng như thế!”. Thế là tôi bước về phòng mình, hít sâu một hơi, bốc điện thoại lên gọi cho công ty mời mình:

“Tôi không có lời giải thích chính đáng nào về quyết định từ chối công việc này cả. Tôi chỉ biết xin lỗi vì đã khiến bạn đã chờ đợi!”.

Quyết định rồi nhưng sau đó tôi vẫn bị khủng hoảng tâm lý là không biết mình chọn đúng hay sai. Dù cho đến khi học xong postdoc, là một trong những khoa học gia trẻ xuất sắc nhất ở Mỹ, rồi chọn lựa ĐH Utah giảng dạy, thăng chức giáo sư, bước lên đỉnh cao của nghề nghiệp, rồi về lại VN đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi thời điểm khiến mình trăn trở nhất này!” – GS Thành cảm khái.

Tôi trút bỏ quần dài, hành động mà rất nhiều sinh viên trong lớp không thể nghĩ đến. Tôi muốn nói rằng, muốn sáng tạo những điều người khác chưa làm, hãy làm những việc họ chưa từng nghĩ đến.

Về Việt Nam từ lời mời của ông Nguyễn Thiện Nhân

Là một trong những người có thành tích nghiên cứu xuất sắc, ông được mời đóng góp sức mình vào việc xây dựng Viện nghiên cứu khoa học quốc gia của nước Mỹ. Mọi thứ đã có sẵn và vị thế khoa học của ông sẽ tiếp tục được nâng cao. Nhưng rồi, như một định mệnh, một ngả rẽ khác lại mở ra. 

Ông có gửi một báo cáo của mình về nghiên cứu trong kỷ nguyên thế kỷ 21 trước đó cho Tổng thống Mỹ đến một nhà khoa học VN tham khảo. Người này ngay lập tức gửi đến cho Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lúc đó. Ông Nhân mời ông về nói chuyện về báo cáo này. Sau đó là lời mời ông về VN xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM. Ông bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên của gia đình, bạn bè, bỏ sau lưng cơ hội nâng cao vị thế khoa học ở Mỹ để về nước năm 2007. Quyết định này gây ra phản ứng dữ dội của đồng nghiệp đến mức có người còn nói thẳng rằng điều này sẽ gây nguy hại đến vị thế hiện tại của ông. 

Ông nói đến lúc này, mình cũng không biết là quyết định đó đúng hay sai. Dù số lượng bài báo khoa học mà Viện xuất bản so với ngân sách ít ỏi được cấp có thể được xem là rất thành công. Nhưng tầm ảnh hưởng của ông trong giới khoa học thế giới thật sự bị sụt giảm đáng kể. Sau 10 năm làm việc, ở tuổi 56, ông nói với vợ hết nhiệm kỳ năm 2017, ông sẽ về lại Mỹ, đi câu cá, đi du lịch, hưởng thụ cuộc sống, nghiên cứu những gì mình cảm thấy thích thú. Vợ ông đã rất vui trước lời hứa hẹn của ông chồng có đầy rẫy quyết định lạ thường. 

Đột nhiên, năm 2017, ông lại có quyết định đón nhận thách thức mới: Trở về gây dựng lại Trường ĐH Hoa Sen. Ộng chấp nhận lèo lái trường sau một cuộc chiến tương tàn chưa hoàn toàn kết thúc với những khó khăn không thể lường trước được. Và ông trở thành “giáo sư quần đùi”, nhân vật tiếp tục có một quyết định lạ thường với số đông giữa một giờ giảng về sáng tạo. 

Hãy vượt ra khỏi giới hạn

Câu chuyện về chiếc quần đùi của ông đã tạm lắng sau một thời gian bùng nổ dữ dội. Bây giờ, ngồi ở đây, ông có thể nói gì về sự kiện này?

GS Trương Nguyện Thành: Rõ ràng, ban đầu câu chuyện này tôi dùng để thí nghiệm cho một số sinh viên trong lớp học về sáng tạo. Nhưng vô hình trung, nó đã trở thành thí nghiệm cho cả xã hội. Lúc ấy, tôi muốn chứng mình rằng rất nhiều người bị giới hạn trong một khuôn khổ vô hình, bị giới hạn trí tưởng tượng của mình vào những kinh nghiệm, định kiến… Tôi làm gì để chứng minh điều đó? Tôi trút bỏ quần dài, hành động mà rất nhiều sinh viên trong lớp không thể nghĩ đến. Tôi muốn nói rằng, muốn sáng tạo những điều người khác chưa làm, hãy làm những việc họ chưa từng nghĩ đến.

Trong xã hội cũng thế. Khi câu chuyện lan ra, nếu bạn không chấp nhận được việc làm của tôi, bạn đã không vượt ra khỏi giới hạn. Khi bạn thấy điều đó là bình thường thì đã vượt được giới hạn cho trí tưởng tượng của mình.

Nhiều người vẫn nghĩ ông bị điên, là đi quá giới hạn, mất hình ảnh nghiêm túc của một người thầy?

– Họ mắc một sai lầm. Đó là họ nghĩ đây là phong cách của một giáo sư, là phong cách của tôi. Nhưng không phải! Đó là một giáo cụ ấn tượng để giảng bài. Thay vì dùng nhiều giáo cụ khác, tôi dùng chính bản thân để giảng dạy. Có giảng viên ở nước ngoài vẽ lên mình các mạch máu, xương sống… để dạy cũng tương tự điều này vậy!

Ông sẽ tiếp tục làm gì với những tư tưởng sáng tạo của mình, thưa ông?

– Như đã kể, tôi học được việc suy nghĩ hàng loạt ý tưởng từ mọi vấn đề, mọi cuộc nói chuyện từ người thầy của mình. Giờ tôi muốn truyền lại cho sinh viên điều này. Điều tôi làm đầu tiên là những lớp học. Sau đó là xây dựng một môi trường tốt nhất cho sáng tạo, khởi nghiệp trong trường ĐH.

Mọi ý tưởng sáng tạo của SV đưa lên, sẽ được xem xét để trường tài trợ vốn ban đầu nếu nó khả thi. Sinh viên sẽ được hỗ trợ không gian làm việc, phát huy đề án khởi nghiệp, được truyền đạt kinh nghiệm để tránh sai lầm.

Nên nhớ, 95% ý tưởng khởi nghiệp hay nhất trên thế giới xuất phát từ trường ĐH. Sinh viên càng được hỗ trợ bớt được rủi ro, họ sẽ có điều kiện để thành công hơn với ý tưởng sáng tạo của mình.

An Thư