Van Gogh – Nghệ thuật để yêu thương

    179
    Van Gogh, đã có quá nhiều sách về cuộc đời của ông, mà ở VN vừa năm ngoái đã có cuốn Khát vọng sống, 526 trang, dịch từ cuốn tiểu thuyết Lust of Life của Irving Stone, ra từ năm 1934, lên phim năm 1956, thắng một giải Oscar, và khiến cả thế giới có ấn tượng Van Gogh giống hệt tài tử Kirk Douglas cường tráng và điên loạn.
    Tôi nghĩ chắc vì không muốn dịch phẩm này gợi một cảm giác bội thực kiểu “lại một cuốn nữa về cuộc đời Van Gogh”, nên nhà làm sách Omega+ mới bỏ phần “Cuộc đời” trong đầu đề nguyên tác đi như vậy. Một quyết định rất tinh tế, khiến cho bản dịch gợi một cảm giác khác lạ, vừa đánh đố vừa thách thức. “Van Gogh” – thế thôi. Đáng trân trọng hơn nữa là cả bốn dịch giả này đều có lời bộc bạch rất tâm huyết về công việc của mình trong phần Lời tựa của nhóm dịch ở ngay đầu sách; còn người hiệu đính thì có hẳn một “Thư gửi chúng ta: Những Vincent và theo thời hiện đại”- một tiểu luận đặc sắc khiến người đọc vỡ lẽ rằng câu chuyện Van Gogh cũng là câu chuyện thân phận con người liên quan đến tất cả chúng ta. Thật xúc động khi một người hiệu đính sách nói với ta thế này: “Xin cảm ơn tất cả bạn đọc sẽ tham gia cuộc hành trình 37 năm của Van Gogh trong cuốn sách này cùng chúng tôi, rất mong qua đó chúng ta sẽ cảm thông cho nhau, trân trọng cuộc đời và thêm yêu mình
    yêu người.”
    Steven Naifeh và Gregory White Smith, cả hai đều là học giả, luật sư và nghệ sĩ, và đều chuyên sâu về lịch sử nghệ thuật. Họ đã cùng nhau làm nhiều việc về luật, viết 18 cuốn sách về nhiều đề tài khác nhau. Đặc biệt, cuốn Jackson Pollock – An American Saga (Jackson Pollock – Khúc tráng ca Mỹ) của họ, với hơn 900 trang sách, đã đoạt giải Pulitzer năm 1991 trong thể loại tiểu sử và tự truyện. Mười năm sau đó, họ bắt đầu công trình tiểu sử của Vincent Van Gogh. Và phải hơn 10 năm nữa, tới 2011, cuốn Van Gogh – The Life của họ mới ra đời. Cũng với 900 trang sách (vượt quá hợp đồng 600 trang với nhà xuất bản) và bao gồm những 6.000 trang chú giải, chứa đựng 28.000 ghi chú và tiểu luận nghiên cứu để biên soạn cuốn sách; đây quả thật là một công trình vĩ đại nhất về Van Gogh. Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam phải làm cả một trang mạng (vangohbiography.com) bổ sung cho cuốn sách, chứa đựng tất cả 6.000 trang chú giải được tổ chức để người đọc truy cập tra cứu dễ dàng.
    Trong những năm làm cuốn này, Greg còn phải điều trị ung thư não phát hiện từ 1975, thử nghiệm các phác đồ mới rất gian khổ. Hai người bạn đặc biệt này đã chính thức cưới nhau sau khi hoàn thành công trình kỳ vĩ này năm 2011. Và chỉ ba năm sau thì Greg qua đời.
    Đặc biệt, trong khi tất cả các sách khác đều quy cái chết của Van Gogh là tự sát, với nhiều lý giải có phần khiên cưỡng, thì Steven và Gregory lại tin rằng Van Gogh bị người khác bắn chứ không phải tự sát, với những bằng chứng rất thuyết phục. Chi tiết này khiến chúng ta có một cái nhìn khác hẳn về Van Gogh, đẹp đẽ, hào hiệp và sang trọng hơn nhiều. Chắc hẳn các nhà làm phim Ngưỡng cửa Vĩnh hằng đã bị cuốn sách của Steven và Gregory thuyết phục, nên họ mới dùng giả thuyết Van Gogh bị bắn mà chết để kết thúc bộ phim của họ. Câu chuyện của Steven và Gregory về những gì đã diễn ra giữa Van Gogh và Paul Gauguin, rất quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của cả hai người, cũng cụ thể về sự kiện, sâu sắc về lý giải như vậy, đáng tin và có ý nghĩa hơn nhiều.
    Sách Omega+ lại còn có món quà tặng đặc biệt cho bạn đọc: hơn chục bức thư của Van Gogh, trong một bao thư kiểu xưa có gắn xi đóng dấu tên của người gửi: Vincent Van Gogh. Như một bút tích của danh hoạ gửi tận tay bạn đọc bộ sách này.
    Ngân Hà lược trích (Theo TGHN)
    Nếu thế giới này được xây dựng bằng đồng tiền, thì ai sẽ bán nó đi?