Indonesia đã khánh thành nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước có công suất 145 MW, được xem là lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nhà máy liên doanh có số vốn đầu tư 143 triệu đô la giữa công ty quốc doanh Perusahaan Listrik Negara (PLN) của Indonesia và công ty năng lượng tái tạo Masdar của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Nhà máy gồm 340.000 tấm pin mặt trời trên diện tích 250 ha tại đập Cirata ở Purwakarta, tỉnh Tây Java. Nhà máy dự kiến sẽ tạo ra 245 GWh điện mỗi năm để hòa lưới đường dây Jawa-Bali giờ điện mỗi năm để đưa vào đường dây phân phối Jawa – Bali của PLN. Lượng điện từ nhà máy đủ đáp ứng nhu cầu của 50.000 hộ dân.
Dự án khởi công tháng 12-2020 sau nhiều năm bị trì hoãn. Lễ khai trương diễn ra ngay trước hội nghị khí hậu toàn cầu COP28 tại UAE vào cuối tháng 11 này. Năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15% trong tổng công suất phát điện hơn 80 GW của Indonesia. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 23% vào năm 2025. Các nhà máy năng lượng của Indonesia phần lớn là nhiệt điện than.
Indonesia đã cam kết giảm 43,2% lượng khí thải carbon so với mức cơ sở năm 2010 và đạt được mức phát thải ròng bằng zero vào năm 2060 nếu tự mình thực hiện và vào năm 2050 với sự hỗ trợ tài chính của quốc tế.
Nhà máy Cirata dự kiến sẽ giúp Indonesia giảm lượng khí thải carbon khoảng 214.000 tấn mỗi năm. PLN và Masdar đang thảo luận để tiếp tục mở rộng nhà máy và tăng công suất phát điện lên tới 500 MW. Nhà máy sử dụng 4% bề mặt đập và chính phủ Indonesia cho phép sử dụng tối đa các tấm pin mặt trời lên tới 20% bề mặt hồ hoặc đập.
Lễ khai trương hôm 9-11 diễn ra chỉ một tuần sau khi Indonesia hoàn thành dự thảo đầu tiên về kế hoạch chính sách và đầu tư toàn diện nhằm đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm dần năng lượng than trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP).
JETP bao gồm hơn 40 dự án lớn. Chính phủ Indonesia hy vọng sẽ được giải nhân nhanh khoản tài trợ 20 tỉ đô la mà các quốc gia phát triển đã cam kết vào năm ngoái để giúp Indonesia chuyển đổi sang năng lượng sạch. Cho đến nay, Indonesia chưa nhận được khoản nào đã hứa hẹn.
“Chúng tôi đã thiết kế hệ sinh thái có lợi cho đầu tư và hợp tác. Trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác về đổi mới công nghệ, đầu tư và vận hành”, CEO Darmawan Prasodjo của PLN phát biểu.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Masdar Indonesia Fatima AlMadhloum Al Suwaidi lại lạc quan về tiềm năng công ty của bà tham gia vào các dự án JETP. “Từ góc độ nhà phát triển, chúng tôi chắc chắn quan tâm đến việc thảo luận về các cơ hội đầu tư. Chúng tôi đang thảo luận về một số cơ hội với PLN, vì vậy chúng tôi rất muốn khám phá các dự án kinh doanh khác nhau trong không gian tái tạo”.
Prasodjo nói thêm rằng PLN hiện đang phát triển chiến lược tăng sản lượng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống lưới điện thông minh. Prasodjo cho biết với hệ thống lưới điện thông minh, chúng tôi sẽ có thể tăng công suất từ năng lượng mặt trời và gió lên tới 28 GW từ mức 5 GW hiện tại
Indonesia gần đây cũng đã triển khai trao đổi carbon IDX Carbon. Nhưng hiện tại chỉ có hai dự án bán đơn vị giảm carbon hoặc tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch, bao gồm nhà máy điện khí đốt tự nhiên PLN ở Bắc Jakarta.
Prasodjo không trả lời cụ thể câu hỏi liệu PLN có kế hoạch đưa dự án nhà máy Cirata lên IDX Carbon hay không. Ông nói: “Chúng tôi có nhiều danh mục carbon khác nhau, mức cắt giảm carbon, bao gồm cả những gì chúng tôi đã làm với hoạt động kinh doanh carbon tự áp đặt và rất thành công”.
Ricky Hồ / BSA Media