Việt Nam ứng phó như thế nào trước các kịch bản thuế đối ứng của Mỹ?

Ký kết biên bản ghi nhớ về thiết lập khuôn khổ hợp tác tạo thuận lợi cho giao dịch và nhập khẩu nhiên liệu sinh học giữa Petrolimex và Marquis Energ. Ảnh: baochinhphu.vn

Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa các nước vào ngày 2-4 sắp tới. Việt Nam có thể là mục tiêu kế tiếp hay không đang là quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sau khi ông Trump đã công bố các mức thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc…

Các hoạt động ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam đang diễn ra tấp nập trước cột mốc ngày 2-4. TS Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Khoa Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam, đã trao đổi về khả năng Mỹ sẽ áp thuế đốii với hàng nhập khẩu từ Việt Nam và các ứng phó có thể từ Việt Nam.(*)

Trong bối cảnh nào, Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump?

TS Chu Thanh Tuấn: Có ba lý do chính khiến Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách thuế quan của Mỹ.

Thứ nhất, mức thặng dư thương mại cao. Việt Nam hiện có thặng dư thương mại hơn 123 tỉ đô la** với Mỹ, một con số rất lớn. Đối với Tổng thống Trump, thâm hụt thương mại luôn là một vấn đề cần phải giải quyết, và những nước có thặng dư lớn với Mỹ thường bị đưa vào tầm ngắm.

Thứ hai, nghi ngờ về gian lận xuất xứ. Trong thời gian qua, Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng một số hàng hóa từ Trung Quốc có thể đang “đội lốt” hàng Việt Nam để né thuế. Dù Việt Nam đã siết chặt các quy định về xuất xứ, Mỹ vẫn có thể coi đây là một lý do để áp đặt thuế quan.

Thứ ba, chính sách thuế “có đi có lại”. Mỹ có thể viện dẫn việc thuế suất nhập khẩu bình quân của Việt Nam cao hơn Mỹ để biện minh cho một chính sách thuế đối ứng.

Mặc dù Việt Nam chưa bị Mỹ chính thức nhắm đến trong các tuyên bố gần đây, nhưng những động thái của Washington cho thấy rằng Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro tiềm tàng.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra và Mỹ quyết định áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, tác động kinh tế sẽ như thế nào? Đâu là những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất? Và quan trọng hơn, Việt Nam có thể làm gì ngay từ bây giờ để giảm thiểu rủi ro và tìm cách duy trì quan hệ thương mại ổn định với Mỹ?

TS. Chu Thanh Tuấn: Trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump, Việt Nam cần có một chiến lược chủ động và linh hoạt để bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Nếu chỉ phản ứng thụ động khi chính sách thuế quan đã được ban hành, Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán với Mỹ cũng như trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Vì vậy, có ba nhóm giải pháp chính mà Việt Nam cần xem xét ngay từ bây giờ.

Thứ nhất, chủ động thảo luận, thương thuyết với Mỹ để làm rõ bản chất của thặng dư thương mại. Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam có thể bị áp thuế là mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được sản xuất bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bao gồm nhiều công ty của Mỹ. Điều này có nghĩa là lợi nhuận cuối cùng từ những sản phẩm đó không hoàn toàn thuộc về Việt Nam, mà phần lớn quay trở lại các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ.

Việt Nam cũng cần nhấn mạnh rằng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam không phải là một hình thức trốn tránh thuế mà là một quá trình tái cấu trúc sản xuất toàn cầu hợp lý. Điều này không chỉ giúp các công ty Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh mà còn giúp giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ.

Thứ hai, tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại. Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm áp lực từ chính quyền Trump là gia tăng nhập khẩu từ Mỹ nhằm giảm mức thặng dư thương mại. Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành, thịt bò, ngô, lúa mì – những mặt hàng mà Mỹ đang dư thừa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo và khí LNG, vì vậy việc mua LNG từ Mỹ không chỉ giúp cân bằng thương mại mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.

Một lĩnh vực khác có thể giúp Việt Nam gia tăng nhập khẩu từ Mỹ là hàng không và công nghệ cao. Các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines và VietJet đã ký các hợp đồng mua máy bay Boeing, nhưng có thể đẩy nhanh quá trình nhận hàng để tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam có thể xem xét đặt hàng thiết bị công nghệ, thiết bị y tế, và các sản phẩm quốc phòng từ Mỹ để tạo thêm giá trị thương mại hai chiều.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại và đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ. Một trong những lý do chính khiến Mỹ lo ngại về thương mại với Việt Nam là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để né thuế. Dù chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp siết chặt quy định xuất xứ, nhưng cần phải tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát thương mại, đặc biệt là trong việc chia sẻ dữ liệu hải quan để chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam thực sự có nguồn gốc rõ ràng và giá trị gia tăng nội địa cao. Nếu Mỹ thấy Việt Nam có nỗ lực minh bạch trong thương mại, khả năng bị áp thuế sẽ giảm đi đáng kể.

Cuối cùng, đẩy mạnh đàm phán cấp cao với chính quyền Trump để tránh bị áp thuế. Việt Nam có thể chủ động đề xuất một khuôn khổ hợp tác kinh tế đặc biệt với Mỹ thay vì chờ đợi Mỹ ra quyết định áp thuế. Chẳng hạn, hai nước có thể đạt một thỏa thuận tự nguyện hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhất định, giống như cách Nhật Bản đã từng làm với ô tô vào thập niên 1980 để tránh thuế quan từ Mỹ.

Nếu Việt Nam có thể chứng minh rằng mình là một đối tác kinh tế đáng tin cậy của Mỹ, không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn trên lĩnh vực an ninh – chiến lược, Mỹ có thể cân nhắc không áp thuế hoặc chỉ áp dụng các biện pháp nhẹ hơn.

Việt Nam có thể chứng minh rằng mình là một đối tác kinh tế đáng tin cậy của Mỹ, không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn trên lĩnh vực an ninh – chiến lược” – TS Chu Thanh Tuấn

Thưa, Việt Nam sẽ làm thế nào để có thể thích ứng với các căng thẳng thương mại hiện tại và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn?

TS. Chu Thanh Tuấn: Dù đối diện với nguy cơ bị áp thuế, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội quan trọng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Khi các công ty đa quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn để tái định vị chuỗi cung ứng.

Một trong những cơ hội lớn nhất là việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Intel và Foxconn đã mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong những năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục. Nếu Việt Nam có thể tận dụng làn sóng dịch chuyển này một cách hiệu quả, nền kinh tế sẽ không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu mà còn phát triển mạnh trong các ngành công nghệ cao, tự động hóa và sản xuất linh kiện điện tử.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia các hiệp định quan trọng như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Những hiệp định này mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, giúp giảm thiểu rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ.

Một điểm đáng chú ý nữa là xu hướng phát triển công nghiệp nội địa và sản phẩm công nghệ cao. Nếu Việt Nam có thể khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ làm gia công, nền kinh tế sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Ví dụ, việc đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống như dệt may và da giày.

Về mặt địa chính trị, Việt Nam cũng đang có cơ hội để tăng cường quan hệ chiến lược với Mỹ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn về an ninh – quốc phòng. Quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023, và nếu Việt Nam có thể tận dụng mối quan hệ này để đạt các thỏa thuận thương mại linh hoạt hơn, Mỹ có thể xem xét miễn hoặc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam.

Trong khi đó, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – ASEAN (USABC) đang dẫn đầu nhóm các giám đốc điều hành cấp cao từ 58 công ty Mỹ hàng đầu đến Hà Nội để tham dự Phái đoàn Doanh nghiệp 2025 tại Việt Nam từ ngày 18 đến 20-3. Tiếp theo đó là đoàn 64 công ty Mỹ trong các ngành khoa học đời sống và sức khỏe đến Hà Nội trong hai ngày 20 và 21-3. Đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay thăm và tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Trước đó, theo TTXVN, nhân chuyến thăm Washington của Bộ trưởng Thương mại Nguyễn Hồng Diên – đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, hôm 13-3 Việt Nam và Mỹ đã ký kết các dự án mới trị giá 4,15 tỉ đô la. Đồng thời, hai bên sẽ triển khai từ năm 2025 các dự án trị giá 50,15 tỉ đô la đã ký trước đó và đang thảo luận các dự án tiếp theo khoảng 36 tỉ đô la.

Ricky Hồ / BSA Media

(*): Phần Q&A của TS Chu Thanh Tuấn do Đại học RMIT Việt Nam cung cấp, một vài chỗ trong các câu hỏi và trả lời được BSA Media biên tập lại cho rõ ý. Phần đề dẫn và chú giải là của biên tập viên BSA Media.

(**) Với chênh lệch 123,5 tỉ đô la, Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba trong năm 2024 với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam là gần 110 tỉ đô la.