Ung thư tuyến tiền liệt: Bỏ ngay việc ‘theo dõi tích cực’

Ông Robert Boulton, 76 tuổi, ban đầu thuộc nhóm “theo dõi tích cực” nhưng 4 năm sau thì chuyển qua nhóm chịu xạ trị.

Một nghiên cứu 10 năm vừa kết luận đàn ông nên sớm chữa trị ung thư tuyến tiền liệt, thay vì chọn cách “theo dõi tích cực”.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) đã theo dõi 1.643 bệnh nhân – tuổi từ 50 đến 69, sớm được phát hiện ung thư tuyến tiền liệt – trong 10 năm. Họ được chia ngẫu nhiên vào 3 nhóm sau: 1/3 chịu phẫu thuật, 1/3 chịu xạ trị và 1/3 chịu “theo dõi tích cực”.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ qua đời giữa người được chọn ngẫu nhiên để phẫu thuật hoặc xạ trị, với người “theo dõi tích cực”. Nhóm này chỉ chọn sự chữa trị nếu bệnh tiến triển.

Tỷ lệ tử vong vì bệnh này rất thấp, chỉ 1 % số bệnh nhân qua đời 10 năm sau khi được chẩn đoán. Nhưng bệnh này dễ tiến triển nơi người chọn cách “theo dõi tích cực” thay vì chữa trị sớm. Khoảng một nửa số bệnh nhân tham gia cuộc nghiên cứu từng bắt đầu chọn cách “theo dõi tích cực” cuối cùng đều phải chịu phẫu thuật hoặc xạ trị.

Nhóm bệnh nhân này vẫn được theo dõi, nhằm để biết tỷ lệ tử vong có tăng hay không nơi người chọn cách “theo dõi tích cực”. Nhóm bệnh nhân phải thường xuyên đến bệnh viện để khám, đôi khi phải lấy sinh thiết và thử máu để tìm  kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền (PSA) một chất có thể chỉ ra bệnh đang nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine, lần đầu tiên cung cấp thông tin chi tiết của bệnh nhân về các phản ứng phụ của sự chữa trị. Ví dụ: đàn ông phải chịu phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt đều có thể bị bất lực kéo dài hoặc bị tiểu tiện mất tự chủ.

Người chịu xạ trị thì phải chịu những vấn đề về ruột 6 tháng sau khi chữa trị nhưng không bị tiểu tiện mất tự chủ. Hoạt động tình dục cũng bị giảm thiểu sau khi xạ trị, nhưng dần phục hồi.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường phát rất chậm, nhưng cũng có các ca phát nhanh bệnh dẫn đến cái chết. Sự  không chắc chắn này khiến nhiều người bị bối rối, nhất là vì các vấn đề về ruột, bàng quang và bị trục trặc về tình dục sau khi chữa trị. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Freddie C. Hamdy quyết xóa bỏ sự bối rối này. Họ nói phát hiện của nghiên cứu sẽ giúp trấn an nam giới rằng phẫu thuật và xạ trị là lựa chọn hợp lý ngay từ giai đoạn đầu mắc bệnh.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Hamdy nói: “Nay tôi đã có thể tư vấn tốt hơn, chính xác hơn cho bệnh nhân, nguy cơ chết vì bệnh này rất thấp. Nếu quí vị chịu chữa trị sớm thì có ích hơn, như ngăn bệnh không lan ra khỏi tuyến tiền liệt, nhưng dĩ nhiên có những phản ứng phụ”.

Bác sĩ Peter T. Scardino, một nhà phẫu thuật tuyến tiền liệt tham gia cuộc nghiên cứu, nói nghiên cứu này quan trọng, vì trước đây không có dữ liệu so sánh về phẫu thuật, xã trị và “theo dõi tích cực” nơi người được chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt.

Ông nói các phát hiện xác nhận rằng “theo dõi tích cực” là một lựa chọn thích hợp của nhiều nam giới, và chỉ 1/3 số bệnh nhân mới cần chữa trị trong vòng 10 năm. Nhưng ông cũng nhấn mạnh việc “theo dõi tích cực” phải được thực hiện thường xuyên và theo dõi kỹ trong suốt phần đời còn lại của bệnh nhân.

+ Khoảng 40-50 % đàn ông Mỹ được chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt nay chọn biện pháp “theo dõi tích cực”.

+ Trên thế giới, có khoảng 1,1 triệu ca ung thư tuyến tiền liệt và 307.000 người chết vì bệnh này hồi năm 2012 (dữ liệu mới nhất của Cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư).

+ Ở Mỹ có 181.000 ca và trong năm 2016 có 26.000 người qua đời. Tuổi trung bình phát bệnh ở Mỹ là 66 tuổi, và bệnh này hiếm khi xảy đến với nam giới dưới 40 tuổi. Đa số người bệnh không chết vì nó, theo Hội ung thư Mỹ.

Vĩnh Thụy ((Theo Thời Đại))