Ước mơ, hoài bão và những câu chuyện cuộc đời!

568
Tác giả - đại diện BTC trao giải cho các thí sinh. Ảnh BSA Media
NGUYỄN CẨM CHI (*)
Vai trò đầu tiên tôi nhận lời tham gia với cuộc thi, là vai trò một mentor để hướng dẫn các bạn trong các lớp tập huấn về tài chính. Mặc dù đã làm tài chính hơn 20 năm, nhưng mỗi lần chuẩn bị bài giảng để chia sẻ với các bạn, tôi lại có cảm giác tôi học được từ các bạn nhiều hơn là tôi dạy các bạn.
Những mô hình kinh doanh cần gọt dũa lại, những ý tưởng khởi nghiệp đang gần chín, hay thậm chí những sản phẩm chỉ một chút nữa thôi chạm tới thành công… là những bài học cho chính tôi để tìm ra cách tư vấn cho các bạn thế nào để các bạn vừa biết cách làm, vừa được động viên và cảm thấy tự tin trên con đường các bạn lựa chọn. Khác với những bài học một chiều theo kiểu cô giảng – trò nghe, chúng tôi đào tạo, tập huấn và tư vấn trong cùng một lúc.
Có những buổi học, thời lượng giảng của tôi rất ít, chỉ vừa đủ để đưa lượng kiến thức nền cần thiết đến với các bạn, sau đó là hướng dẫn các bạn với các mẫu biểu báo cáo cần thiết khi khởi nghiệp và yêu cầu các bạn tự lấy số liệu của mình, rồi lên trình bày cho các bạn học cùng nghe. Các bạn học cùng thì không chỉ nghe, mà còn phản biện, đặt câu hỏi, và thậm chí tư vấn luôn cho bạn học của mình. Những buổi học như thế, tôi ngồi nghe và lòng tràn đầy xúc động, vì cách các bạn học từ chính câu chuyện của người bạn mình, từ việc tư duy để phản biện, và lắng nghe để thấu cảm … là những điều không người thầy nào làm được – ngoài chính các bạn. Với vai trò là người cố vấn cho các bạn, tôi được các bạn đặt niềm tin và chia sẻ nhiều khúc mắc trong quá trình kinh doanh.
Thậm chí, danh sách bạn bè của tôi trên facebook dài dần ra sau mỗi buổi đào tạo và chúng tôi biến chuyển mối quan hệ cô -trò thành bạn bè, người thân, để động viên nhau trong cuộc sống hàng ngày. Vai trò tiếp theo tôi được mời vào vai, là làm giám khảo lựa chọn các dự án ở vòng bán kết.
Đọc 163 dự án – 163 bài thuyết minh các bạn gửi về, tôi như lạc vào một thế giới của những ước mơ, hoài bão và câu chuyện cuộc đời các bạn.
Có những dự án đầu tư rất bài bản, tranh ảnh đẹp, cấu trúc rõ ràng; có những dự án sử dụng cùng nhau một vài template đâu đó chắc các bạn có bảo cho nhau để đầy đủ thông tin; có những dự án thô sơ, chỉ kể câu chuyện mình muốn làm và ao ước; cũng có cả những dự án của các bạn sinh viên khởi nghiệp, chỉ vừa bước qua câu chuyện trong giảng đường đại học với sự hướng dẫn của thầy cô…
Lựa chọn và gạt bỏ đi Tác giả – đại diện BTC trao giải cho các thí sinh. Ảnh BSA Media gần một nửa để 88 dự án lọt vào bán kết, là một lựa chọn khá là khó khăn với chúng tôi lúc đó. Cuộc thi vào bán kết, tôi được mời tham dự với tư cách là thành viên Ban giám khảo cho vòng Bán kết tổ chức ở TP.HCM. Tuy thế, tôi vẫn tham gia buổi thi bán kết ở Hà Nội vì tôi háo hức với các dự án ở miền Bắc. Và buổi thi bán kết tổ chức ở Hà Nội thực sự để lại ấn tượng với tôi, vì sự thân tình các bạn dành cho nhau, và sự hào sảng, thân thiết, hỗ trợ nhau của các bạn.
Tôi nhớ mãi bạn Phó Bí thư tỉnh đoàn Bắc Kạn, tự lái xe đưa bốn bạn thí sinh của tỉnh mình lên Hà Nội dự thi, cô cán bộ đoàn nhiệt tình cổ vũ nhiệt liệt và hát rất hay ấy làm tôi ấn tượng với một thế hệ cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình và hết mình như thế. Các dự án khởi nghiệp ở miền Bắc có một đặc điểm rất hay là nhiều dự án của các bạn đồng bào dân tộc, với nhiều đặc sản địa phương như chè chốt Hà Giang, bún ngũ sắc Bắc Cạn, ếch hương Cao Bằng… Sản phẩm hay, và đam mê cũng lớn. Tôi không thể quên chị Ván Thị Chi – dân tộc Pà Thẻn với dự án HTX thêu thủ công, và chắc nhiều người trong khán phòng hôm ấy cũng sẽ rất nhớ.
Khi chị nói về bộ quần áo dân tộc của chị mỗi khi khoác lên người là mang lại cho chị một luồng năng lượng vô biên, để chị tự tin giới thiệu về nét văn hóa dân tộc của mình – một dân tộc giờ chỉ còn hơn 150 hộ dân sinh sống trên địa bàn Hà Giang, và chị khao khát giữ gìn hồn cốt của dân tộc ấy qua những tấm vải dệt tay với hoa văn cách điệu từ con chó. Dự án của chị không được chọn vào chung kết, nhưng tinh thần của chị thì tôi ấn tượng thật sự khó quên.
Nếu dự án ở Hà Nội nhiều sản vật địa phương của các vùng núi cao và dân tộc thiểu số, thì ở miền Nam với hai đợt thi bán kết ở An Giang và TP.HCM lại có nhiều sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Khi chúng tôi chấm bán kết tại TP.HCM, có những dự án ứng dụng công nghệ cao do những người thầy – giảng viên đại học – tham gia thi, và cũng có cả những dự án đã thành công rực rỡ trên thương trường, nhưng muốn thi để được học, được giao lưu, kết nối và được tư vấn.

Ống hút gạo – OHUGA giành giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo 2022

Đi thi là để học
Tác giả Nguyễn Cẩm Chi
Các bạn thí sinh nói với chúng tôi, là các bạn đi thi là để học, và cũng với tinh thần đó, các thành viên trong Ban giám khảo chấm điểm nhưng thường tư vấn ngay tại chỗ cho các bạn về dự án của các bạn, thậm chí kết nối ngay các bạn với các doanh nghiệp lớn khác để các bạn có thể mở rộng quy mô kinh doanh. Các bạn thật sự nuốt lấy từng lời của Ban giám khảo, ví dụ như anh Tuấn tư vấn cho các bạn về tư duy sản phẩm thế nào, về mô hình kinh doanh ra sao, hay anh Phan Bửu Toàn thường quan tâm việc các bạn gắn sản phẩm vào các dịch vụ du lịch sinh thái bản địa, hay thầy Minh quan tâm đến các quy chuẩn chất lượng và yêu cầu các bạn kiểm định sản phẩm của mình thật chắc chắn và chính xác trước khi đưa ra thị trường.
Cá nhân tôi, với chuyên môn tài chính, thường nói với các bạn về việc quản lý vốn và quy mô đầu tư, để các bạn không quá lạc quan với mô hình kinh doanh của mình mà quên đi rằng mình đang khởi sự, tập trung vào trước mắt và quản lý đồng vốn của mình cho tốt. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất và tự hào nhất của tôi, đó là được gặp lại 28 dự án vào Chung kết cuộc thi, và nhìn nhận thấy sự trưởng thành của các bạn sau một thời gian ngắn kể từ Bán kết. Những gương mặt đã thành thân quen, khi gặp lại trưởng thành hơn, chững chạc hơn và đầu tư bài bản hơn, vững vàng hơn khi trình bày với ban giám khảo.
Từ những lời khuyên nhỏ của chúng tôi ở vòng bán kết như sản phẩm của Seri Choice làm hộp thạch lớn quá, không có lợi để bán một lần, hay mô hình kinh doanh của sữa chua sấy lạnh đang bị lẫn lộn giữa công nghệ và sản phẩm …, các bạn đã lập tức suy nghĩ chín chắn và thay đổi ngay trước vòng thi chung kết. Sáng ngày thi chung kết, khi các bạn đang chuẩn bị hàng hóa để bày ra trưng bày ở một Phiên chợ xanh đặc biệt – tổ chức ngay tại Dinh Thống Nhất – Tp HCM, thì có một bạn hào hứng chạy vội ra nắm tay tôi chia sẻ: Cô ơi cô, hôm trước cô khuyên em, em về em nghĩ kỹ lắm cô, rồi em làm lại giá bán sản phẩm, kích cỡ sản phẩm và tính toán lại điểm hòa vốn của em. Tháng rồi em có lãi rồi cô, em vui lắm cô … Bạn cứ tíu tít như thế, mình ngỡ ngàng vui lây và cảm thấy những gì vô hình đang dần dần có hình hài cụ thể trong những dự án khởi nghiệp này.
KHÉP LẠI ĐỂ ĐI TIẾP!
Chung kết, các bạn được gặp các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam như cô Phạm Chi Lan (Chuyên gia kinh tế), thầy Phan Thanh Bình (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM), cô Vũ Kim Hạnh (Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao), chú Nguyễn Lâm Viên (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit; Phó chủ tịch Thường trực Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao), chú Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch HĐQT Cty Rynan Holding; Chủ tịch Hiệp hội DN người VN ở nước ngoài; Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), anh Hà Việt Quân (Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia), chị Nguyễn Phi Vân (Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam; Chủ tịch Cty Retail & Franchise Asia; Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia), cô Đàm Sao Mai (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM), Thầy Phan Văn Minh (Nguyên trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường – Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường – ĐH Nông lâm TP.HCM), thầy Phan Bửu Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch TP.HCM).
Như cô Chi Lan phát biểu trước giờ trao giải, các dự án đều nổi bật lên một khát khao khởi nghiệp và tình yêu với sản phẩm của các bạn, và hơn thế nữa, các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng đổi mới sáng tạo của các bạn thực sự là hướng đi mới và mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam vươn tầm ra thế giới và tận dụng được lợi thế của một nước nông nghiệp. Các bạn không chỉ khởi nghiệp, các bạn còn làm vì đam mê của tuổi trẻ, của hoài bão và giấc mơ về quê hương, về những đặc sản bản địa mà các bạn mong muốn giữ gìn.
Và vì thế, ý nghĩa của cuộc thi càng lớn hơn vì lý tưởng đó được hỗ trợ bởi những giải thưởng thiết thực, những đợt tập huấn chuyên sâu cần thiết cho chính mô hình kinh doanh của các bạn, và mạng lưới cố vấn, chuyên gia và đối tác tuyệt vời mà các bạn đã có sau 6 tháng tham gia cuộc thi. Những dự án được lựa chọn trao giải là những dự án hoàn chỉnh về mô hình kinh doanh, có sự đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ, có tính cộng đồng và phát triển bền vững, đồng thời đã thể hiện được khả năng bán hàng và tiếp thị đến khách hàng tiềm năng… Có lẽ sự đặc biệt của cuộc thi này, là dù có giải hay không có giải thưởng, các bạn vẫn vui mừng chúc mừng bạn bè mình, vì các bạn là một cộng đồng của những người dám mơ giấc mơ của mình.
Cuộc thi khép lại, cũng vừa lúc năm 2022 bước chân vào quý cuối cùng, để chuẩn bị mở ra một năm mới với nhiều ước vọng mới. Chúng tôi sẵn lòng tiếp tục đồng hành cùng các bạn – những người mơ giấc mơ xanh về một Việt Nam xanh.
(*) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYe) – Đơn vị đồng tổ chức Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo 2022