Vợ chồng công chức nghỉ việc đi trồng rau sạch

    99
    Vợ chồng anh Quả, chị Thủy nhận quà từ các startup tham quan trang trại
    Công việc ổn định tại viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ ở thành phố biển Quy Nhơn, nhưng vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thanh Thủy đã xin nghỉ việc về quê. Nhiều người bất ngờ khi thấy vợ chồng họ mua đất để chỉ trồng rau.
    Khùng điên nghỉ việc
    Giữa năm 2016, anh Quả, chị Thủy bắt đầu trồng rau trên mảnh đất đồi có diện tích 2,5 héc ta đất mua trước đó ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Những ngày đầu xắn tay áo vào làm nông nghiệp, vừa thuê máy làm đất, giải phóng mặt bằng, và dù có trình độ chuyên môn, có hơn 10 năm chuyên nghiên cứu về các giống rau, nhưng khi bắt tay vào việc trồng rau như một nông dân thực thụ, quả là thử thách quá lớn với họ. Sau thời gian ngắn, vốn liếng cạn dần, họ bắt đầu vay mượn và quyết định đánh cược với bước ngoặt cuộc đời mình.
    Đất đai, con người và cây trồng ở đây luôn phải hứng chịu cái nắng cháy da cháy thịt vào mùa hè hay những đợt không khí lạnh tê tái vào mùa đông. Thế nhưng, vợ chồng anh đã tìm ra được những ý tưởng để giúp cây trồng khắc chế được thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Nhắc đến quyết định nghỉ việc cùng lúc cả vợ lẫn chồng để về sản xuất nông nghiệp, anh Quả chia sẻ rằng, đây là quyết định hết sức khó khăn. Bởi cả hai đều làm viên chức nhà nước, có nguồn thu nhập ổn định nên khi nghỉ việc, nhiều người, nhất là bạn bè, người thân dè bỉu, phản đối. Ngay cả người thân còn yêu cầu chị Thủy đưa anh Quả đi khám xem có bị bệnh tật gì hay “khùng điên” mà kéo cả vợ nghỉ việc để về kinh doanh.
    Để mọi người thấy hai vợ chồng mình không “khùng điên”, ngoài việc thành lập công ty TNHH MTV An Nông, anh Quả, chị Thủy còn tận dụng những mối quan hệ quen biết trong quá trình làm việc tại cơ quan cũ, đi nhiều nơi để học hỏi, thu thập những giống rau tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Quảng Bình. Sau hai tháng, những mầm xanh đầu tiên đã nhú lên ngay trên mảnh đất vốn ngổn ngang đá sỏi, một vườn rau sạch rộng lớn đã bắt đầu xanh tốt.

    Áp dụng tiêu chí 5 “không”
    Quá trình canh tác, sản xuất nông sản sạch của anh chị đều được bảo đảm sạch từ khâu làm đất, chăm bón đến thu hoạch, đóng gói, theo tiêu chí “5 không” gồm: không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gien, không thuốc trừ cỏ. Và đến nay, sau gần 5 năm, trên mảnh đất cằn năm nào đã có hơn 100 loại rau, củ, cây ăn trái tươi tốt. Mùa nào thức ấy, vườn của anh chị đầy đủ, từ rau ăn lá như cải, xà lách, dền, rau muống, rau khoai, mồng tơi, đến rau gia vị như quế, tía tô, ngò… và cả các loại rau củ quả như cà chua, mướp ngọt, mướp đắng, bầu, bí, cà rốt, dưa chuột…
    Ngoài việc sử dụng phân chuồng ủ hoai mục mua của người dân địa phương, anh Quả còn bổ sung thêm bã thải dầu lạc (đậu phộng) để ủ thành đạm thực vật bón cho cây trồng, chế tác phân hữu cơ thay cho phân hóa học thông dụng và áp dụng hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động. Cùng với đó, bằng những kiến thức có được, vợ chồng anh đã tìm nhiều phương pháp nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại cho rau như: tự làm chế phẩm từ gừng, ớt và tỏi ngâm rượu; trồng cây dẫn dụ sâu bệnh hay nghiên cứu độ che phủ để mang lại hiệu quả cao nhất…
    Anh Lê Đình Quả đang chăm sóc vườn ổi
    Với việc sản xuất tử tế, đảm bảo nguồn nông sản sạch và an toàn, sản phẩm rau, củ, quả mang thương hiệu An Nông của vợ chồng anh được nhiều trường mầm non, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tin tưởng ký hợp đồng dài hạn. Bình quân, mỗi ngày vườn cung cấp ra thị trường khoảng 50 đến 100kg rau củ quả sạch. Khách hàng của anh chị cũng đang mở rộng dần, không chỉ là các trường học, quán ăn mà đã đến tận bàn ăn các gia đình tại thành phố Đồng Hới. Sản phẩm rau sạch mang thương hiệu An Nông đã được cấp chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, đôi vợ chồng này quyết tâm nghiên cứu để sản xuất rau hữu cơ.
    Trước mắt, anh áp dụng cách thức trồng xen canh nhiều giống nông sản trên cùng thửa đất theo cách thuận tự nhiên. Hình thức trồng rau như thế sẽ hạn chế tối đa mầm sâu bệnh phát triển và lây lan nhanh trên cùng một giống rau. Nông trại An Nông còn tiến hành trồng thông và phi lao xung quanh khu đất nhằm cung cấp độ ẩm cũng như hạn chế xói mòn khi mùa mưa bão.
    Niềm vui ở An Nông
    Có biết bao mồ hôi, nước mắt đã rơi vì sâu bệnh, vì khó khăn cho đầu ra. Giờ nỗi cực khổ đã qua, nhường chỗ cho niềm vui thu hoạch rau ngon, quả ngọt. Nhưng với anh Quả và chị Thủy, quan trọng hơn cả là niềm hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ, mang đến cho người dân Quảng Bình những sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn.
    Hai cửa hàng bán nông sản sạch tại Đồng Hới và huyện Bố Trạch, được Sở Công thương tỉnh Quảng Bình chọn là điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP của tỉnh. Trung bình mỗi năm, nông trại của anh chị cho ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm, tạo nguồn doanh thu từ 700 đến 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra, dự án của họ còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều nhân công tại địa phương với mức lương trung bình từ 5,5 triệu đồng/tháng.
    Cặp vợ chồng Thủy – Quả không giấu được niềm vui trong ánh mắt khi đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp và nông dân đi tham quan trang trại An Nông của họ.
    Tuấn Nguyễn (Theo TGHN)
    Tiện lợi học tập với văn phòng phẩm Thuận Nam