Vòng Tay Việt đến với học sinh mồ côi: Mỗi hoàn cảnh một câu chuyện buồn

173
Trong 3 ngày qua, tứ 1-3/10/2021, Vòng Tay Việt đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gần 30 em học sinh cấp 3 mồ côi cha, mẹ do Covid 19 trên địa bàn TP Thủ Đức, Quận 3 và Nhà Bè. Trong điều kiện cho phép, Vòng Tay Việt hỗ trợ mỗi trường hợp một khoản tiền mặt 6 triệu đồng để các em có thể trang trải những khoản chi phí cấp thiết nhất lúc này.
Đây là hoạt động tiếp theo của Vòng Tay Việt do Hội DN HVNCLC & BSA phát động, bắt đầu từ 29.5 với 5 chương trình tiếp sức, chia sẻ khó khăn trong đại dịch. Trong chương trình mới này, Vòng Tay Việt dự kiến dành 3 tỷ đồng để cứu trợ sớm cho gần 500 cháu học sinh cấp ba có cha mẹ, người thân (đang nuôi dưỡng cháu) bị mất vì Covid. Đây là số tiền tiết kiệm được từ các nguồn tài trợ và các khoản giảm giá bán hàng của các DN HVNCLC, Hội DN HVNCLC quyết định dành toàn bộ cho chương trình ý nghĩa này.
LÀM SAO ĐO CHIỀU SÂU CỦA SANG CHẤN TÂM LÝ?
Chiều 2/10, chúng tôi đã đến thăm, tặng quà và tiền hỗ trợ 8 trường hợp các em mồ côi ở TP Thủ Đức. Đường về, cả nhóm cùng im lặng, theo đuổi những cảm xúc và suy nghĩ riêng. Không gặp nhiều lời kêu than ai oán hay nước mắt bi thương. Nhưng cảm giác của tôi rất lạ. Đau xót. Chìm lắng. Như cảm được một sang chấn tâm lý lớn mà dò chưa thấy đáy. Thấy rõ hơn ảnh hưởng rất tang thương đột biến mà dịch bệnh quét qua nhanh, để lại hậu quả thảng thốt mà rất lâu dài.
8 trường hợp thì không tiêu biểu cho tất cả tình hình chung, nên ở đây, chúng tôi chỉ ghi lại cảm nhận riêng cho buổi chiều này. Hầu hết người ra đi là phụ nữ. Và ngoài duy nhất một gia đình được công nhận hộ nghèo, còn thì hầu hết đều thực sự là… nghèo. Nên tình cờ, trò chuyện với những người ở lại của mỗi gia đình đều là cùng “hạ thổ”. Mà những người tử vong lại đều đang có vai chính kiếm sống cho gia đình, cùng với ông chồng, hay phải tự gánh hết cuộc sống cả nhà vì chồng đau ốm dài ngày. Khi họ ra đi, thân nhân khộng kịp khóc than bàng hoàng vì lúc đó, các gia đình cũng đang bị phân chia đi cách ly tán loạn. Họ chỉ được bệnh viện báo tin khi người thân ra đi lặng lẽ, bất ngờ.
Bất ngờ đến đổi chỉ có 2 trong 8 trường hợp là kịp có ảnh thờ.
Câu hỏi rất lớn trong đầu chúng tôi sau khi từ giã mỗi gia đình là… rồi họ sẽ sống ra sao, gia đình này? Người ra đi thời gian lâu nhất mới chừng hai tháng, còn hầu hết còn quá mới. Có cảm giác là người thân ở lại vẫn đang không muốn tin rằng người chết đã thực sự ra đi rồi.
Cô con gái 2 tuổi, con của anh C.M.C, đầu bếp khách sạn 5 sao N. nói với mẹ, ba không có chết mẹ ơi, ba đi làm, mẹ nói vậy con không muốn nghe. Người mẹ, một phụ nữ rất trẻ, trông như chị của cô con gái tên Như Ý, cứ ngậm ngùi nói, ảnh ra đi rồi, bốn mẹ con đang chưa biết tính sao. Ảnh làm “ba tại chỗ” ở cơ quan mấy tháng, chưa về thăm nhà lần nào, rồi bị dương tính, đi bệnh viện và đi luôn. Khó quá,mẹ con tôi mới đến nhận tiền cứu trợ, chứ nếu ảnh còn, chắc ảnh không cho…
Một cô bé khác vừa 4 tuổi, xinh thật xinh thì cứ ôm chặt lấy ba và lắc đầu khi nghe hỏi thăm chuyện mẹ. Những đưa trẻ không muốn nghe, không chịu tin ba hay mẹ cũa chúng đi hẵn rồi.
Cô gái 17 tuổi, tên V.N.T.Đ, nước da ngăm rắn rỏi, ánh mắt cương nghị, kể rằng em phải đi giúp việc ở một tiệm cơm, rửa chén, dọn dẹp, làm tất tần tật mọi thứ để thay mẹ lo tiền thuê nhà, nhưng còn khoản tiền chợ thì chưa biết tính sao vì trước mẹ lo hết khoản đó, trong khi ba bị tai biến đã hai lần, rất yếu. Tuy khó vậy nhưng chúng tôi nhìn cách em nói về sắp xếp mọi việc sắp tới thì cùng thấy an tâm, cô gái trẻ này là “chân truyền” của mẹ đây rồi, trong khi anh ruột của em, 18 tuổi lại bị bệnh hen suyễn.
Những người phụ nữ đã ra đi mà tôi đến thăm nhà chiều qua đều là các tiểu thương, ngày chạy chợ, tối về nấu thức ăn bán tiếp hay lại đi làm dịch vụ nơi khác, đều vì mưu sinh và buộc các con chỉ lo tập trung học cho xong trung học. Cũng dễ hiểu, các bậc cha mẹ đều muốn con mình lo chuyện học thôi, còn mình tất tả ngược xuôi sao cũng xong. Giờ giữa mùa dịch, bỗng các bà mẹ đảm đang ấy vut biến mất, sau vài tháng hoang mang, cả nhà nhận ra khoảng trống lớn rồi, họ sẽ xoay sở ra sao, thật là bài toán khó.
Căn nhà tôi đến thăm sau cùng là một trường hợp đặc biệt. Bên trong cổng rào, là khu nhà xây khá hiện đại, sang trọng (đây là khu Thảo Điền), tôi nhủ thầm, đây là căn nhà khá giả đầu tiên? Khi chúng tôi hỏi nhà cháu K.D, mẹ vừa mất vì Covid thì mọi người đều ồ lên, à, biết rồi, đi lối này.
Đi một đoạn quanh co chúng tôi đi vào cửa một không gian khác hẵn… khu nhà trọ công nhân. Nhìn chung, khu trọ tuềnh toàng, có vẻ nghèo hơn những căn nhà riêng rẻ trước đó. Nhà của cậu học sinh lớp 12 nằm cuối khu trọ, sáng sủa, sạch sẽ nhưng vẫn chật, đến nổi, bước vào trong nhà, ngó quanh không biết ngồi đâu để trò chuyện (100% các nhà chiều nay đều mời chúng tôi ngồi dưới đất nói chuyện), cho đến khi ba của nhân vật chính có sáng kiến mang cái quạt đặt cạnh bàn học thấp của con trai đi nơi khác.
Ba của K.D xởi lởi. Tôi dân Cà Mau, ở đây lâu rồi, Làm thợ hồ, gần đây, làm trưc thang máy cho CT Cotecons. Nghèo nhưng vì bà vợ tôi hay đau yếu nên tôi thuê căn này là căn “cao cấp” nhất khu này để cả ngày bả nằm dưỡng bệnh ở nhà thì sẽ thấy dễ chịu hơn. Vậy mà bả cũng chê, bỏ cha con tui đi luôn. Anh nói xong ngó xa xăm, không gạt nước mắt như cảnh nhà anh… có đưa con gái 4 tuổi, nhưng khoảnh khắc im lặng đó thật là buồn. Lòng thương vợ của ông thợ hồ canh thang máy không giữ được chị ở với anh.
Tóm lại là 8 cảnh nhà tôi đã gặp đều như đang trong tâm trạng bàng hoàng vì sự ra đi quá nhanh, quá thảm khốc của người thân và chừng như họ chưa muốn tin để thu xếp lại cuộc sống không còn hiện diện người thân yêu đó nữa.
Mà cái cảm giác bàng hoàng không muốn tin đó cũng là của tất cả chúng ta khi nghĩ về thành phố mình chỉ thoáng chốc vài tháng qua?
Dưới đây là một số hình ảnh của hoạt động thăm hỏi, trao quà cho các em học sinh cấp 3 mồ côi trong những ngày qua

V.K.H