Bản tin thị trường – ngày 29/1/2021

Thái Lan đã đón chỉ khoảng 6,7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020, giảm 83% từ con số khổng lồ 40 triệu lượt trong năm 2019
Tiêu điểm:
Du lịch Thái Lan dự báo thất thu năm thứ hai liên tiếp
Năm 2021 được dự báo sẽ là năm thứ hai liên tiếp thất thu của ngành du lịch Thái Lan. Tính đến cuối tháng 1 này, hơn 1 triệu công ăn việc làm của ngành du lịch đã biến mất, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, các hãng lữ hành đóng cửa.
Đợt dịch lần thứ hai bùng phát từ tỉnh Samut Sakhon hồi tháng 12 đã khiến 28 tỉnh ở Thái Lan công bố tình trạng “báo động đỏ”, tức cấm đi lại giữa các tỉnh thành. Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp đổ sụp. Hàng trăm đến hàng ngàn khách sạn ở các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng như Hua Hin, Koh Samui, Krabi và Phuket đã đóng cửa và đăng bảng rao bán. Các thương vụ hay doanh nghiệp sống dựa vào du khách sẽ đương đầu với làn sóng phá sản rộng hơn khi đợt dịch lần thứ hai cuốn đi những đồng vốn cuối cùng.
Hãng tư vấn chiến lược Krungthai Compass thuộc Ngân hàng Krung Thai nói rằng đợt dịch lần hai có sức tàn phá mạnh hơn đợt đầu. Chính phủ có thể mất vài tháng để kiểm soát hoàn toàn được dịch. Có nghĩa là ngành du lịch phải chịu tổn thất thêm 100 tỉ baht, khoảng 3,3 tỉ đô la, khi thể trạng đã rất yếu.
Thái Lan đón chỉ khoảng 6,7 triệu lượt khách quốc tế trong năm ngoái, giảm 83% từ con số khổng lồ 40 triệu lượt trong năm 2019. Du khách quốc tế mang lại cho xứ chùa vàng nguồn ngoại tệ lên đến 63 tỷ USD – theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO). Tuy nhiên, các số liệu của chính phủ Thái Lan cho thấy con số này có thể lên đến 100 tỷ USD trong năm 2019.
Dự báo số du khách quốc tế đến Thái Lan trong năm nay có thể đạt 10 triệu lượt khách. Tuy nhiên, con số này chỉ là sự lạc quan chưa trở thành hiện thực.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo đến năm 2024 thị trường hàng không quốc tế sẽ khôi phục như mức độ trước dịch vào năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng ngành hàng không và du lịch có thể mất 10 năm để hồi phục như trước.
“Chúng ta có thể chứng kiến thêm nhiều vụ phá sản và sáp nhập thậm chí trong 10 năm tới. Tình trạng bất định không chỉ trong 2-3 năm, chúng ta đang trong thập niên khó khăn”, theo lời Brendan Sobie, người sáng lập hãng tư vấn Sobie Aviation đặt tại Singapore.
1/ Sáng nay, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 56,15- 56,65 triệu đồng/lượng, tăng 100 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 500 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1842,6 USD/ounce, giảm 2 USD, tương đương 0,11% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng thế giới tiếp tục di xuống khi giới đầu tư lựa chọn tìm nơi trú ẩn ở đồng USD sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo ngại về tốc độ phục hồi chậm chạp của kinh tế tại Mỹ.
2/ Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định công nhận 3 vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Buôn Chóah và hai vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại hai xã Thuận Hạnh và Thuận Hà. Đây là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, thế mạnh, được định hướng sản xuất hàng hóa và tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành, nâng cao thu nhập người dân. Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, chuyên canh, định hướng hàng hóa là một ưu tiên của tỉnh từ nay đến năm 2030. Mục tiêu chính là phát triển nông nghiệp phù hợp với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là hiệu quả kinh tế trên cơ sở huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, mà hạt nhân là các doanh nghiệp.
3/ Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng 6.000 xe hơi nguyên chiếc được nhập khẩu về nước trong tháng 1/2021, giá trị kim ngạch ước đạt 191 triệu USD. Như vậy, so với tháng cuối cùng của năm 2020, kim ngạch nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc tháng đầu tiên của năm nay đã giảm đến 6.690 chiếc về lượng và giảm 117 triệu USD về giá trị. Có thể thấy, mặt hàng xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu đã có cú tụt dốc rất sâu so với trước đó. Đây cũng là hiện tượng dễ hiểu khi tình hình thị trường năm mới 2021 vẫn đang rất khó dự đoán. Ngoài yếu tố sức mua không cao thì hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn đang có những tác động tiêu cực lên toàn nền kinh tế nói chung và ngành xe hơi nói riêng. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho các kế hoạch của doanh nghiệp xe hơi rơi vào tình thế khó đoán định.
Trong tháng 1/2021, chỉ có khoảng 6.000 xe hơi nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam
4/ Bên lề Đại hội XIII của Đảng sáng hôm nay, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ với báo chí về định hướng phát triển ngành nông nghiệp thời gian tới. Theo đó, phát triển kinh tế hợp tác và định vị tốt thị trường sẽ “giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua lời nguyền sản xuất manh mún nhỏ lẻ”. Các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Các công ty khởi nghiệp, các bạn trẻ từ đô thị lớn, có tri thức và nắm bắt được các công nghệ hiện đại sẽ trở về nông thôn, tham gia vào các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử… Thời gian đầu, năng suất có thể giảm xuống nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập, vì lúc đó chất lượng nông sản tăng, thương hiệu nâng lên thì giá bán cũng sẽ cao hơn.
5/ Tổng cục Thống kê vừa công bố, ước tính tháng 1/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Giêng, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tháng 1/2021, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.
6/ Công ty cổ phần Nafoods Group vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV và lũy kế cả năm 2020. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 292 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 12,51 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Nafoods Group, kỳ này chi phí bán hàng giảm. Bên cạnh đó, việc hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty con kéo theo việc được hoàn nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đã làm cho lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo các chỉ tiêu đặt ra trước đó, Nafoods Group đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 95% lợi nhuận sau thuế.
7/ Theo báo cáo của hãng dữ liệu bất động sản UrbanDigs cho biết, các bất động sản mang thương hiệu Trump tại Manhattan đã mất một nửa giá trị so với lúc ông mới bước vào Nhà Trắng. Khảo sát 7 tòa nhà hạng sang mang thương hiệu Trump ở Manhattan cùng với 3 tòa nhà khác từng mang tên Trump, hãng UrbanDigs nhận thấy, ngay cả những bất động sản từng mang thương hiệu Trump cũng đã mất 17% giá trị kể từ năm 2016. Trong khi đó, giá nhà đất trung bình ở Manhattan trong cùng kỳ chỉ giảm 9%. Các tòa nhà của ông Trump đều ở những vị trí đắc địa. Trong đó, nổi tiếng nhất là tòa nhà thương mại và căn hộ mạ vàng Trump Tower. Tòa nhà bao gồm các văn phòng riêng của ông Trump và căn hộ áp mái ba tầng được trang trí công phu.
Tòa nhà của cựu tổng thống Donald Trump tại Manhattan – Ảnh: Fortune
8/ Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo rằng GDP nước này đã tăng 4% trong quý IV/2020. Mức tăng này giảm đáng kể so với kỷ lục 33,4% quý III. Nguyên nhân là sự chậm trễ của chính phủ trong việc đưa ra gói giải cứu mới và hoạt động của doanh nghiệp gián đoạn vì Covid-19. Tính chung cả năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới co lại 3,5% – tệ nhất kể từ năm 1946 và cũng là năm giảm đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2007 – 2009. Gần như mọi lĩnh vực đi xuống. Tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn hai phần ba nền kinh tế, giảm 3,9% năm ngoái – tệ nhất kể từ năm 1932. Mỹ đã rơi vào suy thoái từ tháng 2/2020. Khi đại dịch còn kéo dài, các nhà kinh tế học dự báo tăng trưởng tiếp tục chậm lại, về dưới 2% trong quý này. Sau đó, GDP mới tăng tốc lại trong mùa hè khi có thêm gói kích thích và nhiều người Mỹ được tiêm vaccine hơn.
9/ Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Cơ quan Dược phẩm và Sản phẩm y tế liên bang Bỉ (AFMPS) thanh tra một nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca tại Bỉ. Giải thích cho quyết định này, Ủy ban châu Âu cho rằng AstraZeneca đã không đưa ra lý do thỏa đáng và minh bạch cho thông báo chỉ có thể đáp ứng 1/4 trong tổng số 400 triệu liều lượng phải bàn giao cho Liên minh châu Âu (EU) trong quý 1/2021 vì các vấn đề liên quan đến sản xuất. Trước AstraZeneca, tập đoàn Pfizer/BioNTech cũng cho biết không thể đảm bảo số lượng vaccine ngừa Covid-19 đã thỏa thuận với EU. Châu Âu lo ngại việc thiếu vaccine sẽ ảnh hưởng mục tiêu đến hết mùa hè có thể tiêm chủng cho 70% người dân, ngưỡng mà nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
10/ Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn cho chương trình “Khung hỗ trợ nhà nước tạm thời” đến cuối năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho các nước thành viên thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kể từ tháng 3/2020, trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, EC đã xây dựng “Khung hỗ trợ nhà nước tạm thời”, trong đó, bao gồm các công cụ tài chính như đưa ra các khoản vay bảo đảm hoặc bơm vốn trực tiếp cho doanh nghiệp để bảo vệ nền kinh tế châu Âu. Bên cạnh việc kéo dài khung thời gian, EC cũng nới lỏng quy định khi cho phép một số khoản vay có thể chuyển thành trợ cấp nhà nước.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 28/1/2021