Xung đột Trung Đông khiến các thương hiệu phương Tây bị tẩy chay ở Indonesia và Malaysia

Một phụ nữ đi ngang cửa hàng Mc Donald’s ở trung tâm Jakarta hôm 29-2. Các thương hiệu phương Tây đang bị khách hàng ở hai thị trường Hồi giáo là Indonesia và Malaysia tẩy chay. Ảnh: Nikkei Asia

Các thương hiệu lớn của phương Tây đang đang đối diện với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng ở Indonesia và Malaysia. Bởi người dân hai đất nước Hồi giáo này phản đối cuộc xung đột Israel – Hamas ở dải Gaza.

Unilever với các nhãn hàng nổi tiếng như xà bông Dove và kem Ben & Jerry’s và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh toàn cầu McDonald’s là hai trong số những thương hiệu toàn cầu nói rằng kinh doanh của họ tại hai đất nước Hồi giáo trên đang gặp khó khăn.

Phát biểu tại buổi báo cáo kết quả kinh doanh hôm 8-2, Giám đốc tài chính Fernando Fernandez của Unilever cho biết: “Tại Indonesia, chúng tôi chứng kiến doanh số bán hàng giảm hai con số trong quí 4 vừa rồi, do doanh số của một số công ty đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch hướng tới người tiêu dùng, phản đối căng thẳng địa chính trị”.

Raisa Pinadia, một nhân viên văn phòng 28 tuổi ở Tangerang thuộc ngoại ô Jakarta, nói với Nikkei Asia: “Tôi cố gắng tránh sử dụng hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ Unilever, Danone và về cơ bản là các sản phẩm của phương Tây đã công khai ủng hộ Israel. Tôi không muốn chi tiền cho những thương hiệu như vậy bởi tôi quan tâm đến thân phận người dân Palestine”.

Trước đó, hôm 5-2 McDonald’s cũng đề cập “doanh số yếu” của chuỗi thức ăn nhanh ở thị trường quốc tế trong quí 4-2023, một phần là do xung đột Trung Đông. Các thị trường quốc tế mà McDonald’s nhượng quyền thương mại cho các đối tác chỉ tăng 0,7% trong quí, suy giảm mạnh so với mức tăng 16,5% của cùng kỳ năm 2022. “Tình trạng này phản ánh tác động của cuộc chiến ở Trung Đông”, báo cáo của McDonald’s viết.

CEO Chris Kempczinski phát biểu: “Tác động rõ rệt nhất mà chúng tôi đang thấy là ở Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo như Indonesia và Malaysia. Nếu cuộc xung đột còn tiếp diễn, chúng tôi không mong đợi sẽ thấy bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào ở những thị trường này”.

Xóa tan “hiềm khích” với người tiêu dùng

Trong khi đó, các công ty đa quốc gia đã cố gắng xóa tan nhận thức rằng họ đang nghiêng về bên này hay bên kia trong cuộc xung đột.

“Chúng tôi rất buồn và lo ngại về cuộc xung đột ở Trung Đông”, Unilever Indonesia cho biết trong thông cáo hồi tháng 11 năm ngoái. Tập đoàn này nhấn mạnh sự đóng góp của họ trong việc phục vụ người tiêu dùng ở Indonesia trong 90 năm. “Sản phẩm của chúng tôi được người dân Indonesia sản xuất, phân phối và bán rộng rãi ở đây”, thông cáo viết.

Lực lượng Hamas đã tấn công Israel vào ngày 7-10-2023, làm thiệt mạng khoảng 1.200 người. Hamas cũng bắt giữ 200 người đến Dải Gaza làm con tin, một số người trong số họ đã được giải thoát. Ngược lại, Bộ Y tế Gaza cho biết hơn 30.000 người đã thiệt mạng tại vùng lãnh thổ này kể từ khi Israel trả đũa bằng các cuộc không kích và tấn công trên bộ.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhiều lần lên án hành động của Israel ở Gaza. Tin chiến sự Trung Đông cũng được truyền thông xứ vạn đảo chú trọng trong thời gian qua. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia tháng 12 rồi, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chỉ trích điều mà ông gọi là “đạo đức giả” quốc tế về cuộc khủng hoảng Gaza.

Indonesia và Malaysia không công nhận Israel về mặt ngoại giao, cũng không cấm đoán dân chúng phản đối hay tẩy chay Israel và các bên liên quan. “Chúng tôi không cấm các hoạt động tẩy chay bất kỳ sản phẩm nào miễn là mọi việc phù hợp với pháp luật”, hãng thông tấn Tempo trích lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan .

Tại Malaysia, Berjaya Food, chủ sở hữu nhượng quyền chính của chuỗi cà phê Starbucks tại Malaysia, báo cáo doanh thu giảm 38,2% xuống 182,55 triệu ringgit (38,7 triệu đô la) trong quí 2 kết thúc tháng 12-2023 (năm tài chính ở đây bắt đầu từ tháng 7). Berjaya nói doanh thu sụt giảm chủ yếu là do “tình trạng tẩy chay đang diễn ra”.

Hãng chứng khoán CGS-CIMB Securities có trụ sở tại Malaysia cho biết trong một báo cáo: “Cuộc tẩy chay này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong thời gian ngắn của Berjaya Food, đè nặng lên giá cổ phiếu của công ty này cho đến khi lời kêu gọi tẩy chay tan biến. Lợi nhuận ròng của công ty sẽ giảm 30% trong năm tài chính 2024”.

Người tiêu dùng Malaysia công khai phản đối, nói “không cần Starbucks, McDonald’s và những thương hiệu đang làm ăn với Israel”.

Trong nỗ lực xóa tan “hiềm khích” với khách hàng, hôm 28-2 Starbucks Malaysia đã nhắc lại rằng: “Nhượng quyền thương mại địa phương hoàn toàn thuộc sở hữu của một công ty niêm yết đại chúng của Malaysia là Berjaya Food, công ty liên tục thể hiện cam kết của mình với người dân Malaysia trong hơn 25 năm qua”. Chuỗi cà phê nhấn mạnh họ đã tuyển dụng hơn 5.000 người làm việc tại 400 cửa hàng khắp Malaysia.

Tỷ phú Vincent Tan, người sáng lập Berjaya, đã kêu gọi người dân Malaysia chấm dứt tẩy chay, bởi công ty điều hành thuộc sở hữu địa phương và nhân sự của Starbucks Malaysia hầu hết đều là người bản xứ. “Tại các cửa hàng, 80-85% nhân viên là người Hồi giáo. Hành động tẩy chay này không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”, nhà tài phiệt Malaysia phát biểu hôm 4-3 khi đang công tác tại Nhật Bản.  

Tiểu thương cũng bị vạ lây

Không chỉ các gã khổng lồ mới bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cảm nhận được sức nóng từ phản ứng của khách hàng.

Neneng Suria, chủ cửa hàng tạp hóa có trụ sở tại Bogor thuộc ngoại ô Jakarta, nói rằng sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại sạp hàng của bà là nước đóng chai Aqua từ gã khổng lồ đồ uống Danone của Pháp. Sức mua giảm khoảng 80% trong tháng 12. “Các sản phẩm không bán được đang tràn đầy trong kho”, bà chủ này nói.

Tuy nhiên, Suria và gia đình bà vẫn ủng hộ việc tẩy chay. “Mối quan tâm của tôi hồi đó là hàng tồn kho của tiệm, nhưng sau khi xem tác động… chúng tôi không quan tâm nữa”.

Truyền thông Indonesia dẫn lời đại diện Danone hồi tháng 11 rằng Danone không hoạt động ở Israel và không có nhà máy ở đó. Vị đại diện cho biết, tại Indonesia Danone có 25 nhà máy với 13.000 nhân viên, phục vụ hơn 1 triệu tiểu thương trên cả nước.

Theo Nikkei Asia