Vận tải biển ASEAN – Mỹ hiện “rất ảm đạm”, nhưng cước sẽ tăng mạnh từ tháng 9

Tàu đang nhập hàng tại cảng Sài Gòn. Cước tàu biển xuyên Thái Bình Dương tiếp tục giảm trong đầu năm 2025 do nhu cầu thấp. Ảnh: AP

Cước phí container xuyên Thái Bình Dương đã không gia tăng đột biến sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước. Tuy vậy, các nhà phân tích nói cước tàu biển từ Đông Nam Á sang Mỹ sẽ tăng mạnh từ tháng 9 khi các nhà nhập khẩu Mỹ mua thêm hàng.

Hoạt động thương mại đã tăng vọt tại các trung tâm sản xuất thiết bị điện tử của Đông Nam Á trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, khi người mua trữ hàng nhằm chuẩn bị cho sự gián đoạn thương mại trong trường hợp ông Trump thắng cử tại Mỹ.

Chỉ số vận chuyển container Thượng Hải (SCFI), theo dõi giá giao ngay đối với các container xuất khẩu từ Thượng Hải và được coi là thước đo hoạt động của khu vực, đã tăng vọt vào tháng 10 và duy trì ở mức cao cho đến tháng 1. Nhưng chỉ số này đã có xu hướng giảm kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, theo truyền thống đánh dấu sự chậm lại trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Chỉ số này vẫn giảm trong suốt tháng 2, ngay cả khi ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc, Mexico và Canada, những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Giá cước SCFI đến Bờ Tây nước Mỹ hiện đã xuống dưới 2.500 đô la cho mỗi đơn vị tương đương bốn mươi feet (FEU) lần đầu tiên kể từ tháng 1-2024, theo hãng tư vấn vận tải Linerlytica.

“Cước tàu biển vẫn đang có xu hướng giảm theo nhu cầu toàn cầu hiện nay. Năm ngoái, chúng tôi đã chứng kiến ​​nhu cầu cao do chủ hàng muốn giành quyền xếp hàng ưu tiên (front loading hay priority loading) cho hàng hóa trên tàu”, Chaichan Chareonsuk, chủ tịch Hội đồng các hãng tàu biển quốc gia Thái Lan (TNSC) nói với Nikkei Asia.

Giá cước vận chuyển giảm đã buộc các hãng tàu container phải cắt giảm công suất. MSC đã hủy kế hoạch khởi động lại dịch vụ xuyên Thái Bình Dương Mustang,  trong khi các liên minh Premier và Ocean đang tạm dừng các dịch vụ xuyên Thái Bình Dương mới và một dịch vụ giữa châu Á và châu Âu.

Các hãng tàu thưởng hủy chuyến hoặc bỏ cảng (blank sailing), nhằm giảm nguồn cung vận tải để đẩy giá cước lên cao. “Dù các hãng tàu đang hủy chuyến hoặc bỏ cảng nhằm có thể tăng cước phí, giá vận tải biển vẫn đang ở mức thấp. Mọi người dường như đều cảnh giác về thuế quan”, đại diện của một hãng vận tải biển Singapore nói.

Linerlytica cho rằng kế hoạch tăng giá cước của các hãng tàu khó có thể xảy ra vì thuế quan của Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến khối lượng hàng hóa xuyên Thái Bình Dương “rất ảm đạm”.

Chaichan của TNSC nói rằng “Tác động không phải là ngay lập tức vì các công ty đã tích trữ hàng trước đó. Tác động có nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm”. Vận tải biển xuyên Thái Bình Dương thường bắt đầu tăng vào tháng 9, khi các nhà xuất khẩu gửi hàng để bán vào dịp lễ cuối năm.

Giám đốc của một trong những hãng tàu biển lớn nhất Malaysia cho rằng có khả năng sẽ có sự gia tăng đột biến vào nửa cuối năm khi khối lượng xuất khẩu từ Đông Nam Á tăng lên như một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc. “Năm nay là một năm bất ổn mới đối với ngành vận tải biển và họ sẽ hoan nghênh điều này vì sự bất ổn dẫn đến giá cước cao hơn”.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media