Sau Taylor Swift, Singapore đang “ngắm nghía” những ngôi sao toàn cầu để lặp lại thành công tương tự của The Eras Tour.
Cỗ máy kinh tế của Swift (Swiftonomics) đã bơm thêm hàng trăm triệu đô la cho nền kinh tế, gây hiện tượng cháy vé máy bay và phòng khách sạn, tăng doanh thu cho doanh nghiệp nhỏ ở hòn đảo.
Singapore cũng thảo luận sẽ đồng tổ chức với nước láng giềng Indonesia trong các sự kiện giải trí, thể thao tầm vóc khu vực.
Sau Swift sẽ là nghệ sĩ nào?
Sáu đêm diễn của Taylor Swift tại Singapore được xem là thành công vang dội.
Báo chí Singapore quá tải với chuyện đưa tin về Swift. Kênh truyền hình Channel News Asia (CNA) đặt câu hỏi: “Hãy nghĩ đến việc một số người đang phàn nàn liều lượng đưa tin về Swift. Bất cứ thỏa thuận nào mà Singapore đã thực hiện với Swift chắc chắn đã được đền đáp thỏa đáng. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có thể lặp lại thành công này với một nghệ sĩ khác không? Và nếu vậy thì là ai?”
Người Singapore đã đưa ra nhiều lựa chọn. Đó là ca sĩ hay ban nhạc đã từng diễn hoặc chưa từng diễn ở Singapore, chưa đạt thành công lớn về doanh thu như Swift nhưng chắc chắn là những cái tên hút khách. Đó là nữ ca sĩ Beyonce, Adele hay Ariana Grande hay sự tái hợp các thành viên của ban nhạc BTS của Hàn Quốc hay One Direction của Anh tại Singapore.
Sáu đêm diễn duy nhất ở Đông Nam Á của The Eras Tour tại Singapore dường như làm Singapore trở nên xa cách với các nước láng giềng. Thái Lan nghi ngờ Singapore đã tài trợ 12-18 triệu đô la Mỹ cho công ty biểu diễn AEG với điều kiện “chốt” deal là chỉ diễn ở Singapore. Philippines xem chuyện độc quyền “không phải là hành động của láng giềng tốt”.
Đồng tổ chức các sự kiện lớn với Indonesia
Trong một hành động dường như hàn gắn rạng nứt với láng giềng ASEAN, Singapore đã thảo luận về việc đồng tổ chức các sự kiện lớn trong tương lai. Lần này là với Indonesia, dù chỉ là bàn luận trên mặt báo trong tuần này.
Ý tưởng về hợp tác song phương trong tổ chức các buổi hòa nhạc lớn và các sự kiện quốc tế khác đã được Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno đề ra hôm 8-3 nhân chuyến thăm Singapore. Chuyến đi của ông Uno trùng với hai buổi diễn cuối của Swift.
Giáo sư Lawrence Loh từ Khoa Chiến lược và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói mối quan hệ nồng ấm thời gian qua giữa Singapore và Indonesia đồng nghĩa rằng “có tiềm năng to lớn trong việc tổ chức nhiều sự kiện lớn”. Ông nhấn mạnh cả hai đều có địa điểm đủ rộng để tổ chức các buổi hòa nhạc và sự kiện thể thao, cũng như không gian triển lãm cho các sự kiện hội nghị, khuyến thưởng và triển lãm (MICE).
Nhưng trước tiên, cả hai bên phải xác định những sự kiện nào đủ lớn và phù hợp để cùng tổ chức, theo Tiến sĩ Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) và là điều phối viên Chương trình nghiên cứu Indonesia.
“Mối quan hệ song phương tốt đẹp hiện nay chắc chắn rất quan trọng. Nhưng để mọi việc diễn ra và thành công, chúng ta cần có sự hợp tác và sáng tạo giữa các doanh nghiệp. Chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, nhưng không nên và không thể đóng vai trò chính”, ông Siwage nói.
Chuyên gia nghiên cứu Rebecca Neo tại Viện ISEAS chỉ ra những thách thức đối với những sự kiện quy mô. Đó là xác định mỗi khía cạnh hay vấn đề mà mỗi bên cần giám sát. Bà liệt kê các yếu tố như quyết định quyền tổ chức, tài chính, cơ sở hạ tầng và phân bổ nhân lực.
“Thời gian kế hoạch dài của các sự kiện phối hợp chung có thể khiến các công ty biểu diễn ngán ngẩm. Họ thường quay về tổ chức ở một quốc gia”, Neo nói.
Tiến sĩ Mustafa Izzuddin, nhà phân tích các vấn đề quốc tế cấp cao thuộc hãng tư vấn chính sách và kinh doanh Solaris Strategies Singapore, nói rằng mặc dù ý tưởng cùng tổ chức một sự kiện là một ý tưởng hay nhưng việc đồng tổ chức chỉ có ý nghĩa khi sự kiện thành công về mặt tiền bạc. Bảo vệ an ninh cho sự kiện, chống vé giả cũng sẽ khó cho việc đồng tổ chức một sự kiện cùng lúc ở cả Indonesia và Singapore.
Tuy nhiên, cả Singapore và Indonesia dường như đã sẵn sàng trong việc đồng tổ chức các sự kiện lớn. Tháng 12-2023, Singapore và Indonesia đã cùng nhau đệ trình đơn lên FIFA để đồng đăng cai giải bóng đá thế giới World Cup U20 vào năm 2025 và World Cup U17 từ năm 2025 đến năm 2029. Tổng thống Indonesia lúc đó là Joko Widodo nói với các phóng viên ở Jakarta rằng ông tin rằng cả hai nước đều có thể là chủ nhà tốt. Bởi các sự kiện thể thao sẽ rất đông người tham dự và diễn ra trong vài tuần.
Lễ hội âm nhạc khu vực
Còn bà Neo cho biết các lễ hội âm nhạc có thể là khởi đầu tốt để cả hai nước hợp tác trong một sự kiện, đặc biệt là khi Đông Nam Á đã trở nên nổi tiếng với một số lễ hội âm nhạc nổi tiếng như We The Fest hàng năm ở Jakarta.
Bà chỉ ra cách tiếp cận khả thi trong các lễ hội quốc tế diễn ra ở cả Singapore và Indonesia. Quyền tổ chức lễ hội sẽ thuộc quốc gia xuất xứ của lễ hội. Việc mở rộng khu vực tổ chức có nghĩa là người hâm mộ sẽ có nhiều cơ hội để xem nghệ sĩ được họ yêu thích biểu diễn. Điều này đồng nghĩa là tiền sẽ được bơm vào nền kinh tế của nước chủ nhà, nước đồng tổ chức nhiều hơn.
Chẳng hạn, theo bà Neo, lễ hội âm nhạc Summer Sonic Bangkok 2024 là một nhánh của lễ hội Summer Sonic nổi tiếng ở Nhật Bản. “Theo cách tương tự, các nước trong khu vực có thể áp dụng phương pháp này để các lễ hội mang màu sắc khu vực hơn, thay vì chỉ thuộc về một quốc gia”.
Nhưng nếu chỉ đề cập đến những điều trên thì chúng ta chỉ đang đề cập đến phần nổi của tảng băng chìm. Singapore đang nỗ lực giành từ Hồng Kông vị trí trung tâm triển lãm, biểu diễn nghệ thuật của châu Á với việc đầu tư cho các bảo tàng, phòng triển lãm. Kế hoạch đầu tư cho các trung tâm biểu diễn có năm đạt ngân sách 65 triệu đô la Singapore, có năm xuống thấp. Nhưng trong tài khóa Singapore Budget 2024, chính phủ Singapore đã dành 100 triệu đô la Singapore cho kế hoạch dài hơi bốn năm dành cho trung tâm trình diễn, phòng triển lãm nghệ thuật.
Theo CNA, Straits Times, Business Times
Ricky Hồ / BSA Media