Việt Nam có 3 kỳ lân, 11 công ty trị giá hơn 100 triệu đô từ vườn ươm 3.000 startup

Tại một quán cà phê chấp nhận thanh toán bằng ví MoMo. Ví điện tử này tuyên bố hiện họ có 31 triệu người dùng.

Với vòng gọi vốn thứ 5 trị giá 200 triệu USD, ví điện tử MoMo trở thành công ty khởi nghiệp đạt giá trị 2 tỷ USD. Đây là kỳ lân thứ ba tại Việt Nam sau hãng công nghệ VNG và ví điện tử VNPay.

Vòng gọi vốn series kết thúc hôm 20-12 với các nhà đầu tư do ngân hàng hàng đầu Mizuho của Nhật Bản dẫn dắt, gồm Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Giám đốc mảng bán lẻ Daisuke Horiuchi của tập đoàn đầu tư Mizuho nói rằng hiện tập đoàn không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á, cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện.

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trong năm 2021 này. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và là mức cao nhất từ trước tới nay – theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, ba doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD – còn gọi là kỳ lân. Ngoài rà, còn có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD. Đây cũng là một năm thành công của các startups trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử, ẩm thực, trò chơi điện tử và công nghệ blockchain – Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” trong tuần rồi.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Riêng ệ sinh thái TPHCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nói rằng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung (co-working); 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho startup, giúp công ty khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.

Ông cũng nhấn mạnh: “Hiện nay là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo”.

Ông cho rằng cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các startup cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.

Doanh nghiệp thế giới “kêu trời” trước các quy định nhập khẩu mới của Trung Quốc